Thứ 7, 23/11/2024, 10:43[GMT+7]

Học Bác mãi mãi về giữ gìn di sản văn hóa

Thứ 2, 06/06/2022 | 09:38:39
18,934 lượt xem
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa lớn của nhân loại. Sinh thời, Người thường xuyên quan tâm đến sự nghiệp giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới của nước nhà.

Du thuyền hát giao duyên tại lễ hội chùa Keo.

Khi đất nước mới giành được độc lập, toàn dân bừng bừng khí thế tiến công cách mạng xóa bỏ các tàn dư của chế độ phong kiến, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xóa bỏ mê tín dị đoan... Trong bối cảnh đó, không ít di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể trong hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị “quy oan”, bị xóa bỏ. Vì sớm biết rõ những hậu quả khôn lường từ những nhận thức và hành động ấu trĩ này nên chỉ sau hơn hai tháng lập nước, dù đang phải ứng phó với biết bao công việc để kháng chiến, kiến quốc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65 ngày 23/11/1945 về việc bảo tồn cổ tích. Điều 4 của Sắc lệnh nêu rõ: “Cấm phá hủy đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác như cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử mà được bảo tồn”.

Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, hầu hết các địa phương đã phải triển khai thực hiện tiêu thổ để kháng chiến. Nhiều thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo của làng bị tháo dỡ để quân giặc không có chỗ đóng quân; bia đá bị đập đổ để đem làm vật cản đường tiến quân của giặc, nhiều chuông đồng cùng các đồ thờ bị đem rèn, đúc làm vũ khí. Vì chiến tranh cho nên hội làng truyền thống không có điều kiện duy trì...

Từ sau năm 1954, trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc, do những nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan khác nhau nên nhiều di sản văn hóa đã bị mai một, thậm chí có một thời gian dài bị đố kỵ, bị đánh đồng với những tàn dư của chế độ phong kiến để lại. Những năm tháng tiến hành công cuộc cải cách ruộng đất và quá trình hợp tác hóa nông nghiệp, nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của hầu hết các làng ở miền Bắc bị “ngược đãi”. Nhiều đình, chùa, đền, miếu bị hạ giải để lấy vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi của xã hoặc bị sử dụng làm trụ sở ủy ban xã, làm trường học, trạm xá, nhà kho... nhiều bia đá bị đập để nung vôi, chuông đồng bị bán để đúc đồ gia dụng, thần tích, địa bạ, gia phả cùng các loại sách vở chữ Hán Nôm bị đem làm quạt, làm diều..., lễ hội của làng không được duy trì; nhiều trò chơi, trò diễn dân gian “một đi không trở lại” cùng với những nghệ nhân cao niên vốn từng tắm mình với nó...

Có lần chúng tôi đã hỏi ông Ngô Nguyên Lãng, nguyên Trưởng ty Văn hóa tỉnh nhiều năm ở thập kỷ 50 của thế kỷ XX về tình trạng các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo như đình, đền, chùa, miếu, văn từ, văn chỉ, bia đá, chuông đồng, sách chữ Nho... bị tháo dỡ hoặc bị sử dụng vào mục đích khác, ông cho biết thực ra không có văn bản chỉ đạo nào từ trên xuống nhưng làng này làm, làng kia làm trở thành xu thế “cách mạng” chung không ai dám cản vì nếu cản thì sẽ lại mang khuyết điểm là ảnh hưởng tư tưởng phong kiến, là duy tâm, là bảo thủ, là thiếu ý chí cách mạng...

Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, hiện tượng dùng đình, đền làm trụ sở ủy ban nhân dân xã, thậm chí là bán đình làng để lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi cho xã ở nơi này, nơi kia không phải là không còn.

Nhận thức là một quá trình. Cho đến đầu những năm 1980, xu hướng chấn hưng văn hóa làng dễ nhận thấy là lễ hội truyền thống ở nhiều làng được phục hồi từng được xem là hiện tượng “bùng nổ” của hội làng thì dư luận của xã hội, của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý chưa hẳn đã thống nhất. Từ khi Đảng ta chủ trương đổi mới đất nước, đặc biệt là từ những năm đầu 1990 trở đi, xu hướng chấn hưng văn hóa làng ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ ngày càng thêm sôi động. Lớp người cao tuổi ở các làng, trong đó có cả những người trước đây ở thời trai trẻ đã hăm hở phá đình, đốt sách Hán Nôm thì nay lại lặn lội cùng con cháu đi tìm lại thần tích, sắc phong thành hoàng làng, chẳng quản công sức tập hợp các nguồn lực trùng tu tôn tạo lại các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo của làng. Cùng với quá trình này thì ý thức cộng đồng, cộng cảm, tính tự chủ, tự quản trong từng cộng đồng làng cũng được chấn hưng.

Nắm bắt xu thế này, Thái Bình và một số tỉnh thành phía Bắc đã thí điểm khai thác tiềm năng, tiềm lực tự chủ, tự quản của các cộng đồng làng để triển khai các thao tác xây dựng làng văn hóa nhằm đổi mới nội dung, phương thức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Vấn đề đặt ra là, muốn xây dựng làng văn hóa thì phải có quy ước, hương ước của làng, mà làng cũ lại gồm nhiều thôn, xóm hiện hành. Vào thời điểm đó có không ít ý kiến trái chiều đã được trao đổi trên các diễn đàn. Có ý kiến cho rằng, khơi dậy tính cố kết của các cộng đồng làng sẽ khơi dậy tính cục bộ của các làng trong các địa phương. Mặt khác, đơn vị dân cư đã được tổ chức theo mô hình xóm (hoặc thôn). Có xóm, thôn hiện hành gồm phần đất đai, tài sản, dân cư của hai làng cũ hợp thành, nếu lấy làng làm đơn vị để xây dựng làng văn hóa có thể dẫn đến sự xáo trộn trong đời sống. Có ý kiến cho rằng, khuyến khích các làng biên soạn hương ước sẽ dẫn đến tình trạng “phép vua thua lệ làng”.

Năm 1995, chúng tôi được ông Giang Đức Tuệ, ở tuổi 85, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình những năm 1957 - 1959 kể cho nghe câu chuyện khá lý thú khi ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1958. Khi đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cử ông cùng một số cán bộ lên mời Bác Hồ về thăm tỉnh. Sau khi làm việc xong, Bác mời ông Tuệ cùng đoàn ăn cơm với Bác tại Phủ Chủ tịch. Trong bữa cơm Bác ân cần hỏi chuyện mọi người và đột ngột Bác hỏi: “Ở Thái Bình các chú còn duy trì hương ước không?”. Mọi người lúng túng nhìn nhau. Ông Tuệ dè dặt trả lời: “Thưa Bác không ạ!”. Nét mặt Bác không vui và giải thích: “Hương ước là những khoản ước trong làng, người ta quy định với nhau không để trâu bò phá hoại lúa, mạ, không để gà qué ăn rau, màu, không được trộm cắp của nhau... Đó là những phong tục đẹp trong nông thôn nước ta trước đây. Từ sau ngày cách mạng các chú xóa bỏ hết cả, thế là không đúng. Cách mạng chỉ xóa đi cái xấu, cái dở, còn cái tốt cái hay cần gìn giữ và phát huy chứ!”. Hơn ai hết, Bác Hồ là một nhà văn hóa lớn đã thấu hiểu được căn cốt của mối quan hệ gia đình - làng - nước. Gia đình văn hóa điều chỉnh đời sống văn hóa bằng quan hệ ruột thịt, tình cảm. Làng điều chỉnh đời sống văn hóa bằng quan hệ dư luận, thông qua những lệ làng, hương ước. Hệ thống văn hóa nhà nước từ trung ương đến xã điều chỉnh đời sống văn hóa bằng quan hệ luật pháp.

Thấm nhuần tư tưởng và quan điểm của Bác, có nhà nghiên cứu Việt Nam học đã lý giải: “Trước đây, về mặt hành chính cũng chia ra: hương, thôn, xá, xã... nhưng đó là đối với cơ quan nhà nước. Nhân dân hàng bao thế kỷ nay thì chỉ biết có làng. Từ khi có làng, mọi thế hệ đều gắn bó với làng, và dù dưới triều đại nào, dù bọn xâm lược đến nước này là người Á hay người Âu, dù theo văn minh Đông hay văn minh Tây, làng vẫn cứ kiên cường tồn tại. “Phép vua thua lệ làng”, thành ngữ ấy thường bị hiểu lầm, bị vận dụng một cách sai trái, thực ra nó có một ý nghĩa khác: Làng có một sức mạnh, sức bền, không dễ dùng quyền uy mà lấn lướt được. Cần phải biết lệ làng mới có thể chinh phục được làng. Bọn xâm lăng không biết lệ làng, nên những gì chúng áp đặt vào làng đều bị bật ra. Các giáo lý của triều đình nhập vào làng thì phải có cách gì đó, hòa với làng mới có thể có vị trí tôn vinh được”.

Từ thực tiễn phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình cho thấy, nơi nào khai thác tốt tính tự chủ, tự quản, tính cộng đồng, cộng cảm của thôn, làng để xây dựng và duy trì hương ước thì ở nơi đó sẽ về đích nhanh hơn, phát triển bền vững hơn.

Mới hay: càng nhìn lại thực tế bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa làng, thực tế triển khai xây dựng làng văn hóa và thực trạng xây dựng nông thôn mới lại càng thấm thía thêm hơn về tầm cao trí tuệ của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thanh


  • Từ khóa