Thứ 5, 16/01/2025, 03:56[GMT+7]

Câu chuyện về chiếc liềm xén và kỷ niệm hai lần được gặp Bác Hồ

Thứ 2, 13/06/2022 | 10:26:04
6,320 lượt xem
Một câu chuyện nhỏ nhưng suốt 60 năm qua ông Phạm Văn Quynh, thôn Nam Lâu, xã Thanh Tân (Kiến Xương) vẫn lưu giữ như một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời mình, đó là câu chuyện về chiếc liềm xén đồng hành với người nông dân và 2 lần ông được gặp Bác Hồ khi Người về thăm Thái Bình.

Ông Phạm Văn Quynh luôn khắc ghi lời Bác dạy và học Bác từ những việc nhỏ nhất.

Ở tuổi 82, chân đã chậm, mắt đã mờ và bị ảnh hưởng một phần về trí nhớ do bị tai biến nhẹ nhưng ông Quynh vẫn nhớ như in những sự kiện đặc biệt trước đây. Ông chia sẻ: Câu chuyện đã 60 năm rồi, cái liềm xén cũng vì thế mà trở thành nông cụ quen thuộc, rất cần thiết của người nông dân tỉnh Thái Bình nói riêng, một số tỉnh miền Bắc nói chung mỗi khi đến vụ thu hoạch lúa. Nó cũng không phải cái gì to tát cả, chỉ là một sáng kiến cải tiến một số bộ phận từ chiếc liềm hái. Ngày ấy tôi không nghĩ đến lợi ích cá nhân, sau khi chiếc liềm xén được sử dụng đại trà cũng là lúc tôi lên đường đánh giặc theo tiếng gọi của Tổ quốc. Chỉ có kỷ niệm được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người là còn mãi, tôi chẳng bao giờ quên.

Lần tìm về quá khứ, ông Quynh nhớ từng kỷ niệm rồi cứ vậy kể cho tôi nghe như câu chuyện mới xảy ra. Vụ mùa năm 1961, lúa của HTX Thanh Tân sắp chín đại trà, mưa gió lớn làm nhiều diện tích bị đổ gục. Trong lúc bà con nông dân ngán ngẩm vì việc thu hoạch lúa tốn nhiều thời gian, công sức, lúa chín nhanh, rụng nhiều thì Phạm Văn Quynh khi đó mới 19 tuổi đã có một sáng kiến vô cùng hữu ích với mục đích giúp bà con trong xã giải quyết khó khăn ấy. Ban đầu, chàng trai trẻ chỉ thuê người rèn vài cái theo đúng mẫu ý tưởng của mình và thực nghiệm trên chính 2 thửa ruộng 6 sào của nhà mình. 

Ông Quynh nhớ lại: Lúc đó nhà tôi có mẫu hai ruộng, một mảnh tôi thuê 24 thợ gặt bằng liềm hái và gặt theo cách truyền thống. Một mảnh chỉ có 6 người và gặt bằng liềm xén và gặt cả gốc (gặt truyền thống ở Thanh Tân ngày ấy là gặt hớt ngọn). Cuối cùng, hai mảnh cùng thu hoạch với khoảng thời gian như nhau, mảnh ruộng có 24 người gặt chở lúa về nhà trước còn mảnh gặt bằng liềm xén về sau một chút. Sau khi gặt, tôi rút ra được vài ưu điểm của chiếc liềm xén là nhân công giảm, thích hợp với ruộng lúa bị đổ rạp, hơn một công đoạn là xén nhưng giảm thời gian phải gặt gốc sau khi thu hoạch xong.

Ngay sau vụ mùa năm ấy, ý tưởng cải tiến nông cụ trong sản xuất của Phạm Văn Quynh được Ủy ban Hành chính huyện Kiến Xương ghi nhận và tổ chức hội thảo đầu bờ để áp dụng đại trà cho vụ mùa sau. Lần hội thảo ấy, huyện giao cho ông đặt 200 chiếc liềm xén để gửi các đại biểu về dự. Nhận thấy ưu điểm của chiếc liềm xén, từ vụ mùa năm 1962 toàn huyện Kiến Xương và một số xã ở huyện khác chuyển sang sử dụng loại liềm này. 

Ông Nguyễn Văn Đằng, thôn Nam Lâu cho biết: Trước đây chiếc liềm xén rất giá trị, nhà nào cũng cần, cả xã đều dùng. Ngày đó một người như tôi xén bằng 7 người cắt lúa. Đến giờ nhà tôi vẫn giữ và dùng chiếc liềm này thấy rất hiệu quả, nhất là trong việc xén lạc. Cũng từ cải tiến này mà Phạm Văn Quynh trở thành thanh niên tiêu biểu và được kết nạp vào Đảng. 

Ông Phạm Văn Nam, chủ lò rèn thôn Nam Lâu cho biết: Gia đình tôi làm nghề rèn cha truyền con nối. Bố tôi là người được ông Quynh đưa liềm xén về để hành nghề. Ngày đó chưa có máy gặt nên dân dùng nhiều, bản thân tôi thời trẻ cũng làm ngày làm đêm để phục vụ khách đặt hàng, bình quân mỗi vụ tôi làm từ 2.000 - 3.000 chiếc liềm xén. Cũng vì thế mà trước đây thu nhập của gia đình tôi có phần khá giả, mang ơn người đã cải tiến ra chiếc liềm này.

Chiếc liềm xén hiện vẫn được nhiều khách hàng ở các nơi đặt mua.

Chính nhờ sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ nông nghiệp của mình mà Phạm Văn Quynh được đi dự hội nghị sản xuất, gặp Bác Hồ lần thứ hai tại xã Nam Cường (Tiền Hải) ngày 26/3/1962. Ông nhớ lại: Lần đầu được nhìn thấy Bác là lần Bác về nói chuyện với nhân dân Thái Bình ở sân vận động thị xã Thái Bình năm 1958, lúc ấy tôi chỉ được nhìn thấy Bác chứ không được gần Bác. Lần thứ hai tôi gặp Bác, được Bác trao Huy hiệu của Người và dặn chúng tôi, các cháu còn trẻ, phải cố gắng nghiên cứu làm giàu cho tỉnh... Lời dạy của Bác đã theo tôi suốt những năm tháng chiến đấu trên chiến trường, công tác trong quân đội và cả khi về công tác ở địa phương. Tôi luôn tâm niệm học theo Bác từ những việc nhỏ nhất và hơn hết là học theo Bác từ tư tưởng đến hành động.

Năm 1976, ông Quynh rời quân ngũ,  tiếp tục tham gia công tác ở địa phương với nhiều vị trí khác nhau song ông vẫn giữ trong mình phẩm chất sáng ngời của người lính Cụ Hồ. Nay dù đã ở  tuổi “bát thập” nhưng ông vẫn luôn giáo dục con cháu trong gia đình không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gương mẫu, tích cực học tập, lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương.

Thu Thủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày