Người mang đến những mùa xuân đất nước
Tết độc lập đầu tiên Bác đến với người nghèo
Tết Bính Tuất 1946 đến chỉ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hơn năm tháng. Mặc dù bộn bề công việc để xây dựng nền móng chế độ mới, song Người vẫn không quên quan tâm tới cái Tết đầu tiên của nhân dân vừa thoát khỏi ách thực dân phong kiến.
Người dành đêm Giao thừa độc lập đầu tiên để đi thăm một số gia đình "Tết nghèo, Tết vừa, Tết khá, Tết sang" ở thủ đô Hà Nội. Đó là nhà một người phu kéo xe ở cuối ngõ Hàng Đũa (nay là khu vực phố Ngô Sỹ Liên), không đủ tiền về quê ăn Tết với gia đình, vào thời khắc mọi gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị đón giao thừa thì lại chỉ có một mình, bị sốt, nằm đắp chiếu trên chiếc võng tre trong căn phòng hẹp lạnh lẽo. Thương cảm trước cảnh "30 Tết mà không có Tết" của người phu xe nghèo, Bác dặn đồng chí thư ký hôm sau nhớ mang thuốc, quà và thiếp chúc Tết đến thăm hỏi.
Đến nhà một viên chức ở phố Hàng Lọng gần ga Hàng Cỏ (nay là phố Lê Duẩn), khi nhận ra Bác Hồ, mọi người luýnh quýnh cả lên, kéo vội quần áo đang phơi trên dây thép chăng ngang nhà để đón Bác vào. Được Bác chúc Tết, thăm hỏi, gia đình vui sướng quây quần quanh Bác, quên cả chúc Tết Người. Bác còn chúc tết một gia đình buôn bán ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông) và thăm Cố vấn Vĩnh Thụy rồi mới kết thúc chương trình.
Chương trình "thăm dân" Tết độc lập đầu tiên 1946 kể từ đó đã trở thành nét đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh mỗi khi Tết đến - Xuân về, góp phần làm sáng ngời thêm tấm gương của vị lãnh tụ gắn bó thân thiết với nhân dân, quan tâm đồng cảm với từng số phận của con người trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.
Những cái tết kháng chiến ấm tình đồng bào, đồng chí
Chặng đường kháng chiến chống thực dân Pháp đã ghi dấu chân của Bác qua Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên... hoà cùng với những khó khăn, vất vả và sự hy sinh của đồng bào, đồng chí. Ở chiến khu Việt Bắc, Bác cùng Chính phủ kháng chiến đón những ngày Tết vô cùng đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, với những đêm giao thừa quanh bếp lửa ấm tình đồng chí, đồng bào, những thực phẩm tự tăng gia và hoa rừng.
Tết kháng chiến đầu tiên, tết Đinh Hợi năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vùng đồng bằng gần Hà Nội. Chiều 30 Tết (tức ngày 21/01/1947) từ Cần Kiệm (Thạch Thất), Bác đi dự họp Hội đồng Chính phủ rồi đến Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam trong hang chùa Trầm (Quốc Oai) để chúc năm mới Đinh Hợi đúng vào lúc giao thừa. Bác nói chuyện với cán bộ và nhân viên Đài Phát thanh, trong đó có khá nhiều bè bạn đến từ các nước cùng góp phần với Việt Nam kháng chiến. Lúc Bác gần về, sư cụ Chùa Trầm xin lên "yết kiến" Bác và thành kính dâng Bác mâm bánh chưng. Bác cảm ơn sư cụ và chúc nhà chùa sang năm mới càng ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công. Sáng mùng 1 Tết, Bác vẫn như ngày thường, vẫn làm việc đúng giờ giấc, vẫn đôi kính trắng ngồi đọc sách, tay cầm bút chì đỏ gạch những đoạn cần sửa trong cuốn "Vấn đề du kích". Chiều mùng 1 Tết, suất cơm Tết kháng chiến của vị Chủ tịch nước vẫn là những món ăn quen thuộc: Cơm độn sắn, mấy miếng thịt nạc rim và bát canh rau cải. Buổi tối, Bác cùng một số đồng chí ngồi sưởi ấm quanh bếp lửa, ôn lại những kỷ niệm Tết đã qua, mơ về một cái Tết vui vẻ và đầm ấm, để càng gắng sức hơn cùng cả dân tộc, với tinh thần "Tết này gian khổ để cho những Tết về sau được sum vầy".
Tết Mậu Tý 1948 là cái Tết đầu tiên Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, trong niềm vui chung của cả nước sau chiến thắng Việt Bắc lừng lẫy. Trước Tết hơn một tháng, Bác đã nhắc nhở các ngành, các cấp chuẩn bị Tết cho bộ đội và đồng bào. Riêng Bác cũng chuẩn bị món quà Tết rất đặc biệt là Thơ Xuân chúc mừng năm mới. Từ núi rừng Việt Bắc anh dũng, những lời thơ chúc mừng năm mới của Bác Hồ vang lên mộc mạc nhưng chứa đựng quyết tâm lớn thúc đẩy toàn dân, động viên cả nước kiên trì kháng chiến đến ngày hoàn toàn thắng lợi: "Toàn dân đại đoàn kết - Cả nước dốc một lòng - Thống nhất chắc chắn được - Độc lập quyết thành công!".
Nhờ chăn nuôi và trồng trọt giỏi và gương mẫu, cả Bác cũng thường xuyên tham gia, nên cơ quan Bác Hồ ăn tết khá rôm rả, su hào và cải bắp không thiếu, còn chi viện cho các cơ quan khác. Nhà bếp cũng mổ lợn, thịt gà, cũng gói bánh chưng và muối dưa hành... Đêm 30 Tết, Bác cùng với anh chị em trong cơ quan đón giao thừa. Bên bếp lửa hồng, mọi người quây quần bên Bác, nghe Bác kể chuyện về những cái Tết của 30 năm xa Tổ quốc trước đây, nơi đất khách quê người. Sáng mùng 1 Tết, anh em phục vụ chuẩn bị một bó hoa rừng nhiều màu sắc, vào lán chúc Tết Bác. Bác nhận hoa và vui vẻ thân ái chúc Tết mọi người, thân thiết như ở gia đình.
Năm mới, Bác nghĩ nhiều đến các chiến sĩ ở mặt trận. Bác viết thư gửi Tiểu đoàn 223 (thuộc Đại đoàn 308), gửi Trung đoàn 29 (Trung đoàn Thủ đô) căn dặn cán bộ, chiến sĩ bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu đều phải liên lạc mật thiết với dân, phải làm cho dân mến, dân tin. Bác còn viết thư gửi đồng bào Việt Bắc, gửi Ty Giáo dục, các hiệu trưởng, giáo viên và các học sinh khu X, gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và huyện ba tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn... Cứ thế, từ căn lán nhỏ giữa núi rừng Việt Bắc, ven sườn đồi Khuôn Tát, cạnh đèo De, dưới chân núi Hồng, những cánh thư mang hơi ấm mùa xuân, mang tình cảm bao la của Bác Hồ đã đến với mọi ngành, mọi người khắp mọi miền đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Anh hùng chiến sĩ thi đua miền Nam ra thăm miền Bắc đến chúc Tết Người (19/1/1966).
Bác luôn nhớ miền Nam và tin tưởng một mùa Xuân thống nhất
Trong trái tim Bác, đồng bào miền Nam chiếm một vị trí đặc biệt. Những lúc vui mừng nhất của Bác là được nghe tin chiến thắng ở miền Nam và mỗi khi nghĩ đến những đau khổ của đồng bào miền Nam, Bác bùi ngùi thương xót vô cùng. Vào các dịp lễ Tết, điều đầu tiên Bác nghĩ tới là đi thăm các trường con em miền Nam, "vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó"[1]. Bác bảo: "Các cháu xa nhà, xa quê. Mong người thân lắm. Để Bác đến thăm cho các cháu đỡ buồn". Vậy là Bác đi, khi Vĩnh Phú, lúc Hải Phòng. Bác còn gợi ý bà con miền Bắc đón các cháu về ăn Tết với gia đình cho các cháu đỡ nhớ nhà, nhớ quê. Dịp Tết năm 1956, sau khi đến thăm Trại nhi đồng miền Nam, Bác gửi biếu Trại 300 đồng tiền nhuận bút một bài báo của Bác. Cụ bà Nguyễn An Ninh (phụ trách Trại) quyết định dùng 150 đồng để ăn Tết còn 150 đồng để tăng gia.
Tết Đinh Mùi 1967 - sau ngày phái đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đặt trụ sở tại Hà Nội, Bác đã gửi một lẵng hoa tươi với thiếp chúc mừng năm mới do Bác tự tay ký. Bất ngờ hơn, chiều 30 Tết, Bác đến tận trụ sở phái đoàn để thăm anh chị em. Nhìn cành đào, Bác hỏi những người con miền Nam về Tết ở miền Nam, về hoa mai vàng. Bác chúc anh chị em "Năm mới thắng lợi mới". Bác chia kẹo cho tất cả mọi người, cho cả những người vắng mặt. Trong không khí gia đình vô cùng ấm áp, giọng nói của Bác vang lên như nói cho cả miền Nam nghe: "Đồng bào và chiến sĩ miền Nam ta chiến đấu rất anh hùng, rất thông minh, tài trí, nhất định sẽ đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhất định miền Nam sẽ giải phóng, Tổ quốc ta sẽ thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà".
Tết Mậu Thân 1968 là một cái Tết đặc biệt vì kể từ ngày Bác trở về nước năm 1941, chỉ có mùa Xuân này Bác phải đón Tết xa Tổ quốc. Từ thủ đô Bắc Kinh xa xôi, Bác và đồng chí thư ký Vũ Kỳ ngồi im lặng bên nhau nghe tin tức, ca nhạc và nghe ngâm thơ Tết, chờ đón giao thừa. Trong tiếng pháo nổ ran tiễn Đinh Mùi và đón Mậu Thân, từ chiếc đài bán dẫn, lời chúc Tết của Bác Hồ vang lên sang sảng: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua - Thắng lợi tin vui khắp nước nhà - Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ - Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta! Lời Bác Hồ chúc mừng năm mới trong đài được truyền đi khắp mọi miền đất nước và cả thế giới nữa. Khi đài đọc xong câu cuối của bài thơ "Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta", đồng chí thư ký bỗng nghe Bác nói khẽ: "Giờ này, miền Nam đang nổ súng...". Bài thơ chúc mừng năm mới của Bác chính là hiệu lệnh, là tiếng kèn xung trận thúc đẩy đồng bào và chiến sĩ miền Nam đồng loạt tiến công rộng khắp vào 4/6 thành phố, 37/44 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lị..., làm tê liệt bộ máy cơ sở của chế độ Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn miền Nam. Đặc biệt hơn, bài thơ chúc Tết đó còn là tấm lòng, tình cảm và sự mong tin chiến thắng ở quê nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù khi đó tình hình sức khỏe của Người có chiều hướng xấu đi. Gần hết buổi sáng mùng 1 Tết Mậu Thân, mới có tin chiến thắng báo cáo Bác Hồ: "Đánh khắp miền Nam". Ánh mắt Bác rực sáng niềm vui.
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969. Ảnh tư liệu.
Tết trồng cây, Người gửi lại mai sau
Từ xuân Canh Tý 1960, một phong trào thi đua không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Đó chính là Tết trồng cây "nhằm giáo dục ý thức tôn trọng và bảo vệ môi trường sống, yêu quý thiên nhiên, yêu quý đất nước giàu đẹp của chúng ta và cả Trái đất này". Để phong trào trở thành một nếp sống lao động, văn hóa, một tục lệ tốt đẹp của dân tộc, Bác đã thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, uốn nắn khiếm khuyết, định hướng và gương mẫu thực hiện. Cứ dịp đầu năm, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện phong trào Tết trồng cây, vừa đi thăm các địa phương và tham gia trồng cây cùng với nhân dân: Mùa xuân năm 1960, Bác tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội; mùa Xuân năm 1961, Bác cùng các đại biểu thanh niên Thủ đô đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô tại vườn hoa Thanh niên; mùa Xuân năm 1963, Bác về thăm và tham gia trồng cây trong hội "Tết trồng cây thống nhất" của nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội); mùa xuân năm 1965, Người tham gia trồng cây với hơn 1.500 cán bộ và đồng bào khu vực Cổ Loa (Hà Nội) và bà con nông dân hợp tác xã Phú Diễn, xã Trần Phú, huyện Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội).
Hồ Chủ tịch thăm Bộ đội Phòng không - Không quân ngày Mùng 1 Tết Kỷ Dậu (16/2/1969). Ảnh tư liệu.
Đến Tết Kỷ Dậu 1969, có lẽ linh cảm đây là cái Tết cuối cùng của mình nên dù sức khỏe giảm sút nhiều, Bác vẫn đặt chương trình đi thăm, chúc Tết nhiều nơi. Bác còn dặn đồng chí thư ký bố trí cho cho Bác đi trồng cây ở một địa phương có thành tích nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tết trồng cây. Sáng ngày 16/2/1969 (tức ngày mùng 1 Tết), sau khi đi thăm bộ đội Quân chủng Phòng không - Không quân ở Bạch Mai, Bác đến trồng cây đa ở đồi Đồng Váng (xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội). Nói chuyện và chúc Tết nhân dân địa phương, Bác nhấn mạnh: "Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi". Hôm ấy, trồng cây xong đã gần trưa, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã mời Bác ăn bữa cơm Tết cùng địa phương nhưng Bác cảm ơn và nói những người giúp việc đã chuẩn bị cơm cho Bác rồi. Bác mời lãnh đạo xã sang ăn cơm cùng Bác. Mọi người phấn khởi, vui vẻ ngồi quây quần xung quanh Bác, vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Sau bữa cơm, Bác nói: "Đi chơi xuân nơi đồi núi thơ mộng thì phải lấy trời làm màn, đất làm chiếu. Thảm cỏ sạch thế này tôi nằm nghỉ ngay đây có khoái không?". Mặc dù anh em đã chuẩn bị giường bạt nhưng Bác cởi áo làm gối ngả lưng nằm giữa đồi cỏ. Buổi chiều khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra về, đồng bào chờ tiễn rất đông dưới chân đồi. Anh em lo Người đang mệt, không muốn cho mọi người nhìn thấy nên đề nghị Người cứ ngồi trong xe vẫy chào tạm biệt nhưng Người không đồng ý: "Nhân dân yêu quý Bác nên mới chờ để tiễn Bác. Bây giờ Bác lại ngồi trên xe để vẫy chào nhân dân thì không phải với dân!". Và Người đã cố gắng chống gậy đi bộ, tươi cười vẫy tay chào lại đồng bào rồi mới lên xe về Hà Nội.
Mùa Xuân Quý Mão 2023, cây đa cuối cùng Bác trồng ở Vật Lại đã hơn 50 năm tuổi, cũng là hơn 50 năm Bác đã đi xa! Tất cả hình ảnh và câu chuyện nói trên là những tư liệu quý làm cho chúng ta hôm nay được gần hơn với những hoạt động của Bác Hồ kính yêu. Tết đến xuân về nhưng Bác không có phút giây nào nghỉ ngơi hay dành cho bản thân mà mỗi ngày của Người vẫn luôn bận rộn những hoạt động vì nước, vì dân. Sự quan tâm, chăm lo của Bác làm ấm lòng đồng bào, đồng chí, chiến sĩ, đem lại mùa xuân của tình thương yêu lãnh tụ dành cho mọi người.
Vũ Thị Kim Yến
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Theo: baochinhphu.vn
Tin cùng chuyên mục
- Cựu thanh niên xung phong phường Đề Thám: Học và làm theo Bác, nhân lên những giá trị tốt đẹp 22.08.2024 | 09:16 AM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Trường Tiểu học Trần Lãm báo công dâng Bác tại Quảng trường Thái Bình 26.03.2024 | 06:56 AM
- Học Bác từ những điều bình dị 12.02.2024 | 23:07 PM
- Triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 trong toàn tỉnh 19.01.2024 | 09:04 AM
- Đoàn kết nhân lên sức mạnh 26.10.2023 | 08:44 AM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Thực hiện lời Bác dạy: Công an cách mạng vì nhân dân phục vụ 24.10.2023 | 09:01 AM
- Học Bác để lan tỏa yêu thương 06.06.2023 | 14:48 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh