Thứ 4, 15/01/2025, 23:04[GMT+7]

Gần dân là bài học thành công

Thứ 4, 15/05/2013 | 10:45:39
1,859 lượt xem
Bác Hồ đã dạy: “Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì việc gì cũng mỹ mãn”.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), năm 1954.

Hội nghị Trung ương 7 vừa bế mạc, với những nghị quyết có tầm quan trọng trước mắt và lâu dài, cần được nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Mỗi Nghị quyết ra đời đòi hỏi tiếp sau phải là những chính sách triển khai cụ thể, phù hợp với mục tiêu đã định. Chủ trương có 1, biện pháp phải 10. Các cấp chính quyền từ trên xuống dưới phải tích cực và năng động thực thi những biện pháp; nếu không có dân hưởng ứng, không có dân tham gia thì chủ trương dù có tốt đến mấy cũng không thực hiện được.

Bởi thế, việc đổi mới và đẩy mạnh công tác dân vận là điều kiện không có không được, để đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Ở thời điểm hiện nay, dân vận không phải chỉ là công tác vận động quần chúng của riêng cán bộ ngành dân vận mà tinh thần dân vận phải quán triệt trong mọi việc làm, mọi thái độ hành xử đối với dân của cán bộ, đảng viên.

Dân trông ở cán bộ mà tôn trọng, tin yêu và làm theo. Bác Hồ đã dạy: “Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì việc gì cũng mỹ mãn”. Bác lại chỉ rõ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Chính sách chỉ đúng nếu hợp với lòng dân, thỏa mãn được tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp quần chúng.

Trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta, hiện nay, quyền lợi chung nhất là quyền lợi dân tộc, nhưng ở từng giai tầng xã hội cũng có những lợi ích riêng chính đáng cần được các thiết chế xã hội bảo vệ và tôn trọng, nhất là và trước hết, là lợi ích và quyền sống của người lao động. Đối với nền kinh tế vĩ mô, người làm ruộng trồng trọt cũng như người làm nghề rừng, nghề biển và người làm nghề tài chính, kinh doanh đều quan trọng như nhau. Không thể hy sinh lợi ích của nghề này để tạo điều kiện phát triển cho nghề khác. Có điều hòa được lợi ích của các giai tầng xã hội thì mới có an sinh xã hội, có an sinh xã hội mới có cơ sở để đoàn kết toàn dân. Sự đồng thuận trong xã hội chỉ có trong điều kiện các nhóm lợi ích được hài hòa, khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp. Dân có giàu, nước mới mạnh. Với sức mạnh tổng hợp của toàn dân đoàn kết, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc mới bảo đảm thành công.

Trong một bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Hà Giang, Bác Hồ đã căn dặn: “Cán bộ từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, huyện và xã đều phải một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của nhân dân, chứ không phải là quan cách mạng”.

Sự phân cấp trong hệ thống chính quyền không phải là sự san xẻ quyền hành nhà nước cho mỗi địa phương tự trị, mà là để chính quyền địa phương hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện tốt các chính sách và kế hoạch nhà nước, phát triển địa phương hướng theo kế hoạch Trung ương đã vạch ra cho toàn quốc. Không thể có mâu thuẫn giữa chủ trương của địa phương với đòi hỏi của Trung ương trong quy hoạch vĩ mô cho toàn quốc.

Từ lâu, lúc sinh thời, Bác Hồ đã nói: “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung. Lại phải biết đoàn kết với những người ngoài Đảng, phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng lao động, học tập kinh nghiệm của quần chúng, phải tạo mọi điều kiện cho nhân dân lao động có thể nắm được những hiểu biết khoa học kỹ thuật; ra sức đào tạo thật nhiều cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cần thiết cho sản xuất phát triển. Chỉ có như thế, chúng ta mới xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội”.

Thực tiễn đời sống hôm nay càng chứng minh rõ chân lý trong lời nói của Bác. Ví dụ như việc Nhà nước chủ trương nhanh chóng hoàn thành trong cả nước mạng lưới giao thông liên xã, liên thôn, có địa phương ngồi chờ thực hiện dự án nên cho đến nay việc giao thông liên xã vẫn chưa thực hiện được.

Trong khi ấy, đã có một số xã thôn đưa chủ trương ra bàn bạc trong toàn dân thì nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình: người có công góp công, người có của góp của, cát, xi-măng không phải là khó kiếm; để mở rộng đường đi, có nhà hy sinh hiến cả một phần đất sân vườn cho thôn xã để mọi người cùng hưởng sự giao thông tiện lợi. Một ban kiến thiết cùng với một ban kiểm tra nhân dân được dân tự bầu ra và chỉ hai tháng sau, con đường mấy cây số đường bê tông được hoàn thành, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và nhờ không có thất thoát bởi dân làm cho dân nên công trình được hoàn thành với số tiền chỉ bằng 1/3 giá đòi thầu của công ty xây dựng.

Một thí dụ thành công khác. Việc xóa đói giảm nghèo bằng tiền vốn vay ngân hàng có nhiều khó khăn. Dân đã nghèo, muốn làm ăn lại không có vốn, vay ngân hàng thì không có gì thế chấp cũng không được. Có xã, chính quyền ủng hộ người có tiền tập hợp nhau lại mở quỹ tín dụng nhân dân. Vì đã là bà con biết nhau cả, nên quỹ không đòi của thế chấp. Và sau 3 vụ làm mùa, người vay quỹ đã hoàn trả đủ vốn vay và bản thân cũng phấn khởi ra khỏi danh sách phải lo xóa đói giảm nghèo. Thật đúng là “dễ trăm lần, không dân cũng chịu; khó vạn lần, dân liệu cũng xong”.

Vì lợi ích của toàn dân, tin ở sức dân, biết dựa vào dân, thì cán bộ có thể thành công trong mọi việc.

Theo chinhphu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày