Thứ 7, 04/05/2024, 22:35[GMT+7]

Học tập phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương của Hồ Chí Minh

Thứ 3, 28/05/2013 | 14:19:09
11,335 lượt xem
Tháng 5 này, mọi người lại rộn ràng, bâng khuâng nhớ Bác, nhớ ngày sinh của vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Suốt cả cuộc đời, Người đã cống hiến, hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho ấm no, hạnh phúc, hòa bình của nhân dân.

Đồng bào, cán bộ Thái Bình phấn khởi chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và chúc Tết đầu năm, ngày 1/1/1967. Ảnh: tư liệu

 Nhắc đến Bác Hồ, chúng ta nhớ đến phong cách nổi bật ở Hồ Chí Minh như phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách diễn đạt, phong cách quần chúng, phong cách dân chủ, phong cách nêu gương... Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta; là một chỉnh thể thống nhất, trở thành nét đặc sắc trong phong cách Hồ Chí Minh.

Từ những năm 1950 - 1960, Ðảng ta đã đặt ra vấn đề học tập tác phong, đạo đức, đường lối chính trị của Hồ Chí Minh, nhất là việc học tập trong cán bộ, đảng viên. Ðến năm 1991, vấn đề toàn Ðảng, toàn dân nghiên cứu về Bác mới được nâng lên một bước: học tập tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh với khái niệm bao hàm đầy đủ nhất, rộng nhất.

 Ðặc biệt, trong năm 2013 cả nước tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 14/5/2011, gắn với chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Chúng ta nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với người phương Ðông, nhất là với người Việt Nam giàu tình cảm, một tấm gương sống còn có giá hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền, do vậy cần phải nêu gương sáng về đạo đức cho mọi người noi theo.

Bác cũng khẳng định, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày, đây là công việc phải làm kiên trì, bền bỉ suốt đời. Người chỉ rõ, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Việc rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải được thông qua hoạt động thực tiễn sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu.

Ở phong cách Hồ Chí Minh có lẽ bất cứ một người dân Việt Namon> nào cũng ít nhiều biết được đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tác phong khiêm tốn, giản dị, rất quần chúng, bao dung của Người. Ở Hồ Chí Minh với cái tâm trong sáng, cái trí mẫn tuệ, với hành động vĩ đại đã thực sự trở thành Người hơn tất cả mọi người, chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh thể hiện tác phong khoa học, tác phong tập thể, dân chủ và tác phong quần chúng. Tính khoa học trong công việc là quý trọng thời gian, giờ nào việc ấy, đi sâu, đi sát cơ sở, nắm rõ mọi vấn đề trước khi bắt tay vào việc, biết tôn trọng và phân công hợp lý cho từng người trong bộ máy tùy theo năng lực của họ. Biết sàng lọc những thông tin sai lệch, những báo cáo dối trá; thường xuyên đặt ra chương trình, kế hoạch sát hợp và kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới, quần chúng. Bác nhấn mạnh, khi ra quyết định công tác, hay khi định ra cách tổ chức thực hiện, không được ngồi trên bàn giấy, nghe người dân báo cáo rồi vẽ vời, do chủ quan tưởng tượng mà không đi sâu sát thực tế. Người kịch liệt phê phán những lối làm việc không thiết thực, làm cho có chuyện, làm được ít suýt ra nhiều, “để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại rỗng tuếch”.

Khi viết về một điều gì, thường Bác viết rất ngắn, diễn đạt đơn giản nhất để người “ít chữ” cũng hiểu được, khi chỉ đạo việc gì, Bác thường đặt mình trong đó, xem có thực hiện được không. Với một tác phong nói ít làm nhiều, có những việc “làm mực thước cho người ta bắt chước” mà không cần nói.

Với công việc bộn bề của Chủ tịch nước, song Bác là người đi thực tế cơ sở nhiều nhất. Ði thăm cơ sở, nơi đầu tiên Bác đến là nhà bếp, nhà vệ sinh, nơi ăn ở, sau cùng mới đến phòng khách. Nội dung phát biểu không phải là những bài người khác viết sẵn, mà Bác đi thẳng vào những điều Bác vừa nắm được tại nơi đến, nên nội dung Bác chỉ bảo mang tính người thật, việc thật, không lẫn với người khác, việc khác. Người chỉ rõ, phải khéo dùng cán bộ, không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ.

Trong phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là cách nói, cách viết trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người nghe, người đọc. Bác đặt ra 4 vấn đề khi nói và viết: Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào? Ðây là những vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng cho việc nói và viết của mỗi người, nhất là đối với người lãnh đạo. Ở bất cứ đối tượng nào, ở bất cứ trình độ nào khi nghe Bác nói chuyện đều cảm thấy thoải mái, kính nể.

Ðặc biệt, Người khi là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo, khi là người chính luận sâu sắc, tác giả của những áng hùng văn, những lời kêu gọi cả dân tộc, đồng bào, cho đến những lá thư giản dị cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Dù bận rất nhiều công việc nhưng Bác đã viết hơn 2.000 bài báo với trên 100 bút danh. Trong cách nói, cách viết của Người là ngắn gọn, rõ ràng, trong sáng, giản dị, dễ hiểu... Người căn dặn phải chống các bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, sính dùng chữ ngoại, thậm chí không hiểu cũng dùng.

Trong cách ứng xử của Hồ Chí Minh cũng rất văn hóa, lịch lãm mà bình dị, tự nhiên, cởi mở và chân tình. Nói đến phong cách Hồ Chí Minh bất cứ ai cũng có thể nhận thấy ở Người có một phong cách rất riêng, rất Hồ Chí Minh thể hiện trong lĩnh vực tư duy, làm việc, ứng xử cũng như trong sinh hoạt cuộc sống đời thường. Ðối với mọi người, Hồ Chí Minh luôn cởi mở, chân tình, vừa chủ động linh hoạt lại vừa ân cần, tế nhị, tự nhiên, làm cho bất cứ ai được gặp Người đều cảm thấy không khí chan hòa, ấm cúng, thoải mái, không e ngại, sợ sệt, không còn sự cách biệt giữa lãnh tụ và quần chúng.

Về phong cách nêu gương, Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Nói đi đôi với làm là một nội dung đạo đức truyền thống của dân tộc. Thực tiễn, nếu cán bộ, đảng viên “nói một đàng làm một nẻo”, trước người dân, họ không còn là người chiến sĩ tiên phong nữa, họ tuyên truyền sẽ chẳng ai nghe, tự họ đã tự tước mất vai trò của người lãnh đạo. Người chỉ rõ, nêu gương là phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng và dù trong hoàn cảnh nào phải đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.

Ðể dân biết, dân tin, dân làm theo, mỗi cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu, phải miệng nói, tay làm, thống nhất lời nói với hành động. Cán bộ, đảng viên phải xông xáo, sâu sát, nhiệt tình với nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước lời nói và việc làm; phải luôn quyết tâm, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu chính đáng của nhân dân, kể cả chấp nhận sự hy sinh để bảo vệ dân, phấn đấu vì sự no ấm, hạnh phúc của nhân dân; phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, chống lại thói hư, tật xấu. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng ngời về phong cách làm việc.

Tháng 5 về mang theo bao tia nắng chói chang của mặt trời chân lý cách mạng, mang màu xanh của hòa bình, mang hương thơm ngọt lành, dịu mát của cây lá và mang cả nỗi nhớ đong đầy, thiết tha, sâu nặng của người dân Việt Namon> nhớ Bác với lòng biết ơn vô hạn. Tìm hiểu phong cách Hồ Chí Minh - một phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tự đáy lòng mình, cùng suy ngẫm rồi tìm cách thực hiện.  

Tài liệu tham khảo: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 5.           

 Nguyễn Thanh Hoàng

(56/66 Trần Phú, phường Cái Khế, TP Cần Thơ)

 

  • Từ khóa