Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo: Tôi tìm lẽ sống trong tư tưởng của Bác
Loạt bài viết “Kiên quyết bảo vệ tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh” của GS, TS Hoàng Chí Bảo đã giành được giải Nhất cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” lần thứ hai do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) tổ chức.
Loạt bài viết gồm 4 bài đã làm rõ tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn trong tư tưởng của Người, qua đó khẳng định tư tưởng và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng, dân tộc và nhân dân ta. Nhân dịp này, phóng viên báo QĐND đã có cuộc trò chuyện với GS, TS Hoàng Chí Bảo để hiểu rõ hơn về niềm đam mê nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh của ông.
PV: Kính thưa GS, TS Hoàng Chí Bảo! Xuất phát từ đâu mà ông có niềm đam mê nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh?
GS, TS Hoàng Chí Bảo: Dấu hiệu rất quan trọng mà tôi cho là một bước ngoặt về tư tưởng đó là khi Bác mất, tôi được trực tiếp dự lễ tang Bác tại Quảng trường Ba Đình. Chính từ sau sự kiện ấy tôi đã dặn lòng nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh để có thể tìm thấy trong di sản của Người một bài học, một lẽ sống về nhân sinh. Và điều ấy theo đuổi tôi cho đến tận bây giờ.
Việc nghiên cứu, truyền bá tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo cho tôi một động lực tinh thần to lớn để thực hiện cho được những lời Bác dạy. Mặc dù đã có nhiều năm nghiên cứu và kể chuyện về Bác Hồ nhưng tôi vẫn luôn có nhiều áp lực trước mỗi buổi thuyết trình. Bởi kể cùng một câu chuyện về Bác nhưng trong những thời điểm khác nhau, đối tượng khác nhau và hoàn cảnh khác nhau đều có những điểm khác nhau rất rõ. Do đó đòi hỏi người kể phải nỗ lực, vượt qua những áp lực đó, phải bằng hiểu biết và cảm xúc thật sự, tự thuyết phục được chính mình thì mới mong có được sự đồng cảm của người nghe.
PV: Là nhà nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, ông nhận thấy gì từ tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn trong tư tưởng của Người?
GS, TS Hoàng Chí Bảo: Tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn là một hệ thống chỉnh thế các đặc tính và giá trị trong tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người là nhất quán và sáng tạo, thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học đến những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam và của thời đại. Đây vừa là vấn đề ở tầm kinh điển, vừa là vấn đề thời sự lý luận - thực tiễn ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới toàn diện. Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của nhà tư tưởng Mác xít sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.
Việc kiên quyết bảo vệ tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là thái độ tôn trọng sự thật lịch sử, bảo vệ chân lý và đạo lý, giữ vững niềm tin khoa học, ra sức trau dồi đạo đức cách mạng trong sáng và rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, mà còn là mệnh lệnh của cuộc sống, là sự thôi thúc và giục giã từ trái tim của mỗi chúng ta.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
PV: Vậy tính khoa học được thể hiện như thế nào trong tư tưởng Hồ Chí Minh?
GS, TS Hoàng Chí Bảo: Tính khoa học trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp Người tìm ra câu trả lời đúng đắn nhất khi tiếp cận tư tưởng thiên tài của Lê-nin về quyền tự quyết của các dân tộc và phát hiện ra quy luật tất yếu của cách mạng Việt Nam trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trở thành sợi chỉ đỏ, bao trùm, xuyên suốt hệ thống tư tưởng của Người. Với Việt Nam, yêu cầu giải phóng dân tộc đặt lên hàng đầu trên lập trường giai cấp công nhân. Và CNXH Việt Nam là quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tới CNXH, đó là một tất yếu lịch sử do thời đại quy định. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đó là đặc điểm to nhất của Việt Nam trên con đường tới CNXH. Hơn nữa, cách mạng trước hết phải có Đảng, Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt. Đảng không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, như con tàu không có bàn chỉ nam. Chủ nghĩa ấy, Người đã lựa chọn là chủ nghĩa Lênin, Mác-Lênin, đó là chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất.
Tính khoa học trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ ở quan điểm phát triển, quan điểm đổi mới gắn liền với hội nhập quốc tế. Người có tư tưởng đổi mới, hội nhập từ rất sớm. Người đưa ra thông điệp với quốc tế và thế giới: “Việt Nam mong muốn là bạn của các nước dân chủ, Việt Nam quyết không thù oán với một ai”, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế, thêm bạn bớt thù, kiến tạo môi trường hòa bình để phát triển. Vào năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại, ở Việt Bắc, tại An toàn khu (ATK), Người viết hai tác phẩm quan trọng “Đời sống mới” và “Sửa đổi lối làm việc”. “Đời sống mới” giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa cái cũ và cái mới, nêu cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính trong đời sống hằng ngày của mỗi người, xây dựng lối sống mới, văn hóa mới... “Sửa đổi lối làm việc” là tác phẩm đầu tiên đề cập tới tư tưởng đổi mới trong điều kiện Đảng đã cầm quyền, xác định mặt, khâu xung yếu, trước hết là đổi mới lối làm việc của Đảng. Ngày nay, chúng ta gọi là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tính khoa học đặc biệt nổi bật khi Người nói về “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, về “thực hành dân chủ, xây dựng nhà nước dân chủ-pháp quyền-nhân nghĩa” của dân, do dân, vì dân, thực hiện và phát huy quyền làm chủ thực chất của nhân dân; về công tác mặt trận, thực hành đại đoàn kết, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí, tham ô.
PV: Xin GS cho biết đặc tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trên những bình diện nào?
GS, TS Hoàng Chí Bảo: Trí tuệ khoa học, đạo đức cách mạng tận trung với nước, tận hiếu với dân, kết hợp nhuần nhuyễn chiến lược với sách lược và phương pháp, thấm nhuần chủ nghĩa lạc quan cách mạng, nắm bắt và dự báo sáng suốt xu thế của lịch sử... là những phẩm chất và nhân tố làm nên đặc tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đặc tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn nổi bật trên bình diện đạo đức. Người cách mạng, Đảng cách mạng phải suốt đời trau dồi cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân. Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là đối lập với tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Đảng chân chính cách mạng phải tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức, văn hóa “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Trong lý luận về Đảng Cộng sản cầm quyền, Người trù tính sâu xa phải đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa. Chỉ dẫn ấy của Hồ Chí Minh đang soi sáng cho Đảng và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện hiện nay.
Tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn biểu hiện đậm nét qua dũng khí tự phê phán và phê phán của người cách mạng và Đảng cách mạng về những khuyết điểm, sai lầm đã mắc phải, có thái độ khách quan khoa học trong phân tích, đánh giá thực trạng, xem xét kỹ lưỡng những nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến những khuyết điểm, sai lầm đó để kiên quyết sửa chữa, thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên. Đó là phẩm chất cao quý, can đảm của những người cách mạng và Đảng cách mạng chân chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh rằng, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất làm cho Đảng tiến bộ không ngừng, thành một Đảng chắc chắn, mạnh khỏe như người không có bệnh, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên giữ gìn và phát huy được tính cách mạng, tính tiền phong gương mẫu, được quần chúng tin tưởng và ủng hộ, giữ vững niềm tin với Đảng và thắt chặt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng.
Tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà chúng ta phải thấm nhuần và kiên quyết bảo vệ còn chính là lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, mục tiêu cộng sản chủ nghĩa, biểu hiện trực tiếp ở sự kiên định lập trường, quan điểm cách mạng, kiên định con đường đi tới “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” của Việt Nam để đi đến cùng con đường đó, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc, dân tộc và nhân dân Việt Nam. Đó là hoài bão, khát vọng mãnh liệt, suốt đời của Người.
PV: Chất nhân văn được coi là nguồn sáng làm nên tầm vóc tư tưởng Hồ Chí Minh. Xin ông cho biết rõ hơn về đặc tính này trong tư tưởng của Người?
GS, TS Hoàng Chí Bảo: Chất nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh thấm sâu trong cuộc đời, lối sống, nhân cách của Người, nổi bật là sự giản dị, đức hy sinh, hy sinh cả cuộc sống riêng tư để lo cho hạnh phúc của toàn dân tộc, của nhân dân.
Nhân văn tức là văn hóa, là hệ giá trị chân - thiện - mỹ, mà con người là giá trị cao nhất. Chất nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh kết tinh trí tuệ, tình cảm, đạo đức, lối sống của Người, từ nhận thức đến hành động, toát lên từ con người, cuộc đời, sự nghiệp của Người, thể hiện trong việc làm và ứng xử của Người qua các mối quan hệ, ở mọi nơi, mọi lúc, giữa mọi người, vô cùng phong phú, đa dạng, biểu cảm.
Một nét đặc sắc của tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh là hết lòng nâng niu giá trị con người, tự do và nhân phẩm con người, tin cậy vào những gì tốt đẹp của con người sẽ nảy nở và hoàn thiện thông qua giáo dục và tự giáo dục. Ở đời, con người là con người đời thường, không có ai là thần thánh cả. “Nhân vô thập toàn”, ai cũng có cái hay và cái dở, cái tốt và cái xấu. Phải làm sao cho cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân, cái xấu, cái dở sẽ mất dần đi. Phải thức tỉnh con người, có khát vọng sống, vươn tới cái tốt đẹp. Phải có sự cảm thông, chia sẻ, động viên, giúp đỡ, có lòng bao dung, độ lượng vĩ đại. Nghiêm với mình, rộng lòng khoan thứ với người, đó là thái độ nhân văn cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh là thái độ đối với nhân dân, là quan điểm quần chúng, suốt đời gần dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân để tận tụy phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng, đồng thời là lãnh tụ của dân tộc, của nhân dân. Người dạy cán bộ, chiến sĩ quân đội “Trung với Đảng, hiếu với dân”, “Trung với nước, hiếu với dân”, “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, từ tướng lĩnh tới binh sĩ phải hiểu nhân dân là nền tảng của quân đội, nhân dân là cha mẹ của bộ đội, quân và dân như cá với nước...
Tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh là kết tinh và tỏa sáng từ đặc tính khoa học và cách mạng của Người, hội tụ thành văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa nhân văn Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp hài hòa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
PV: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!
Theo QĐND
Tin cùng chuyên mục
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc 27.12.2024 | 09:25 AM
- Cựu thanh niên xung phong phường Đề Thám: Học và làm theo Bác, nhân lên những giá trị tốt đẹp 22.08.2024 | 09:16 AM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Trường Tiểu học Trần Lãm báo công dâng Bác tại Quảng trường Thái Bình 26.03.2024 | 06:56 AM
- Học Bác từ những điều bình dị 12.02.2024 | 23:07 PM
- Triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 trong toàn tỉnh 19.01.2024 | 09:04 AM
- Đoàn kết nhân lên sức mạnh 26.10.2023 | 08:44 AM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Thực hiện lời Bác dạy: Công an cách mạng vì nhân dân phục vụ 24.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
- Gặp mặt chức sắc đại diện các tôn giáo xuân Ất Tỵ năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Đổi mới, sáng tạo trong hành động với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thái Bình