Thứ 6, 22/11/2024, 23:25[GMT+7]

"Ta bỗng lớn ở bên Người một chút"

Thứ 3, 11/06/2013 | 08:08:04
4,643 lượt xem
Các cụ cao tuổi rủ nhau đi bộ từ chiều; các bà mẹ trẻ tranh thủ cho con ăn; thanh niên giục nhau kết thúc trận cầu sớm… Tất cả mọi người đều cố gắng sắp xếp thời gian theo dõi hội nghị chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Dư âm của giờ học năm trước trở lại. Người dân trong tỉnh lại được cùng nhau chung những giây phút chờ đợi. Buổi tối, đường phố vắng hơn. Màn hình ti vi ở khắp các hội trường cơ quan, đơn vị, hầu hết các gia đình đều bật sáng chương trình truyề

Đoàn viên thanh niên tại Hội nghị Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Tâm

"Chúng ta tổ chức giờ học vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. Hôm nay lại đúng là ngày kỷ niệm thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Sinh thời, Bác của chúng ta là người rất yêu quý các cháu thiếu niên, nhi đồng. Điều này thật vô cùng ý nghĩa…". Vẫn giọng nói quen thuộc, dễ hiểu, mạch lạc mà truyền cảm, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương bắt đầu buổi nói chuyện. Qua màn hình ti vi, vẫn cảm nhận được không gian im phăng phắc từ hội trường Trung tâm hội nghị tỉnh. Khi Giáo sư nói đến những chi tiết xúc động về Bác, ai đó lấy tay chấm nước mắt. Những ánh mắt chăm chú, những gương mặt xúc động cùng hướng về người đang truyền đạt, không gian thiêng liêng, lắng đọng.

Phải chăng, từ rất lâu nay, chúng ta vẫn thường hồ nghi về sự chân thành trong tình cảm, sự trong sáng của tâm hồn và đức hy sinh của con người trong cuộc sống thời hiện đại. Chúng ta vẫn thường tự hỏi có khi nào, lối sống cá nhân, vị kỷ lại chiếm một vị trí lớn đến thế trong cuộc sống. Con người ngày càng ít quan tâm đến những khái niệm như lý tưởng và niềm tin. Thay vào đó, quan tâm đến những điều thực tế hơn như cơ hội, thăng tiến và thu nhập…

Những quan điểm sống thực tế đến mức thực dụng, lối sống gấp là sự lựa chọn của không ít người và cũng không chỉ nằm trong giới trẻ. Sự thực dụng và sống gấp ấy đã để lại nhiều hệ lụy. Ngày nào cũng có thể nhận được những thông tin về cuộc sống trái chiều. Ra đường, người trẻ không còn tôn trọng người già. Ở nơi làm việc, đối mặt với sự chạy đua cao thấp, hơn thiệt. Tại gia đình, con cãi lời cha mẹ, vợ chồng nghi ngờ nhau. Ai cũng giữ thế phòng thủ cho mình vì sợ bị người khác tấn công. Nhưng trong cái sợ bị tấn công như vậy, lại không có mấy người dám hành động. Chúng ta thu mình lại vì sợ động chạm, sợ bị ảnh hưởng. Một tiếng thét của trẻ nhỏ, theo bản năng làm ta giật mình, nhưng rồi lại tự nhủ không phải của con mình. Ra đường, gặp chuyện bất bình nhưng cũng đành quay mặt vì không phải chuyện nhà mình. Cái mà lâu nay xã hội vẫn nói "bệnh vô cảm" ngày càng như đè nặng lên cuộc sống. Những lời nói không đi đôi với việc làm, để lại sự hoài nghi và phản kháng ngấm ngầm từ người nghe, dẫn đến mâu thuẫn, đối phó, chỉ chờ cơ hội là bùng nổ.

Nhưng qua giờ học, khi hàng vạn người cùng hòa chung một niềm xúc động, bắt gặp những giọt nước mắt, những gương mặt xúc động lại cho chúng ta một câu hỏi khác. Phải chăng, cái "nhân chi sơ tính bản thiện", sự khát khao cái tốt đẹp vẫn luôn ngự trị trong thẳm sâu tâm hồn, trái tim mỗi người. Nhưng lâu nay, những điều tốt đẹp ấy bị những ồn ào, xô bồ, bon chen của cuộc sống che lấp, như tấm gương sáng trong bị phủ mờ vì lớp bụi thời gian.

Hơn một giờ lắng đọng nghe những câu chuyện giản dị về Bác cho chúng ta hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn một tâm hồn, một tình cảm "yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa", "nâng niu tất cả, chỉ quên mình". Những trái tim đang ngủ quên như được đánh thức, xúc cảm hơn và khát khao hơn. Bỗng như thấy lòng mình được gội rửa, trở nên trong sạch, để rồi vỡ òa cảm xúc trong sáng, bình yên của một đứa trẻ đồng thời thắp lên trong lòng ngọn lửa về niềm tin, lý tưởng sống. "Yêu Bác lòng con trong sáng hơn". Học tập theo Bác là học suốt đời, học từ những việc làm nhỏ nhất, "những công việc nhỏ cộng lại thành công việc to". Học từ những việc nhỏ nhặt hàng ngày như ra khỏi phòng làm việc phải biết tắt điện, không ăn cắp giờ làm việc tại cơ quan, nói phải đi với làm...

Nhiều người bày tỏ mong muốn ban tổ chức tăng số lượng giờ học hàng năm và không chỉ tổ chức cho cán bộ, đảng viên các cơ quan Nhà nước mà còn tổ chức học tập trung ở các trường học, đơn vị sản xuất, kinh doanh cho các cháu học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân… Càng có nhiều người tham gia vào những giờ học đầy ý nghĩa đó là càng tăng thêm cơ hội để mỗi người có dịp nhìn lại mình, sửa mình, để cho những cái tốt trong mỗi con người được nhân lên, cái chưa tốt mất dần rồi mất hẳn, mọi người đều có ý thức cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Giờ học khép lại nhưng đã mở ra những suy nghĩ mới, chân trời mới. Đó là chân trời của đạo đức cách mạng ngời sáng, chân trời của niềm tin về lý tưởng sống cao đẹp. "Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút!". Mỗi ngày một chút, mỗi lần một chút, chúng ta lớn khôn hơn, sâu sắc và nhân ái hơn khi nghĩ về Bác. Và còn hơn thế, tình cảm của Bác, lý tưởng của Bác thôi thúc chúng ta hành động, tiến bước, viết tiếp những điều cao cả và đẹp đẽ cho cuộc sống hôm nay.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa