Thứ 4, 15/01/2025, 23:23[GMT+7]

Tuổi trẻ Lữ đoàn 162 học và làm theo Bác

Chủ nhật, 06/08/2023 | 07:25:51
2,250 lượt xem
Ðược học tập, rèn luyện và công tác trên những con tàu chiến đấu hiện đại nhất của Hải quân mang tên các vị vua và tướng quân huyền thoại như Ðinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Trần Hưng Ðạo… chính là niềm tự hào, là động lực lớn lao để mỗi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 (Vùng 4) luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị tàu chiến đấu mặt nước tinh nhuệ, chủ lực của Quân chủng Hải quân, nỗ lực giành thêm những chiến công trong giai đoạn mới.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 (Vùng 4) làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật trên tàu.

Ngày 9/1/2002, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 08/2002/QÐ-BQP thành lập Lữ đoàn tàu chiến đấu mặt nước, mang phiên hiệu 162 trực thuộc Quân chủng Hải quân. Dấu mốc thời gian quan trọng ấy đã đánh dấu sự ra đời của đơn vị tàu mặt nước chiến đấu chủ lực trên hướng biển trọng điểm miền Nam Trung Bộ, quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.

Học ngoại ngữ để tiếp cận công nghệ mới

Dẫn chúng tôi lên Tàu 016-Quang Trung, Thượng tá Phạm Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 cho biết: "Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ và tác chiến có những nét đặc thù, nhất là tác chiến độc lập, dài ngày trên biển, phải đối mặt trực tiếp với hiểm nguy, cho nên các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 luôn được rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao; bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào phải luôn là một khối đoàn kết thống nhất. Mỗi cá nhân đều cần nhận thức đúng chức trách, nhiệm vụ; trung thành với Ðảng, với Tổ quốc và nhân dân; vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền biển, đảo quê hương".

Ngoài yếu tố quan trọng là đơn vị tàu chiến đấu hiện đại nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam, giữ vị thế là lực lượng nòng cốt của Vùng 4, Quân chủng Hải quân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Lữ đoàn 162 còn là đơn vị kỹ thuật với vũ khí, trang bị tàu thuyền, cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại.

Tiếp nhận vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại đòi hỏi cần có những con người hiện đại. Ðiều này đặt ra áp lực không nhỏ cho Lữ đoàn 162 để luôn phải đưa ra những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, toàn diện để tổ chức huấn luyện tiếp nhận, làm chủ. Với sự nỗ lực, cố gắng, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng học tập, nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao năng lực, tập luyện sức khỏe, trui rèn tri thức không ngừng để có thể làm chủ, khai thác, sử dụng thuần thục các vũ khí trang bị hiện đại.

Thiếu tá Lê Gia Vượng là Phó thuyền trưởng Tàu hộ vệ tên lửa 012-Lý Thái Tổ. Sinh năm 1988, khi đang học năm thứ hai tại Học viện Hải quân, nhờ thành tích học tập xuất sắc, là á khoa đầu vào với 28 điểm (ba môn không nhân hệ số Toán-Lý-Hóa), Lê Gia Vượng là một trong năm đồng chí được chọn và cử sang học tập 6 năm tại Ðại học Hải quân Baltic, thành phố Kaliningrad (Liên bang Nga).

Học tập tại xứ sở bạch dương đã cung cấp cho chàng sinh viên hải quân Lê Gia Vượng kiến thức nền tảng cơ bản, nhất là về chuyên môn, các kiến thức quân sự chuyên ngành về vũ khí từ các giảng viên và các chuyên gia hải quân hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, thời gian quý giá ấy còn giúp cho Thiếu tá Vượng có cơ hội được học tiếng Nga một cách bài bản từ giáo viên bản xứ, điều này đã giúp ích rất nhiều trong việc khai thác tài liệu sử dụng vũ khí sau này khi trở về nước.

"Tôi có tình yêu đặc biệt với nước Nga và con người ở đó, nơi tôi đã được gắn bó quãng thanh xuân tươi đẹp nhất. Tiếp xúc và gắn bó với tiếng Nga cho đến tận bây giờ đã giúp ích rất nhiều cho công tác của tôi. Quyết tâm học và làm theo Bác từ việc nỗ lực học ngoại ngữ, tôi đã làm công tác phiên dịch, dịch thuật được hơn 10 nghìn trang tài liệu chuyên ngành. Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nhớ rằng khi Bác bôn ba tìm đường cứu nước, trên tàu không có nhiều điều kiện, Người đã phải tranh thủ học tiếng nước ngoài qua các thủy thủ của tàu; không có phương tiện học, có lúc còn phải ghi lại cả vào tay để nhớ từ vựng, nhưng bằng sự quyết tâm và phương pháp khoa học, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã có thể thành thạo rất nhiều ngoại ngữ để hiểu tường tận hơn thế giới và để lãnh đạo cách mạng một cách khoa học hơn. Bác luôn là tấm gương sáng và là nguồn động lực vô giá cho những người lính hải quân như chúng tôi", Phó Thuyền trưởng Lê Gia Vượng nói về lý do yêu thích tiếng Nga. Hiện anh cũng là một trong những thành viên cốt cán của Câu lạc bộ Con tàu ngoại ngữ 162, từng là Chủ nhiệm câu lạc bộ tiếng Nga của Lữ đoàn.

Hiện nay, Lữ đoàn rất chú trọng công tác đào tạo và rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ cho các cán bộ, chiến sĩ, cả tiếng Nga và tiếng Anh; thành lập tổ ngoại ngữ với các lớp học vào các buổi tối thứ hai và thứ năm hằng tuần dựa trên kiến thức tích lũy của các đồng chí đã được học tập ở nước ngoài, hoặc được đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành. Hoạt động hiệu quả bởi chính bộ đội dạy bộ đội, các thành viên trong tổ giảng dạy hiểu được điều kiện, cả thuận lợi và khó khăn cũng như trong thực tế thì bộ đội cần vốn từ, kiến thức như nào, chia sẻ tài liệu học tập như nào để sát với thực tiễn.

"Cùng với năm tháng rèn luyện, khả năng ngoại ngữ của các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đều tốt lên. Ðiều đó giúp chúng tôi thuận lợi hơn rất nhiều trong việc khai thác, sử dụng và nhanh chóng làm chủ chuyên sâu vũ khí trang bị để sẵn sàng chiến đấu cũng như đối ngoại quốc phòng", Trung tá Vũ Trọng Tân - Thuyền trưởng Tàu 016-Quang Trung nhấn mạnh vai trò của việc học ngoại ngữ.

Học theo Bác, các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 luôn nhắc nhau phải cố gắng học hỏi, tìm tòi để có được những kiến thức từ chuyên gia, thầy cô giáo, qua kinh nghiệm nhiều năm làm việc để có thể tích lũy kiến thức ngoại ngữ, rồi tiếp tục truyền đạt, hướng dẫn lại cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sau này, để tuổi trẻ Lữ đoàn 162 luôn vững mạnh, làm chủ nhanh hơn các vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.

Thượng tá Phạm Văn Sơn cho biết thêm: "Nhận thức ngoại ngữ là một phần rất quan trọng trong việc tiếp cận tài liệu cũng như để làm chủ được vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, nhất là đối với các sĩ quan mới ra trường; giỏi ngoại ngữ còn giúp ích rất nhiều trong công tác đối ngoại, giao lưu với chuyên gia các nước bạn, cũng như thực hiện các nhiệm vụ quân sự cho nên mỗi cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đều coi đây cũng là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện tốt nhất có thể. Hiện nay, tất cả sĩ quan của Lữ đoàn đều biết ít nhất một ngoại ngữ. Với phương châm học ngoại ngữ để tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời rất giỏi nhiều ngoại ngữ, đó là cơ sở để Bác có thể tiếp cận với văn minh nhân loại. Học và làm theo Bác, tuổi trẻ Lữ đoàn 162 nhiều năm qua vẫn luôn chú trọng nâng cao khả năng ngoại ngữ cho các các cán bộ, chiến sĩ".

Thành quả của các câu lạc bộ ngoại ngữ của Lữ đoàn 162 đó là hiện nay, hầu hết các sĩ quan khi làm việc với các chuyên gia các nước bạn đều rất tự tin giao tiếp và tự tin trong các bài diễn tập chung với các nước; có người biết tiếng Nga, có người biết tiếng Anh. Có đồng chí có thể thành thạo cả hai ngoại ngữ, không chỉ với ngôn ngữ giao tiếp mà cả với kiến thức chuyên ngành.

Căng tràn sức trẻ

Giống đồng đội của mình, Trung tá Hoàng Ngọc Long-Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật của Lữ đoàn 162 thi đỗ vào Học viện Hải quân với điểm số xuất sắc và là một trong tám đồng chí được chọn để cử đi đào tạo 7 năm tại Trường Kỹ thuật đóng tàu NKI (Ukraine), chuyên ngành Ðộng cơ tuabin khí. "Nền tảng khoa học cơ bản được đào tạo rất kỹ lưỡng, cho nên những người may mắn được đào tạo như chúng tôi sẽ có thể nhanh chóng khai thác các vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, nhưng tư duy và sự nhạy bén của từng cá nhân mới là điều quyết định việc có thể tiếp cận và làm chủ vũ khí trang thiết bị hiện đại nhanh hay không, chứ không phải do được đào tạo trong nước hay nước ngoài", Trung tá Hoàng Ngọc Long khẳng định.

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn luôn tích cực học tập, nghiên cứu, kiểm tra, sửa chữa các trang thiết bị cũ, phát huy nội lực, sử dụng công nghệ nội địa hóa, công nghệ tự chủ để bảo đảm kỹ thuật cho các trang thiết bị trên tàu, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao. Nổi bật như tham gia đối ngoại quốc phòng hay sự kiện Army Games tại Nga, Biên đội Tàu 015-Trần Hưng Ðạo và Tàu 016-Quang Trung vinh dự được đại diện cho Hải quân nhân dân Việt Nam tham gia hội thao, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành Huy chương bạc môn "Cúp biển", với 3/5 nội dung đoạt giải nhất, 2/5 nội dung đoạt giải nhì. Kết quả đó thể hiện ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, khả năng làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, khả năng chỉ huy hiệp đồng và sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn 162 nói riêng và của Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung.

Trong việc học và làm theo Bác, Thượng tá Mai Văn Doanh, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 162 chia sẻ: Ðảng ủy Lữ đoàn đã vận dụng linh hoạt, đa dạng các hình thức, phương pháp giáo dục, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, sát với tâm lý, trình độ nhận thức của từng đối tượng. Gắn phong trào thi đua quyết thắng với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi ngày học một lời Bác dạy, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân" thời kỳ mới, coi đó là hoạt động thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Thượng tá Phạm Văn Sơn cũng khẳng định: Thời gian tới, Lữ đoàn tiếp tục tiến hành các giải pháp, đồng bộ, quyết liệt, tập trung giáo dục lòng yêu nước, yêu biển, đảo, yêu những con tàu và ý chí quyết tâm, không chịu lùi bước trước mọi khó khăn; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, sinh hoạt và công tác. Xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ niềm tự hào khi được là chủ những chiến hạm hiện đại, được học tập, công tác tại Lữ đoàn; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Lữ đoàn tích cực huấn luyện bộ đội nâng cao trình độ làm chủ vững chắc vũ khí trang bị kỹ thuật, làm chủ con tàu, ra sức xây dựng Lữ đoàn cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu; xứng đáng là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng của Quân chủng, Vùng; cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi cá nhân luôn phấn đấu có chuyên môn giỏi, ngoại ngữ ngày càng tiến bộ và thể lực tốt- đó chính là ba yếu tố quan trọng làm nên thành công trong việc làm chủ những con tàu mặt nước hiện đại vươn ra biển lớn; quán triệt, nắm vững nhiệm vụ được giao, huấn luyện, sáng tạo để làm chủ chuyên sâu vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại dù trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, toàn Lữ đoàn cũng luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tất cả những điều đó đã tạo thành sức mạnh của Lữ đoàn 162 - lữ đoàn thép, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày