Thứ 6, 22/11/2024, 18:04[GMT+7]

Phòng chống suy thoái đạo đức trong cán bộ, đảng viên theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ 2, 01/07/2013 | 17:09:38
2,495 lượt xem
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Trong công tác xây dựng đảng, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, bởi: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang".

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Cát Bà. Ảnh tư liệu

Từ cuốn sách Đường Kách mệnh (1927) cho đến những năm đầu của chính quyền cách mạng Người đã viết các tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc”, “Đời sống mới”, “Đạo đức cách mạng”, để giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống và sớm ngăn chặn các hiện tượng suy thoái đạo đức xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, chủ nghĩa cá nhân chính là nguồn gốc của suy thoái đạo đức và cũng từ chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra mất đoàn kết, tổ chức và kỷ luật kém, không chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Người chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, một thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm.

Chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn tình trạng suy thoái đạo đức trong cán bộ, đảng viên đang là một vấn đề lớn đặt ra cho Đảng ta. Trong bối cảnh cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ đời sống xã hội. Thực trạng suy thoái về đạo đức trong cán bộ, đảng viên đã và đang có những diễn biến phức tạp như trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI đã đánh giá: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”; “Tình trạng quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm”.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức quyền, kể cả một số cán bộ cấp cao sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, tham ô, hối lộ, độc đoán, chuyên quyền, coi thường tập thể, xa rời quần chúng; tình trạng cục bộ địa phương diễn biến khó lường. Một số tổ chức cơ sở đảng xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; thậm trí thiếu sức chiến đấu, trong nội bộ có những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” nhưng không chủ động đấu tranh ngăn chặn. Những vấn đề đó đã và đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, là lực cản lớn trong công tác xây dựng Đảng, uy hiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, hơn lúc nào hết, nhiệm vụ phòng chống suy thoái đạo đức trong cán bộ, đảng viên hiện nay trở nên quan trọng, cấp bách. Đây là nhiệm vụ trong yếu, đòi hỏi sự kiên trì, khoa học trong tổ chức thực hiện, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của quần chúng nhân dân. Từ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái đạo đức trong cán bộ, đảng viên hiện nay cần tập trung vào những nội dung và giải pháp cơ bản sau:

Một là, phát huy cao độ vai trò của cấp uỷ đảng các cấp trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

Trong suốt sự nghiệp cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã có gần 200 bài nói, viết về công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người chỉ ra phương pháp rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"[iv] và: "Có học tập lý luận  Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được công tác Đảng giao phó cho mình"; "Có nắm vững được đường lối, chính sách mới thấy rõ phương hướng tiến lên của cách mạng, mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo phương hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng".

Từ những lời dạy của Người, trong bối cảnh hiện nay, công tác giáo dục chính trị tư tưởng của cấp uỷ các cấp phải được đẩy mạnh nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác giáo dục nhận thức phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm gốc, để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ rằng: tận trung với nước, tận hiếu với dân, coi phục vụ nhân dân là lẽ sống cao thượng nhất, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng chính là mục tiêu lớn nhất cần đạt tới. Bằng hành động cụ thể, mỗi đảng viên của Đảng phải gương mẫu trong lối sống, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ra sức phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; không ngừng rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Không chỉ đi đầu trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác, mỗi cán bộ đảng viên phải không ngừng đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận chính trị tư tưởng; chủ động đấu tranh ngăn ngừa, phê phán những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ và ổn định xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là tiền đề cơ bản để phòng chống suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhằm giữ vững bản chất, sinh mệnh chính trị của một đảng cách mạng chân chính. Người cho rằng, "Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó". Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vô cùng khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải bảo vệ lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên, không phủ nhận vai trò của cá nhân trong lao động sáng tạo, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời phải chống lại cái lỗi thời, lạc hậu của chủ nghĩa cá nhân gây hại cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là nhằm kết hợp hài hoà giữa lợi ích chính đáng của cá nhân với lợi ích của tập thể; chăm lo đến lợi ích của cá nhân, chú trọng xây dựng tính tập thể, tính cộng đồng; tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên phát triển đời sống vật chất, tinh thần phù hợp với thực tiễn, bảo đảm cho họ được thụ hưởng kết quả của công cuộc đổi mới. Trong quá trình đấu tranh cần phải nhận diện kịp thời những biểu hiện mới của chủ nghĩa cá nhân và tác hại của nó để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Hai là, thông qua tự phê bình phê bình để phòng chống suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Hồ Chí Minh cho rằng, tự phê bình và phê bình là việc phải làm thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày” của mỗi cán bộ, đảng viên. Tự phê bình là tự soi mình sẽ thấy rõ mình hơn nhận rõ thiếu sót, sửa chữa khuyết điểm mà gìn giữ đạo đức, lối sống để ngày càng tiến bộ và có tự phê bình nghiêm túc thì mới khuyến khích được người khác phê bình mình. Hồ Chí Minh luôn gương mẫu tự phê bình và yêu cầu mọi người phải thẳng thắn góp ý phê bình mình. Người nói: “Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay”. Người cho rằng, khuyết điểm nào cũng có hại cho cách mạng, ảnh hưởng đến đạo đức, khi mắc khuyết điểm, dù nhỏ cũng phải “uống thuốc xổ” tẩy sạch khuyết điểm, như “tẩy giun sán trong người”.

Để tự phê bình và phê bình hiệu quả, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập và rèn luyện đạo đức, lối sống; trong sinh hoạt phải đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trong tự phê bình và phê bình phải thể hiện trách nhiệm cá nhân, có thái độ thực sự cầu thị, biết lắng nghe ý kiến phê bình của người khác. Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình phải bảo đảm tính giáo dục, tính chiến đấu cao, giúp cho cán bộ, đảng viên sau mỗi lần sinh hoạt trưởng thành hơn về nhận thức tư tưởng, tinh thần đoàn kết, ý thức đấu tranh chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Ba là, phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân trong phòng, chống suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Theo Hồ Chí Minh, để phòng, chống suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên hiện nay thì "việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng"[ix]. Để xây dựng Đảng mạnh về chính trị và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng Đòi hỏi phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt và thực hành kỷ luật Đảng; phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng và phòng, chống suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên. Quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt và công tác, tăng cường công tác kiểm tra nhằm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể nhân dân trong  phòng, chống suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên. Tiếp thu có chọn lọc các ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân, các tổ chức, đoàn thể đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên nhằm kịp thời phát hiện những sai lầm, khuyết điểm và có biện pháp đấu tranh, xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, phải làm tốt việc nêu gương điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt, việc tốt nhằm khuyến khích cán bộ, đảng viên tự giác học tập và rèn luyện, gương mẫu trong đạo đức và lối sống để nhân dân noi theo. 

Theo TapchiDangcongsan


  • Từ khóa