Thứ 2, 25/11/2024, 23:13[GMT+7]

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác

Thứ 5, 23/05/2024 | 08:08:32
7,202 lượt xem
Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm trọng tâm, thường xuyên của Đảng bộ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Nhiều đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo để không gian văn hóa đặc biệt này góp phần làm cho mỗi người dân thêm hiểu về sự nghiệp vĩ đại và thấm sâu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, tạo nên nguồn sức mạnh của thành phố mang tên Bác.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Ủy ban nhân dân phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1.

Sau hai năm thực hiện, toàn thành phố hiện có gần 3.000 thiết chế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện hữu trang trọng tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở tôn giáo, thờ tự, khu sinh hoạt cộng đồng.

Sức sống của một không gian văn hóa đặc biệt

Xác định xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là việc làm quan trọng, có ý nghĩa to lớn, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch phù hợp. Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình đã tổ chức các hội nghị báo cáo chuyên đề "Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố" cho cán bộ chủ chốt quận và cơ sở, báo cáo viên, các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo và cá nhân tiêu biểu trên địa bàn quận, từ đó nắm vững chủ trương, định hình rõ hơn các nội dung công việc.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Yến Hương, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 10, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc quận và Ủy ban nhân dân 14 phường căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung trọng tâm phù hợp với từng đơn vị, trong đó chú trọng xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng, phát huy những giá trị tích cực, thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, trọng công lý và đạo lý xã hội, gắn với hoạt động văn hóa tại cơ sở. Quận cũng đã tổ chức khảo sát dư luận xã hội trên địa bàn về việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; triển khai kế hoạch xây dựng "Kho dữ liệu trực tuyến về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên trang fanpage Hòa Bình nhằm giúp các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan, đơn vị, trường học có điều kiện truy cập, tải, chia sẻ các tài liệu phục vụ công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức còn đẩy mạnh xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên trang thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem, tương tác và chia sẻ trên trang cá nhân của cán bộ, đảng viên, tạo nên sức lan tỏa nhanh, rộng khắp. Điển hình như Quận 6 xây dựng Tủ sách Hồ Chí Minh điện tử, chuyên mục "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh-Lời Bác dạy" với các định dạng như infographic, phim ngắn, sổ tay điện tử.

Quận 7 giới thiệu ứng dụng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên nền tảng internet với ba ngôn ngữ Việt, Anh, Hàn Quốc. Quận Bình Thạnh ứng dụng công nghệ để đưa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh lên mạng thông qua hình thức bảo tàng trực tuyến, tủ sách điện tử, mô hình không gian văn hóa trực tuyến trên cổng thông tin điện tử với mô hình 3D thực tế ảo.

Đồng chí Nguyễn Trung Châu Tuyên, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1 chia sẻ: Từ năm 2021, Quận 1 đã xây dựng chuyên mục "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên trang cộng đồng Cột cờ Thủ Ngữ, qua đó đăng tải nhiều video, infographic, bài viết, bài học làm người qua ca dao, tục ngữ hay các gương tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác; đăng tải các tác phẩm sách, báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các bài viết về văn hóa, con người Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, gần 120 trang fanpage của hệ thống chính trị Quận 1 đều xây dựng các chuyên mục về học tập và làm theo Bác, về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh...

Với các giải pháp, cách làm đa dạng, phong phú, hình thành nhiều mô hình hay, thiết thực, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã mang đến một sức sống mới, thật sự tạo hiệu ứng, tác động tích cực đến mỗi cán bộ, đảng viên, người dân thành phố.

Nguồn sức mạnh nội sinh để phát triển thành phố

Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh từng bước đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến trong tư tưởng, tâm hồn của mỗi người dân thành phố mang tên Bác. Đến Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Quận 1, chúng tôi được thầy Phạm Thanh Yên, Phó Hiệu trưởng giới thiệu về một số mô hình, cách làm sáng tạo mà đội ngũ thầy, cô và các em học sinh đã thực hiện trong thời gian qua. Bên cạnh Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng trang trọng tại thư viện, các bộ phận đoàn thể, tổ chuyên môn nhà trường đã sáng tạo trong cách thức giảng dạy, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về học tập và làm theo Bác.

Các em học sinh lớp 12 chuyên văn của trường còn làm cuốn lịch bàn đặc biệt, có những mốc thời gian gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Cuốn lịch gây ấn tượng từ thiết kế đẹp, hình ảnh phong phú, đến những thông tin rất xúc động, ý nghĩa. Đây là một trong bốn sản phẩm thuộc dự án "Theo dấu chân Người" do nhà trường phát động, tổ chức.

"Thông qua dự án và nhiều hoạt động ý nghĩa khác, các em có chuyển biến rõ nét về cách nghĩ, cách sống, biết san sẻ, yêu thương nhiều hơn"-thầy Phạm Thanh Yên chia sẻ.

Nhiều Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ sở thờ tự, địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố đã trở thành điểm văn hóa tiêu biểu với nhiều hoạt động bổ ích. Năm 2023, Phường 9, quận Tân Bình ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại đình Tân Phước - ngôi đình biểu tượng cho thiết chế văn hóa tín ngưỡng, là hồn cốt người dân ấp Tân Phước, xã Phú Thọ Hòa, tỉnh Gia Định thuở xưa và cũng là nơi chứa đựng, lưu giữ những chứng tích lịch sử gắn liền với công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc qua hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Bởi lẽ đó, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đặt tại nơi đây có ý nghĩa lưu truyền giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đồng bào tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần để việc học tập và làm theo Bác trở thành nếp sống của người dân trên địa bàn phường. Đặc biệt, đây còn là nơi sinh hoạt của cán bộ, đảng viên và nhân dân Khu phố 7.

Chị Vũ Thị Nguyệt, chuyên viên Ban Tuyên giáo Quận ủy cho biết: Toàn quận đã xây dựng và ra mắt 122 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, là điểm đến tham quan, sinh hoạt chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong quận. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại cơ sở tôn giáo sẽ tiếp tục được nhân rộng nhằm phát huy truyền thống tốt đạo, đẹp đời, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực thực hiện phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động của địa phương.

Có thể nói, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một quyết sách sáng tạo của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và mong muốn của nhân dân. Để công việc này ngày càng hiệu quả, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11 về "Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" nhằm nâng cao nhận thức về giá trị sống, tình cảm, đạo lý, bổn phận và lòng tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đối với Tổ quốc, dân tộc và lịch sử vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh - nơi hội tụ và giao thoa nhiều nền văn hóa, địa phương vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần tạo nguồn lực, sức mạnh nội sinh xây dựng và phát triển thành phố.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Chúng ta cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thành phố trở thành một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố. Đây là niềm tự hào, đồng thời là nghĩa vụ thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Theo: nhandan.vn