Thứ 2, 25/11/2024, 22:55[GMT+7]

Thái Thụy Học và làm theo gương Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục

Thứ 2, 18/11/2013 | 16:16:48
1,825 lượt xem
Hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Thái Thụy đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi tổ chức, cá nhân tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Nông dân xã Thụy Hưng (Thái Thụy) tích cực trồng cây vụ đông tăng thu nhập.

Trước hết, công tác tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với triển khai các nghị quyết của Đảng được Thái Thụy đặc biệt chú trọng. Huyện chỉ đạo tất cả các cơ sở đảng tổ chức cho cán bộ, đảng viên xem bộ phim tài liệu "Vượt qua bến Thượng Hải", tham dự giờ học toàn tỉnh "Bác Hồ với nông nghiệp, nông dân, nông thôn", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp". Sau đó, huyện sao lưu toàn bộ nội dung giờ học vào đĩa DVD gửi các tổ chức cơ sở đảng  làm tư liệu tuyên truyền thường xuyên.

Hưởng ứng cuộc thi "Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình làm theo lời Bác" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, Thái Thụy đã có 70.537 người dự thi, giành giải nhất toàn tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Bác, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức lễ báo công tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời vinh danh, tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ cho 58 cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong việc học và làm theo Bác đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Ban Thường vụ Huyện ủy Thái Thụy đã hướng dẫn các tổ chức cơ sở đảng thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với 7 chuẩn mực cho cán bộ, đảng viên và 10 chuẩn mực cho cán bộ lãnh đạo quản lý. Nhiều đơn vị đã cụ thể hóa, gắn với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương để cán bộ, đảng viên đăng ký thực hiện.

Điển hình như Đảng bộ xã Thụy Văn xây dựng chuẩn mực "Ý đảng lòng dân, đồng sức đồng lòng quyết tâm xây dựng nông thôn mới"; Đảng bộ xã Thụy Bình xây dựng chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh bằng 86 câu văn vần; xã Thái Thọ cụ thể hóa 7 chuẩn mực, đạo đức, phong cách của Bác thành khẩu hiệu treo tại phòng họp trụ sở UBND xã; Chi bộ Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh thực hiện phương châm: "Nói ít, làm nhiều, không hình thức, khẩu hiệu suông"; Đảng bộ Chi cục Thuế huyện đăng ký 100% cán bộ, viên chức trong ngành: "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm, bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm"; Đảng bộ cơ quan Huyện ủy đăng ký xây dựng đề án "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn huyện Thái Thụy" tổ chức nhiều buổi tọa đàm, lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và tham mưu với BTV Huyện ủy cấp phát sổ tay cho các đảng viên ghi chép trong mỗi kỳ sinh hoạt.

Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03, ở Thái Thụy đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu làm theo gương Bác. Trong đó, xã Thụy Phúc xây dựng mô hình dân vận trong Đảng. Toàn xã có 34 tổ dân cư chia theo ngõ, mỗi tổ phân công 3 đến 4 đảng viên phụ trách. Nhờ sự nêu gương của các đảng viên đã góp phần quan trọng  đưa Thụy Phúc vươn lên từ xã không được chọn làm điểm trở thành 1 trong 4 xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hay như Hội CCB xã Thụy Hưng vận động hội viên góp kinh phí xây dựng bể đựng túi nilon, chai lọ, vỏ thuốc trừ sâu tại các cánh đồng để bảo vệ môi trường. Hội Phụ nữ xã Thụy Tân vận động 85% hội viên mỗi tháng tiết kiệm 5.000 đồng/hội viên để giúp chị em nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Công đoàn ngành Giáo dục huyện đã vận động cán bộ, giáo viên ủng hộ hàng trăm triệu đồng hỗ trợ 80 giáo viên và hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với các tập thể, Thái Thụy có rất nhiều tấm gương cá nhân điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như: ông Nguyễn Đức Tuy, hội viên CCB thôn An Tiêm 3 (xã Thụy Dân) thầm lặng làm công việc quản trang của thôn suốt 18 năm. Với mức trợ cấp 100.000 đồng mỗi năm (từ năm 2012 mới có) và 1 sào ruộng nhưng ông vẫn không nề hà bất cứ việc gì: hỗ trợ, hướng dẫn các gia đình chôn cất người đã khuất, sang cát, theo đúng quy định về chiều dài, rộng, độ sâu phần mộ và tự tay thu gom quần áo, vòng hoa, tấm ván ngoài nghĩa trang tiêu hủy, chôn lấp bảo đảm vệ sinh môi trường. Ông Đỗ Quang Dũng, CCB xã Thái Thượng tích cực vượt khó vươn lên thành lập doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản tạo việc làm cho 45 hội viên và con em hội viên với mức lương từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Anh nông dân Nguyễn Văn Liệu ở xã Thụy Liên tích cực tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu thực hiện thành công đề tài "Lưu cá vược qua đông", "Nuôi cá vược kết hợp cá rô phi và vọp trong đầm nước lợ" đạt giải nhất hội thi "Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Bình", được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo, Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của. Em Đoàn Minh Tuấn, đoàn viên Trường THPT Tây Thụy Anh, 3 năm liền có phần  mềm sáng tạo đạt giải Hội thi tin học trẻ toàn quốc, được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu "Tuổi trẻ sáng tạo"…

Nguyễn Hình

  • Từ khóa