Từ triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh nghĩ về công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay
Vai trò, sứ mệnh của giáo dục
Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi bị giam cầm trong nhà lao của chính quyền Tưởng Giới Thạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những vần thơ:
"Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền;
Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên" - (Nửa đêm - bản dịch của Nam Trân)
Những vần thơ trên không chỉ giúp Người vơi đi nỗi cô đơn, buồn sầu trong những tháng ngày bị tù đày, mất tự do mà ẩn sâu trong những câu chữ ấy là một tư tưởng, triết lý giáo dục thấm đượm tinh thần nhân văn, được đúc rút từ chính cuộc đời hoạt động cách mạng và quy luật muôn đời của cuộc sống.
Bản tính, nhân cách của mỗi người không phải do trời sinh mà căn bản, quan trọng là do sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội, nhất là sự nỗ lực, cố gắng của bản thân. Ý thức rõ về sứ mệnh cao cả của giáo dục đối với sự hình thành nhân cách con người - những người sẽ làm nên tương lai, vận mệnh nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian chăm lo cho sự phát triển của sự nghiệp “trồng người”.
Dù trong hoàn cảnh chiến tranh hay khi đất nước hòa bình xây dựng cuộc sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục. Ở thời điểm cách mạng còn trong “trứng nước”, Người đã có kế hoạch mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, truyền đạt những tri thức lý luận về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về kinh nghiệm làm cách mạng và con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Người đã đào tạo, huấn luyện được những lớp cán bộ tiên phong, những người học trò xuất sắc, những chiến sĩ cộng sản kiên trung, góp phần to lớn vào sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước lại rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Người coi diệt “giặc dốt” cũng quan trọng không kém việc diệt “giặc đói”, “giặc ngoại xâm”. Nhờ chủ trương đó, các phong trào Bình dân học vụ, mở lớp mở trường được phát động, từ già tới trẻ ai nấy đều ra sức học lấy con chữ, học để ý thức rõ hơn về mình, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, học để mở mang tri thức, làm chủ nước nhà. Trong lần về thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc mới được thành lập tại chiến khu Việt Bắc (năm 1949), Người đã ghi vào sổ vàng lưu niệm những lời căn dặn tâm huyết như nhắc nhở, khuyên răn, thúc giục các thầy cô giáo, các anh chị em học viên cần phải xác định rõ mục đích, động cơ của việc học. Trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?”, Người viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại…”.
Giữa bộn bề công việc của một đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, trên cương vị Chủ tịch nước, Người luôn luôn nhắc nhở những đồng chí, những cán bộ có trách nhiệm phải thường xuyên quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục; bồi dưỡng đạo đức, tri thức cách mạng cho thế hệ trẻ, cho muôn đời sau, phải tạo mọi điều kiện để mỗi người có thể phát triển toàn diện, bởi con người là nguồn lực quan trọng để kiến thiết, xây dựng nước nhà. Trước lúc “đi xa”, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Đảng cần phải chăm sóc, giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Không chỉ đến Di chúc mà trong các bài báo, bài diễn văn đọc tại Đại hội, Hội nghị giáo dục, thư thăm hỏi, chúc mừng, Người luôn nhấn mạnh đến sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của ngành giáo dục. Người viết: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “Dốt thì dại, dại thì hèn”, “Dốt nát cũng là kẻ địch”,..
Vai trò, vị trí quan trọng của người thầy
Viết về đội ngũ người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao những cống hiến, hy sinh lớn lao, thầm lặng của họ dành cho thế hệ trẻ, cho tương lai nước nhà. Họ xứng đáng là những chiến sĩ văn hóa, kỹ sư tâm hồn, người cha, người mẹ thứ hai của học trò.
Nói về công lao to lớn của người thầy, trong Thư gửi anh chị em giáo viên Bình dân học vụ, Người ngợi ca: “Anh chị em là những người vô danh anh hùng. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích, một phần tương lai nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”. Những con người “vô danh anh hùng” ấy đã góp công góp sức mình cho sự phát triển, trường tồn của đất nước, đem trí tuệ gieo vào tâm hồn, suy nghĩ của thế hệ trẻ, để mai này lớn khôn các em sẽ trở thành những nhà khoa học, những cán bộ giỏi, những công dân có phẩm chất, tài năng, đóng góp vào sự phát triển, phồn vinh của đất nước.
Sức mạnh của giáo dục có thể làm nên nhiều điều kỳ diệu, tạo ra những thay đổi lớn, tác động tích cực tới con người và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo... nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Trong lần về thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói chuyện với các thầy cô giáo tương lai, Người đánh giá cao nghề dạy học: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”.
Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng nhưng người gánh trọng trách lớn lao lại thuộc về những người thầy. Để dạy tốt, đào tạo được những con người mới, có tài năng, trí tuệ, phẩm chất thì thầy cũng phải luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên, không ngừng tìm tòi, sáng tạo. Với người thầy, chữ tâm, chữ tài phải được đặt lên hàng đầu. Đề cập đến đạo đức người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ một lần động viên, khuyên nhủ các thầy cô phải giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính; phải yêu nghề, yên tâm công tác; phải thật thà đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm; không nên “đứng núi này trông núi nọ”, muốn thay đổi công tác, kèn cựa vì địa vị; phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình. Người nhấn mạnh: “Thầy và trò phải luôn luôn nêu cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”. “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức”, “Dạy và học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân”...
Theo Người, mỗi cấp học, lứa tuổi đều có những đặc điểm tâm lý khác nhau, người thầy phải xác định rõ đối tượng, mục tiêu để có nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp, đạt kết quả cao nhất. Giáo dục phải làm sao phát huy được những năng lực, tố chất của người học về các mặt đức, trí, thể, mỹ. Trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (tháng 9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm niềm tin tưởng và những kỳ vọng vào một nền giáo dục mới sẽ giúp các em phát triển một cách toàn diện những năng lực sẵn có. Đó là một nền giáo dục năng động, tiên tiến, lấy học sinh làm trung tâm, một nền giáo dục vì sự phát triển toàn diện, tiến bộ của con người: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thu một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Để thực hiện tốt sứ mệnh cao cả đó, trong nhà trường đòi hỏi các thầy cô phải gương mẫu đi đầu trong việc rèn đức, luyện tài, phải có chuyên môn giỏi, có tình yêu và sự tâm huyết với nghề. Nói về công tác huấn luyện và học tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Không phải ai cũng huấn luyện được. Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt tư tưởng, đạo đức, lối làm việc, phải học thêm mãi. Cách thức huấn luyện phải làm sao cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều. Huấn luyện từ dưới lên trên, phải gắn liền lý luận với công tác thực tế, huấn luyện phải nhằm đúng yêu cầu, phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng. Phải gắn chặt giữa học với hành, lý luận với thực tiễn, kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau. Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay bị mù quáng... Người huấn luyện nào mà tự cho mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”.
Những câu nói thật giản dị khiêm nhường nhưng hàm chứa cái nhìn biện chứng, khách quan, khoa học về biện pháp, cách thức “trồng người”. Những lời tâm huyết ấy như đang nhắc nhở chính những người thầy hôm nay phải gắn chặt lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, nêu cao tình thần tự giác học tập của học sinh và của chính mình: Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân.
Đối với công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Người khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Do đó, Người đã thẳng thắn chỉ ra những ưu, khuyết điểm mà các cơ sở giáo dục của trường Đảng mắc phải như: “lớp quá đông, mở lớp lung tung. Vì mở nhiều lớp nên thiếu người giảng. Thiếu người giảng thì học viên đâm chán nản. Thiếu người giảng thì phải đi “bắt phu”, vì thế người đến giảng bao giờ cũng hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như “chuồn chuồn đạp nước”, dạy không được chu đáo... Rốt cuộc chỉ tốn gạo mà học thì học táp nhoang”.
Có thể nói những tư tưởng, quan điểm của Người về giáo dục, về tư cách đạo đức, phẩm chất, trách nhiệm, vị thế của người thầy được viết ra cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn vẹn nguyên tính thời sự, trở thành kim chỉ nam và phương châm hành động của đội ngũ những người làm thầy hôm nay. Với những người thầy, cần phải đi trước đón đầu, “phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc””, “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt học tốt”...
Từ triết lý giáo dục của Người nghĩ về giáo dục hiện nay
Ngày nay, sau 44 năm kể từ khi Người “đi xa”, gần 30 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, giáo dục Việt Nam cũng có những bước phát triển, song vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nhận định: ngành giáo dục - đào tạo của nước ta “chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất.
Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp. Cơ sở vật chất, kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.
Đứng trước thực trạng đó, đòi hỏi phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Đổi mới phải bắt đầu từ “những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học”. Đó là một quan điểm đúng đắn, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách từ đời sống thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục của thế giới, khắc phục những tồn tại, bất cập để giáo dục phát huy tốt vai trò, sứ mệnh cao cả trong việc “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập, giao lưu hiện nay, những người có trách nhiệm với sự nghiệp “trồng người”, nhất là đội ngũ người thầy phải nêu cao hơn nữa bản lĩnh, đạo đức cách mạng, phải thực hành dân chủ trong trường học, tạo sự đoàn kết, nhất trí, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Ngày nay đọc lại những lời di huấn của Người về giáo dục, chúng ta càng thấm thía hơn tầm nhìn xa rộng, thiết thực của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong trường cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò chứ không phải “cá đối bằng đầu”. Có dân chủ chúng ta mới có điều kiện nhìn nhận lại chính mình, cùng nhau đoàn kết tìm ra những hướng đi thích hợp, cùng nhau phát triển, để “dân tộc Việt Nam sẽ bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu” như điều mong ước, kỳ vọng của Người.
Theo Tuyengiao
Tin cùng chuyên mục
- Cựu thanh niên xung phong phường Đề Thám: Học và làm theo Bác, nhân lên những giá trị tốt đẹp 22.08.2024 | 09:16 AM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Trường Tiểu học Trần Lãm báo công dâng Bác tại Quảng trường Thái Bình 26.03.2024 | 06:56 AM
- Học Bác từ những điều bình dị 12.02.2024 | 23:07 PM
- Triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 trong toàn tỉnh 19.01.2024 | 09:04 AM
- Đoàn kết nhân lên sức mạnh 26.10.2023 | 08:44 AM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Thực hiện lời Bác dạy: Công an cách mạng vì nhân dân phục vụ 24.10.2023 | 09:01 AM
- Học Bác để lan tỏa yêu thương 06.06.2023 | 14:48 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”