Thứ 3, 07/05/2024, 00:20[GMT+7]

Học Bác mỗi ngày

Thứ 3, 14/01/2014 | 14:31:24
1,525 lượt xem
Nước da sạm đen, dáng người nhỏ bé, khắc khổ, cuộc đời vất vả chồng chất nhưng đôi mắt vẫn luôn tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống và một trái tim cháy bỏng yêu thương, sẻ chia. Người phụ nữ đó là chị Nguyễn Thị Thành (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 5, xã Vũ Hòa, Kiến Xương), tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Thái Bình được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen về học tập và làm theo gương Bác.

Trước khi sinh hoạt Câu lạc bộ sức khỏe, các thành viên tham gia bỏ tiền tiết kiệm nuôi lợn tình thương.

Yêu quý bộ đội nên chị quyết định lập gia đình với người lính trở về từ chiến trường. Chị không ngờ thứ chất độc màu da cam quái ác đã ngấm vào thân thể anh, biến niềm vui được làm mẹ của mình thành nỗi đau khôn nguôi. 7 lần mang nặng đẻ đau thì 5 lần chị vật vã trong đau đớn, xót thương những đứa con không được làm người của mình và ngày ngày cố nuốt nước mắt vào trong, nén tiếng thở dài chăm sóc đứa con trai bị thiểu năng trí tuệ và cô con gái khờ khạo có lớn mà không có khôn. Anh Chiến - chồng chị, người duy nhất có thể chia sẻ nỗi đau và gánh nặng cho chị nhưng vết thương và thứ chất độc đang hiện hữu trong người đã hủy hoại sức khỏe của anh. Tất cả mọi việc trong nhà, ngoài xã hội đều dồn cả lên đôi vai gầy của chị.

 

Bất cứ khi nào gặp khó khăn, chị Thành đều nhớ đến câu nói của Bác “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Ðào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Câu nói của Bác soi đường, chỉ lối giúp Chi trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 5 Nguyễn Thị Thành đã có nhiều sáng kiến trong thực hành tiết kiệm theo gương Bác, thu hút đông đảo hội viên tham gia.

 

Năm 2011 – năm đầu làm Chi hội trưởng, chị phát động hội viên nuôi lợn nhựa, tự bỏ tiền ra mua hơn 20 con lợn nhựa tặng chị em, tích cực vận động chị em mỗi lần đi chợ tiết kiệm từ 3.000 – 5.000 đồng bỏ vào lợn nhựa. Từ số tiền ít ỏi chỉ mua được mớ rau đến khi mổ lợn các chị có hàng triệu đồng dùng để mua con giống về nuôi, sắm đồ dùng gia đình, nuôi con ăn học.

 

Mô hình thực sự hiệu quả nên ban đầu chỉ có 25 hội viên tham gia nay tăng lên 67 người. Sau đó chị phát động xây dựng mô hình tổ nhóm tiết kiệm của câu lạc bộ sức khỏe. Tham gia mô hình này các hội viên không chỉ tích cực hơn trong việc rèn luyện thân thể theo gương Bác mà còn tiết kiệm tiền cho nhau vay không lấy lãi, giúp hội viên và con em hội viên vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

 

Ðến nay mô hình đã thu hút được 108 thành viên, tiết kiệm được 146 triệu đồng, cho 26 chị vay không lấy lãi… Là một trong nhiều gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhóm tiết kiệm cho vay 1 triệu đồng không lấy lãi, chị Cao Thị Vân cho biết: “Nhờ tấm lòng của các chị em trong thôn tôi mới có tiền mua lợn giống về phát triển chăn nuôi, lứa lợn đầu đã xuất chuồng thu nhập khá nên kinh tế gia đình đã bớt khó khăn”.

 

Ðể giúp các chị bị ốm đau, tai nạn một giờ công lao động, tháng 6/2013 chị Thành phát động hội viên hưởng ứng phong trào “một giờ tương thân, tương ái” bằng cách nuôi lợn tình thương tập thể. Cứ đến ngày sinh hoạt câu lạc bộ sức khỏe, các chị em tự nguyện mang theo những đồng tiền tình nghĩa bỏ vào con lợn tình thương. Khi có gia đình hội viên bị ốm đau, tai nạn thì mổ lợn rồi đưa đến tận nhà giúp đỡ. Mới qua 3 kỳ sinh hoạt, lợn tình thương đã có 400.000 đồng, số tiền này Chi hội giúp 3 chị mổ tay, gẫy chân, có chồng bệnh nặng.

 

Là Chi hội trưởng, luôn thấm nhuần tư tưởng của Bác “Cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, chị Thành tiên phong nuôi lợn nhựa, tham gia nhóm tiết kiệm, hưởng ứng “một giờ tương thân, tương ái”. Số tiền tiết kiệm được chị đầu tư mua gà giống về nuôi để tăng thu nhập cho gia đình, trích một phần hỗ trợ các hoạt động của Chi hội, tặng hội viên nghèo, ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài...

 

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vũ Hòa Nguyễn Thị Tươi khẳng định: “Từ các mô hình tiết kiệm do chị Thành xây dựng, Hội Phụ nữ xã đã nhân rộng ra các chi hội còn lại như mô hình tổ nhóm tiết kiệm thu hút 680 thành viên tham gia, tiết kiệm được trên 380 triệu đồng cho 72 chị có hoàn cảnh khó khăn vay. Các mô hình làm theo gương Bác do chị Thành phát động đã giúp chính gia đình chị và nhiều hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống 2,74%”.

 

Lúc chia tay chúng tôi, chị Thành tâm sự mộc mạc, chân thành: “Tấm gương sáng ngời của Bác đã truyền nghị lực, dẫn lối, chỉ đường cho tôi vượt khó và giúp những phụ nữ khác có khó khăn, bất hạnh vươn lên trong cuộc sống”. Mong rằng ngày càng có nhiều điển hình học tập và làm theo gương Bác như chị Thành.

 

Trung Hiếu

 

 

  • Từ khóa