Thứ 3, 07/05/2024, 09:10[GMT+7]

Người thanh niên công giáo làm theo lời Bác

Thứ 5, 30/01/2014 | 09:07:17
1,512 lượt xem
Với ý thức giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của cha ông, Nguyễn Văn Tiếp, sinh năm 1980, thôn Thái, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) đã duy trì và phát triển nghề mộc tại địa phương tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều thanh niên trong xã, góp phần làm giàu trên đất quê hương.

Nguyễn Văn Tiếp truyền kinh nghiệm cho công nhân

Xuôi theo tỉnh lộ 463, tới điểm công nghiệp làng nghề Nguyên Xá (Vũ Thư), ấn tượng của chúng tôi về cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của anh Nguyễn Văn Tiếp đó là một cơ sở có quy mô bề thế, số lượng lao động đông đảo. Tiếng khoan đục, tiếng bào, mài, tiếng xe ra vào chuyển hàng không ngớt. Sinh ra trong gia đình làm nghề mộc, Tiếp “bén duyên” nghề mộc từ những năm học tiểu học. Cậu học trò luôn mày mò, hý hoáy làm theo, có khi là sáng tạo hơn những gì bố đã làm.

Nguyễn Văn Tiếp sớm xác định sẽ theo nghiệp của gia đình, quyết tâm làm giàu từ nghề truyền thống ngay trên quê hương mình. Khi bố tuổi cao, anh tiếp quản cơ sở của gia đình. Với sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, không ngừng sáng tạo, cơ sở sản xuất của anh ngày một phát triển. Theo anh, sản phẩm từ gỗ không đơn thuần chỉ là sự tinh xảo, chăm chút, điêu luyện đầy chất khổ công của người thợ chạm mà cao hơn nó phải mang một câu chuyện, một thông điệp. Hiện nay, với quy mô xưởng và gian trưng bày khoảng 1.000m2, cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ mỹ nghệ Khởi Tiếp đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 – 25 lao động, trong đó có 15 lao động là thanh niên địa phương, thu nhập trung bình từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng; doanh thu ngày một tăng, từ 6 tỷ đồng năm 2012 lên gần 10 tỷ đồng năm 2013.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, người thanh niên công giáo Nguyễn Văn Tiếp còn năng nổ tham gia các hoạt động Ðoàn. Là Ủy viên Ban Chấp hành Ðoàn xã Nguyên Xá, Ủy viên Ban Chấp hành chi đoàn thôn Thái, anh luôn bám sát các đoàn viên, thanh thiếu nhi công giáo tại địa phương, cùng Ban Chấp hành theo dõi hoạt động của các đối tượng thanh thiếu nhi có ý thức chưa tốt để kịp thời động viên, phân tích, thuyết phục các em từ bỏ những thói hư tật xấu. Bên cạnh đó, anh tham gia công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn ma túy, góp phần giữ vững an ninh địa phương. Các hoạt động nhân đạo, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng được anh tích cực tham gia như tặng quà các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng đèn chống cận, tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tham gia khơi thông dòng chảy, ứng cứu, phòng chống lụt bão...

Giỏi nghề, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn đoàn viên thanh niên địa phương xây dựng mô hình làm kinh tế từ nghề mộc, gia công đồ gỗ. Làm thế nào để anh vừa phát triển cơ sở vừa tham gia các hoạt động Ðoàn, ánh mắt sáng ngời hạnh phúc, anh cho hay: được như vậy là nhờ hậu phương vững chắc, vợ đảm đang giúp anh thu xếp công việc ở xưởng và việc gia đình, bố mẹ 2 bên cũng giúp anh trông nom xưởng, anh em công nhân hết mình vì công việc…

Khi hỏi về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh Tiếp tâm sự: “Mình không học cao, các kiến thức có được hầu như là do tự học, đối với mình thì thái độ quan trọng hơn trình độ. Mình luôn làm theo đúng chủ trương, đường lối của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và theo trái tim mình mách bảo”. Với tinh thần vượt khó vươn lên lập nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình anh Nguyễn Văn Tiếp không chỉ góp phần xây dựng, phát huy và bảo tồn nghề truyền thống của cha ông mà anh còn xứng đáng là tấm gương  của lớp thế hệ thanh niên công giáo vượt khó đi lên, làm giàu chính đáng trên quê hương mình, tạo việc làm, dạy nghề cho lao động trong xã, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 34 tuổi xuân, Nguyễn Văn Tiếp đang ấp ủ nhiều dự định, hoài bão của tuổi trẻ, tin tưởng và chúc những dự định của anh sớm thành công!

Phương Chi

 

 

  • Từ khóa