Thứ 2, 06/05/2024, 14:09[GMT+7]

Doanh nhân cựu chiến binh Trần Văn Phú Tỏa sáng thời bình

Thứ 7, 03/05/2014 | 15:21:55
2,281 lượt xem
Dù ở cương vị nào doanh nhân cựu chiến binh Trần Văn Phú cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông đã vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Hai và nhiều bằng khen khác. Hiện ông đang đề nghị được trao tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng.

Giám đốc Công ty Thiết kế - Xây dựng - Kiểm định Châu Á Trần Văn Phú luôn miệt mài với công việc. Ảnh: Quốc Ðại (Hội Nhà báo tỉnh)

 

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, đội ngũ doanh nhân cựu chiến binh đã trở thành lực lượng tiên phong trong mọi phong trào. Họ không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tạo ra sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, gắn kết các thế hệ. Người lính đã từng tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước Trần Văn Phú (Thành phố Thái Bình) đã không một ngày ngừng nghỉ, đem hết tâm huyết, sức lực cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

 

Anh hùng thời chiến

 

Sinh và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà có 9 anh chị em, trong đó 4 người tham gia quân đội. Ông cũng như bao người thanh niên lúc đó tham gia cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.

 

Ông bồi hồi kể lại: Sau khi đi bộ đội lần thứ nhất ở Trường dạy nghề Tân Bình phải trở về do sức khỏe yếu, tới tháng 5/1972 ông lại lần nữa tình nguyện đi bộ đội tham gia chiến trường miền Namon>. Ông được cử vào Tiểu đoàn 817, Trung đoàn 8 và sau đó chuyển vào đơn vị 308B quân cơ động. Hành trình bắt đầu tiến vào Thanh Hóa, Vĩnh Linh (Quảng Trị) và được sáp nhập vào Sư đoàn 341 với nhiệm vụ huấn luyện cơ động, xây dựng đội ngũ tinh nhuệ, bảo vệ khu vực vĩ tuyến 17, đánh địch ở bên kia vĩ tuyến 17 và mở đường Trường Sơn.

 

Tới tháng 12/1974, Sư đoàn nhận được lệnh tiến công vào miền Ðông Nam Bộ, tham gia nhiều trận chiến bảo vệ khu vực đường 13 (chi khu Chơn Thành), tiến công giải phóng chi khu Dầu Tiếng, tiến đánh căn cứ Trảng Bom và tiếp tục tiến công các vị trí như Hố Nai, tổng kho Long Bình và sân bay Biên Hòa. Với ông, khoảnh khắc đáng nhớ nhất chính là giây phút vỡ òa khi đang đánh trận ở sân bay Biên Hòa thì nhận được tin Dương Văn Minh đầu hàng, giao lại chính quyền cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. "Lúc đó tôi sững người lại dưới đường băng, mừng vui đến trào nước mắt, anh em ai nấy đều ôm nhau hét vang “giải phóng hoàn toàn miền Nam rồi’’, người khóc nức nở vì vui sướng, người thì giơ súng bắn vài phát đạn lên trời, cả sân bay sôi động trong tiếng hò reo không ngớt".

 

Tháng 5/1977, ông chuyển sang lực lượng xây dựng kinh tế nhưng lại xảy ra chiến tranh biên giới Tây Namon>. Do đó, ngày 29/7/1977 ông đã cùng đồng đội đi làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới. Trải qua những năm tháng dài chiến đấu dọc vùng Tây Ninh, Long An, An Giang, Ðồng Tháp, Kiên Giang, tại trận chiến ngày 13/7/1978 ở vùng bến Sỏi (Tây Ninh) thì ông bị thương.

 

Sau 10 ngày điều trị tại bệnh xá của Sư đoàn, ông Phú lại tiếp tục cầm súng chiến đấu. Có những ngày ông tham gia hàng chục trận đánh và là một trong những người tham gia mũi xung kích đầu tiên tấn công vào Phnômpênh giúp nước bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng của bọn Pôn Pốt. Tới năm 1981, Sư đoàn của ông được rút ra các tỉnh miền Trung và năm 1983 ông giải ngũ.

 

Tỏa sáng thời bình

 

Sau khi rời quân đội trở về quê hương Thái Bình, ông Phú đã tham gia vào tổ hợp than tổ ong và có 7 năm tham gia vào HTX mua bán phường Ðề Thám với cương vị là Phó Chủ nhiệm HTX. Tới năm 1990, ông chuyển ra ngoài làm tự do, thành lập Công ty TNHH Phú Trường Hải chuyên sản xuất hàng cơ khí tiêu dùng, phụ tùng xe đạp, xe máy, đồ dùng inox gia dụng... Nhiều năm liền ông đều giữ chức vụ Giám đốc và tới nay đang là Phó Giám đốc Công ty. Thời điểm cao nhất Công ty đã tạo việc làm cho gần 200 lao động có thu nhập ổn định, trong đó có hàng chục lao động là con em thương, bệnh binh.

 

Mặc dù doanh số không quá lớn nhưng doanh nghiệp Phú Trường Hải đã đưa được sản phẩm của mình ra thị trường cả nước như các linh kiện xe đạp, xe máy, các dụng cụ inox gia dụng, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm và đóng góp cho ngân sách tỉnh hàng trăm triệu đồng/năm.

 

Không chịu dừng bước, cách đây 7 năm, ông Phú tiếp tục cùng với 4 người bạn khác thành lập Công ty cổ phần Thiết kế - Xây dựng - Kiểm định Châu Á và đảm nhiệm chức danh Giám đốc Công ty. Năm 2012, Công ty tiếp tục mở thêm lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ăn uống, ẩm thực. Với hoạt động đa ngành nghề như trên, Công ty cổ phần Thiết kế - Xây dựng - Kiểm định Châu Á đã tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi năm, Công ty đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng, nộp ngân sách trên 100 triệu đồng.

 

Dù ở cương vị nào ông Phú cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông đã vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Hai và nhiều bằng khen khác. Hiện ông đang đề nghị được trao tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng.

Thu Thủy

 

  • Từ khóa