Thứ 2, 06/05/2024, 10:02[GMT+7]

Tư tưởng Hồ Chí Minh khởi nguồn mọi hành động cách mạng

Thứ 5, 29/05/2014 | 11:27:53
2,291 lượt xem
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ của thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước,

Hội nghị chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ảnh: Thành Tâm

Hồ Chí Minh luôn là linh hồn và biểu tượng cuộc đấu tranh của những người cộng sản và nhân dân Việt Nam. Thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, sau khi thành lập Nhà nước ta phải lần lượt đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược mới.

Khi mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ kêu gọi đồng bào: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ. Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”.

Quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được thể hiện mạnh mẽ trong lời kêu gọi của Bác: “Giônxơn và bè lũ phải biết rằng, chúng có thể đưa nửa triệu quân, 1 triệu quân, hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng ngàn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được ý chí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội ác của chúng càng thêm nặng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp  hơn!”.

Cả nước đều gọi Người là Bác Hồ. Người vẫn luôn lạc quan, giữ trọn tâm hồn trong sáng của một người cách mạng dù hơn 20 năm hoạt động bí mật, phải chịu nhiều gian khổ, thiếu thốn, bị địch bắt giam hành hạ dã man, nhiều khi bệnh nặng, gần kề cái chết.

Ở phong cách Hồ Chí Minh có lẽ bất cứ một người dân Việt Nam nào cũng ít nhiều biết được đức tính “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, tác phong khiêm tốn, giản dị, rất quần chúng, bao dung của Người. Ở Hồ Chí Minh với cái tâm trong sáng, cái trí mẫn tuệ, với hành động vĩ đại đã thực sự trở thành người hơn tất cả mọi người, chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Bác đã dạy: “Muốn quyết định đúng, trước tiên phải kiểm tra, nghiên cứu rõ ràng. Phải hiểu rằng, Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn hiểu rõ tình hình thì Đảng nên phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là nồi vuông úp vung tròn, không ăn khớp gì hết”.

Ngay từ những ngày đầu, khi Đảng mới nắm chính quyền, Bác đã lên án tội “báo cáo láo”. Làm được ít suýt ra nhiều để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ thì rỗng tuếch… Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là bệnh rất nguy hiểm.

Để nắm được tình hình, Hồ Chủ tịch đã nhắc nhở chúng ta phải lắng nghe ý kiến của đảng viên và quần chúng. Nhưng nghe như thế nào, làm thế nào nghe được tiếng nói chân thực của những người trung thực? Thực tế cuộc sống cho ta thấy giá trị chân thật của lời nói tùy thuộc vào tính trung thực của người nói, song một phần còn tùy thuộc ở thái độ của người nghe. Do đó, người cán bộ phải học cách nghe, rèn luyện thái độ nghe, làm thế nào để động viên khuyến khích người nói phản ánh đúng sự thật.

Về vấn đề học tập, Bác quan niệm “Học để làm người trước, sau đó mới học làm cán bộ” và Người đã không ngừng mở rộng tầm nhìn ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa - khoa học của nhân loại, nâng cao trình độ bằng phương pháp tự học.

Trong phong cách diễn đạt, bất cứ đối tượng nào, ở bất cứ trình độ nào khi nghe Bác nói chuyện đều cảm thấy thoải mái, kính nể. Bác cho rằng cán bộ phải khắc phục bệnh diễn đạt khó hiểu, vì theo quan điểm Hồ Chí Minh: Tục ngữ nói “gẩy đàn tai trâu” là cố ý chê người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu, thì chính người đó là “trâu”. Do vậy, theo phương pháp làm luật của Hồ Chí Minh, luật lệ phải ngắn gọn, rõ ràng. Nói việc gì phải rõ việc ấy. Rõ để ai đọc cũng hiểu theo một ý, nhất là nhân dân lao động, trình độ văn hóa chưa cao.

Theo lời của Luật sư Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, người thường viết các văn bản luật dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho thấy sự quan tâm của vị nguyên thủ quốc gia đến từng dấu chấm phết trong mỗi điều luật: Dự thảo Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình ghi 6 điều cấm: “cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự do, yêu sách của cải trong việc cưới hỏi, đánh đập hoặc ngược đãi vợ, cấm lấy vợ lẽ”. Khi duyệt dự thảo, Bác đề nghị sửa lại, trước điều cấm cuối cùng, thay vì để dấu phẩy(,), thì nên dùng dấu chấm(.). Bởi vì phải tách điều cấm cuối cùng ra thành một câu riêng để đặc biệt nhắc nhở mọi người nhất là nam giới. Theo Bác Hồ thì “việc lấy lẽ là một điều xấu, làm nhục, làm khổ phụ nữ”. Cho nên, trong văn bản luật chính thức được Quốc hội thông qua về sau, Điều 3 quy định: “Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự do, yêu sách của cải trong việc cưới hỏi, đánh đập ngược đãi vợ. Cấm lấy vợ lẽ”.

Đặc biệt ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại đã không lấn át nhà thơ. Thơ của Bác hầu hết là những bài thơ “đuổi giặc”, bài nào cũng có thể tìm thấy một ý nghĩa chính trị sâu sắc, một tình cảm mãnh liệt đối với Tổ quốc và nhân dân, không bài nào vắng bóng con người, khát vọng tự do, cơm áo, hòa bình… Sự cổ vũ cho cái đẹp và mối quan hệ nhân văn giữa người với người, đó là nội dung chủ yếu xuyên suốt thơ Hồ Chí Minh. Là nhà thơ lớn, Hồ Chí Minh còn là nhà văn lớn của  dân tộc, là người mở đầu và đặt nền móng cho nền văn xuôi cách mạng nước ta. Người đã thử bút với nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện ký, chính luận, tiểu phẩm… và ở lĩnh vực nào Người cũng đạt được những thành tựu đặc sắc. Có thể nói, Hồ Chí Minh khi là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo, khi thì là người chính luận sâu sắc, tác giả của những áng hùng văn, những lời kêu gọi cả dân tộc, đồng bào, cho đến những lá thư giản dị cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trong cách ứng xử của Người cũng rất văn hóa, lịch lãm mà bình dị, tự nhiên, cởi mở và chân tình. Nói đến phong cách Hồ Chí Minh bất cứ ai cũng có thể nhận thấy ở Người có một phong cách rất riêng, rất Hồ Chí Minh thể hiện trong lĩnh vực tư duy, làm việc, ứng xử cũng như trong sinh hoạt cuộc sống đời thường.

Thực tế đã chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là dấu cộng những tư tưởng sẵn có của người khác. Từ những vấn đề mang tính quy luật vận động của xã hội, Hồ Chí Minh đã đặt vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta, đưa ra những câu trả lời không có trong kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng cách mạng khoa học của Người là sản phẩm của quá trình tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Tư tưởng Hồ Chí Minh là khởi nguồn cho mọi hành động cách mạng của chúng ta.

Nguyễn Thanh Hoàng
(Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ)

  • Từ khóa