Thứ 2, 06/05/2024, 05:35[GMT+7]

Người cao tuổi làm theo gương Bác

Thứ 3, 03/06/2014 | 09:38:44
2,853 lượt xem
Là thế hệ “cây cao bóng cả”, người cao tuổi (NCT) trong toàn tỉnh luôn nêu gương sáng, không ngừng học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể hàng ngày: chú trọng chăm sóc sức khỏe, tích cực lao động sản xuất, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM)… Mỗi việc làm của các cụ không chỉ là gương sáng cho con cháu noi theo, mà còn đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng quê hương.

Nghề mây tre đan truyền thống xã Thượng Hiền (Kiến Xương) . Ảnh: Minh Đức

Thực hiện lời dạy của Bác: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới việc gì cũng cần sức khỏe mới làm thành công”, các cấp hội NCT luôn đẩy mạnh hoạt động chăm sóc NCT, thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) thể dục thể thao, văn nghệ, thơ ca rèn luyện sức khỏe và tinh thần. Toàn tỉnh hiện có 2.568 CLB thể dục dưỡng sinh, thơ ca… thu hút trên 92.000 hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên.

Các CLB trở thành những sân chơi bổ ích, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao sức khỏe và tuổi thọ cho NCT, giúp các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích, đồng thời thúc đẩy các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở các địa phương ngày càng phát triển.

Thời gian qua, các cấp hội NCT còn phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát và thực hiện các chế độ, chính sách đối với NCT bảo đảm đúng quy định của Ðảng, Nhà nước và Luật Người cao tuổi. Hiện 100% NCT trong toàn tỉnh đủ điều kiện được cấp thẻ BHYT và có 62.531 NCT được hưởng trợ cấp thường xuyên (trong đó 4.764 NCT cô đơn, tàn tật; 57.767 NCT từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấp xã hội).

Ông Trần Văn Hinh, hội viên Hội NCT xã Thụy Liên (Thái Thụy) là người bị tàn tật, được hưởng chế độ trợ cấp 360.000 đồng/tháng và cấp thẻ BHYT, ông phấn khởi tâm sự: “Bản thân bị tàn tật, gặp khó khăn trong việc đi lại cũng như lao động sản xuất, được Ðảng, Nhà nước quan tâm trợ cấp hàng tháng, cuộc sống của tôi cũng vơi bớt khó khăn”.

Học theo gương Bác, NCT trong toàn tỉnh còn tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Phát huy thế mạnh của gia đình, địa phương cùng với kinh nghiệm của bản thân, NCT không quản ngại khó khăn, bản thân trực tiếp tham gia lao động sản xuất, đồng thời động viên con cháu xây dựng trang trại, gia trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…

Toàn tỉnh có 76.509 NCT trực tiếp tham gia lao động sản xuất (chiếm 28,9% tổng số NCT toàn tỉnh), trong đó 12.127 NCT làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, 970 NCT sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập từ 50 - 300 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 

Người cao tuổi xã Hồng Phong (Vũ Thư) thu hái lá dâu nuôi tằm. Ảnh: Ngọc Linh 

Ðiển hình như: Ông Trần Văn Sen, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen tạo việc làm cho gần 1.000 lao động với mức lương trên 4 triệu đồng/người/tháng; bà Phạm Thị Ngắn, hội viên Hội NCT xã Tây An (Tiền Hải) là chủ doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, thu hút hơn 1.000 lao động nông thôn với mức lương từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng; ông Trần Kim Khánh, Chủ tịch Hội NCT xã Bình Ðịnh (Kiến Xương) cùng con cháu phát triển trang trại chăn nuôi, trồng trọt thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm…

Không chỉ tăng gia lao động sản xuất, NCT còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương, đặc biệt là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phát huy tinh thần “Tuổi cao, chí càng cao”, NCT trong toàn tỉnh luôn là những người đi tiên phong trong việc hiến kế, hiến công cùng địa phương tháo gỡ những khó khăn trong xây dựng NTM. Bản thân các cụ cùng với con cháu, nhân dân tham gia xây dựng NTM bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: giải phóng mặt bằng, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, hiến đất, đóng góp tiền của, xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi…

Tính đến hết năm 2013, NCT toàn tỉnh tự nguyện hiến trên 10.000m2 đất, đóng góp gần 14 tỷ đồng xây dựng NTM. Ðã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình như: Hội NCT xã Ðông Thọ (thành phố Thái Bình) đóng góp gần 500 triệu đồng và 15.000 ngày công đào đắp, xây dựng đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; cụ Nguyễn Ngọc Sung (xã Vũ Lễ, Kiến Xương) tự nguyện góp 3 năm tiền trợ cấp thương binh để làm đường giao thông nông thôn; gia đình cụ Bùi Thị Chén (xã Ðông Thọ, thành phố Thái Bình) ủng hộ hơn 500 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn; ông Trần Kim Khánh, Chủ tịch Hội NCT xã Bình Ðịnh (Kiến Xương) ủng hộ gần 100 triệu đồng xây dựng đường giao thông trong thôn… ư

Về nguồn động lực ủng hộ xây dựng NTM, các cụ đều có cùng một suy nghĩ: Xây dựng NTM có ý nghĩa, vai trò to lớn và lâu dài, tham gia đóng góp công sức, tiền của cùng bà con nhân dân làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng là việc cần thiết và nên làm để phục vụ lợi ích chung của tập thể trong đó có gia đình mình. Cơ sở vật chất ngày càng khang trang, nhân dân lao động, sản xuất thêm phần thuận lợi, thế hệ con cháu được cải thiện đời sống, quê hương sẽ ngày càng vững mạnh và phát triển…

Học và làm theo gương Bác bằng những việc làm phong phú, đa dạng, thiết thực, NCT toàn tỉnh đã và đang nêu gương sáng cho mọi người học tập, xây dựng quê hương khang trang, đổi mới, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã tặng NCT Việt Nam: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thanh Huyền

  • Từ khóa