Thứ 2, 06/05/2024, 10:23[GMT+7]

Phát huy tinh thần thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 4, 18/06/2014 | 08:41:33
1,584 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thi đua ái quốc. Ngay từ thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Người đã chỉ đạo: “Thi đua là yêu nước. Yêu nước phải thi đua”. Cho đến nay, qua 66 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước càng thấy ý nghĩa lớn lao lời dạy của Bác.

Ảnh tư liệu. Nguồn Internet

 

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh có “Thư gửi đồng bào lao động toàn quốc” kêu gọi mọi người ra sức thi đua ái quốc để kháng chiến mau thắng lợi, thống nhất, độc lập chóng thành công. Sau đó hơn một tháng, ngày 11/6/1948, dịp kỷ niệm tròn 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Trong lời kêu gọi lịch sử này, sau khi nêu rõ mục đích thi đua và cách làm là dựa vào dân, Người khẳng định thi đua là “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh làm việc gì đều cần phải thi đua nhau: làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”.

 

Thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo đã trở thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp, lôi cuốn cả dân tộc, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của đất nước. Người cũng đã để lại di sản tư tưởng về thi đua, những kinh nghiệm phong phú về công tác vận động, tổ chức, lãnh đạo thi đua và bản thân Bác đã nêu tấm gương thi đua mẫu mực.

 

Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 66 năm qua, trên khắp các vùng, miền đất nước, phong trào thi đua yêu nước đã có sự phát triển mạnh mẽ, liên tục và rộng khắp. Từ những phong trào thi đua như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Gió Ðại Phong” trong nông nghiệp, “Cờ ba nhất” trong lực lượng vũ trang, “Hai tốt” trong trường học, “Thầy thuốc như mẹ hiền” trong ngành Y tế, “Ba cải tiến” trong các cơ quan, “Ba đảm đang” trong phụ nữ, “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, “Vì miền Nam ruột thịt”... đến các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; “Vì người nghèo”, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, “Ðền ơn đáp nghĩa”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”;... Những phong trào thi đua này đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng.

 

Truyền thống thi đua yêu nước đó đã và đang là động lực tinh thần quý báu tạo nên sức mạnh tổng hợp, đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 30 năm đổi mới. Phong trào nêu gương “Người tốt việc tốt” với việc khuyến khích, biểu dương những việc tốt, người tốt. Đặc biệt, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng… bằng nhiều hình thức sôi động, phong phú như “Xây nhà tình nghĩa”, “Áo lụa tặng bà”, “Tặng sổ tiết kiệm”… đã tạo không khí hồ hởi, phấn khởi trong nhân dân, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, tác động sâu đậm đến tâm tư, tình cảm và ý thức chính trị của các tầng lớp nhân dân. Các phong trào thi đua nở rộ khắp nơi ở mọi cấp, mọi ngành, mọi nơi,… đã góp phần động viên sức người, sức của, mồ hôi, trí tuệ của cả đất nước trong cuộc trường chinh vĩ đại của mình.

 

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tiễn của đời sống xã hội, do những tác động của mặt trái cơ chế thị trường nên ở nơi này, nơi khác, địa phương này, địa phương khác, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua yêu nước vẫn còn mang nặng tính hình thức. Nội dung, chỉ tiêu các phong trào thi đua yêu nước chưa bám sát thực tiễn của đời sống, còn chung chung; chưa hướng vào việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đời sống kinh tế - xã hội; chưa đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân. Đặc biệt, vẫn còn có cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, thiếu sự tập trung đầu tư trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua; lúng túng trong triển khai thực hiện; có tư tưởng thụ động, ỷ lại, trông chờ cấp trên. Việc tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm và tổ chức học tập gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt chưa thực sự hiệu quả, sức lan tỏa của những tấm gương tốt còn hạn chế...

 

66 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang ý nghĩa và giá trị thời sự sâu sắc. Học tập và làm theo tư tưởng của Người về thi đua yêu nước, từng tập thể, cá nhân, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; gắn với thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong điều kiện đất nước hiện còn gặp nhiều khó khăn, cần tập trung đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; tích cực lao động sản xuất; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, “Nói nhiều, làm ít”, “Nói hay, làm dở” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt các phong trào thi đua theo tư tưởng thi đua ái quốc chính là huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đưa đất nước tiến lên.

Nguyễn Thanh Hoàng

(Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ)

 

  • Từ khóa