Thứ 2, 06/05/2024, 12:42[GMT+7]

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tư tưởng

Thứ 3, 01/07/2014 | 22:57:10
6,227 lượt xem
Công tác tư tưởng là hoạt động đa dạng và quan trọng bậc nhất của Ðảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng, xác lập, phát triển hệ thống tư tưởng xã hội chủ nghĩa, hình thành niềm tin, định hướng giá trị đúng đắn, góp phần xây dựng thế giới quan khoa học cho con người, thúc đẩy con người hành động tích cực và sáng tạo để thực hiện thắng lợi lý tưởng và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng và là người đầu tiên nghiên cứu, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta, mở các lớp huấn luyện cán bộ, chuẩn bị cơ sở lý luận cho việc thành lập Ðảng Cộng sản Việt Namon>.

Theo Hồ Chí Minh “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm, trong và ngoài Ðảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”. Công tác tư tưởng tự bản thân nó đã hàm chứa những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đa chiều, liên quan đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân; liên quan đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không thể làm được việc”. Hồ Chí Minh luôn yêu cầu “Cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ngành, tư tưởng phải thông, phải thật thông. Phải có quyết tâm khắc phục khó khăn, làm tròn nhiệm vụ”. “Phải đánh thông tư tưởng và động viên sáng kiến và lực lượng của toàn Ðảng, toàn dân. Mọi người quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được”. Mỗi lần về thăm các nhà máy, công trường, hợp tác xã, Bác Hồ luôn nhắc nhở, động viên cán bộ, đảng viên, nhân viên: Muốn quản lý tốt thì cán bộ và công nhân phải thông suốt tư tưởng.

Trên cơ sở quy luật của công tác tư tưởng, Người đã trù liệu hệ quả khi đảng viên chưa thông suốt tư tưởng sẽ dẫn tới những biến dạng khôn lường “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không thống nhất, không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy, thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng”. Do đó mà Người luôn canh cánh kỳ vọng làm sao tư tưởng tiên tiến, tư tưởng XHCN phải trở thành chủ đạo, trường tồn cùng với Ðảng, với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người chỉ rõ “Tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt. Phải làm cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn thắng, tư tưởng cá nhân hoàn toàn thất bại”.

Trong công tác tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của công tác lý luận. Người cho rằng, cần phải phân biệt lý luận suông, vô ích với lý luận thiết thực, hữu ích. Lý luận thiết thực, hữu ích cần phải giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Người nhấn mạnh: Muốn làm được nhiệm vụ tiên phong, phải đạt tới trình độ lý luận tiên phong, “Ðảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Ðảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Ðảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Là trí khôn của Ðảng, là kho tàng kiến thức và quan điểm của Ðảng, công tác lý luận góp phần quan trọng vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Ðảng. Trong thời kỳ chuẩn bị giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng lý luận để phân tích mâu thuẫn của xã hội Việt Nam lúc đó, vạch ra mục tiêu chiến lược và con đường của cách mạng Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ðảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào chỉ đạo công cuộc kháng chiến và đã giành được thắng lợi vẻ vang.

Theo Hồ Chí Minh, tuyên truyền là một khâu quan trọng của công tác tư tưởng nhằm truyền bá các quan điểm, lý tưởng của Ðảng đến với quần chúng. Người cho rằng “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân làm theo. Nếu không đạt được mục đích đó thì tuyên truyền thất bại”. Trong tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc tìm hiểu đặc điểm người nghe (đối tượng tuyên truyền), Người nói: “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”; “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào..."; “Phải làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm. Vì thế tuyên truyền phải thiết thực...". Nói đến lực lượng làm công tác tuyên truyền, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả cán bộ, đảng viên, hễ những người tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Ðảng. Vì vậy, ai cũng phải học nói, nhất là học nói cho quần chúng hiểu”, người làm công tác tuyên truyền “Phải có lòng tự tin, tin vào mình, tin Ðảng, tin giai cấp, tin nhân dân mình”, thiếu nó thì khó có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Do mục đích, yêu cầu của công tác tuyên truyền, nhất là tính chính xác và sức lay động lan tỏa đối với dân chúng nên Người đòi hỏi cán bộ tuyên truyền “Phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được”. Người còn chỉ ra rằng: “Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được”. Do đó, theo Người: “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm. Chớ tưởng rằng: Ði phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ mà có kết quả. Ðến một địa phương nào cần phải đi thăm các cụ phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thăm các nhà đồng bào để gây cảm tình và để hiểu biết tình hình địa phương”. Người còn chỉ giáo “Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Ðó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội”. Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ tuyên truyền cần phải chủ động học tập nâng cao trình độ, kiến thức, nếu không sẽ lạc hậu, thoái bộ; cần luôn nắm vững chủ trương, nghị quyết của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, tập quán, sinh hoạt của nhân dân. Chú trọng “nâng cao trình độ lý luận, gắn liền công tác lý luận với thực tiễn cách mạng; phải đi sát thực tế, phải liên hệ mật thiết với quần chúng”. Người cũng dạy rằng: Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại. Khi tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, Người lưu ý: Phải nói thiết thực, rõ ràng để đồng bào dễ nghe, dễ hiểu và làm được tốt.

Với tình cảm chân thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, phê phán một số báo cáo viên thiếu chủ động, đầu tư trong việc chuẩn bị bài nói, thuyết trình “Nhiều người trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói hoặc lặp lại những cái người trước đã nói. Hoặc lặp đi lặp lại cái mình đã nói rồi”; hoặc “viết một cách cao xa, mầu mè, đến nỗi chẳng những quần chúng không hiểu, mà cả cán bộ cũng không hiểu”. Ðặc biệt, Người phê phán một số người sính dùng chữ, nhất là thích dùng chữ Hán “Tiếng ta có thì không dùng, mà cứ ham dùng chữ Hán. Dùng đúng, đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to”. Vì vậy, Người yêu cầu “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng. Tục ngữ có câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được. Vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn. Anh em đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi viết, khi nói, khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực. Người yêu cầu bản thân người làm công tác tuyên truyền, giáo dục cũng phải là một tấm gương sáng, bởi theo Người: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn". Do vậy, muốn hướng dẫn nhân dân thì tự mình phải mực thước để người ta bắt chước. Ðây là phương pháp tuyên truyền không thông qua nói, viết mà bằng việc làm, bằng hành động cụ thể, "nói đi đôi với làm".

Thấm nhuần tư tưởng của Người, 84 năm qua, trên suốt chặng đường dài cách mạng, trong kháng chiến và kiến quốc, Ðảng ta luôn khẳng định vai trò đặc biệt, tầm quan trọng của công tác tư tưởng trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng ở mọi thời kỳ. Những lời dạy bảo của Người mãi mãi là hành trang, là phương pháp luận quý báu để Ðảng ta, đội ngũ những người làm công tác tư tưởng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để vững tin hơn, trí tuệ hơn, sắc sảo hơn, nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày thêm văn minh, giàu đẹp.

(Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 7/2014)

(Nguồn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

  • Từ khóa