Thứ 5, 01/08/2024, 21:14[GMT+7]

Hiệp Hòa Khắc ghi lời Bác dạy

Thứ 2, 13/10/2014 | 07:47:29
1,231 lượt xem
Ngày 1/1/1967, Ðảng bộ và nhân dân Hiệp Hòa (Vũ Thư) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Những lời động viên, khích lệ cũng như những mong muốn của Bác với nhân dân Thái Bình nói chung, nhân dân Hiệp Hòa nói riêng là động lực thôi thúc mỗi người dân Hiệp Hòa ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Làng quê Hiệp Hòa (Vũ Thư) ngày càng đổi mới.

 

Trong những năm qua nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng thành công các mô hình VAC, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, Hiệp Hòa đã từng bước “thay da đổi thịt”.

 

Vinh dự được đón Bác về thăm

 

Là một trong số ít những người dân Hiệp Hòa được trực tiếp đón Bác về thăm, ông Ðặng Ðức Ảnh, thôn An Ðể, xã Hiệp Hòa bồi hồi nhớ lại: “Trước ngày Bác về thăm, chúng tôi được thông báo là có một đồng chí cán bộ cấp cao đến thăm. Người dân phấn khởi lắm, ai cũng lao động hăng say, dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm. Khoảng 9 giờ sáng ngày 1/1/1967, đoàn xe ô tô dừng lại trước cổng đình Phương Cáp, từ trên xe bước xuống là một ông cụ giản dị với nụ cười thân thiện vẫy tay chào bà con. Lúc đó tôi là thành viên đội du kích xã nên được đứng gần và trông thấy Bác rõ nhất. Hình ảnh Bác gần gũi, ngồi trò chuyện với bà con Thái Bình mãi in đậm trong tâm trí người dân Phương Cáp”. “Bác khen nhân dân Thái Bình sản xuất giỏi, chiến đấu cũng giỏi. Bác nói về những biện pháp thủy lợi, làm phân, nuôi cá, trồng cây.

 

Hiệp Hòa lúc đó có Hợp tác xã (HTX) Hạnh Phúc, 1 trong 33 HTX cao cấp đầu tiên của vùng tả ngạn sông Hồng và là HTX kiểu mẫu với phong trào cày đôi trâu, căng dây thẳng hàng, cải tiến giống lúa mới. Hỏi han tình hình sản xuất, Bác khen phong trào trồng cây của HTX, căn dặn cán bộ, nhân dân Hiệp Hòa xây dựng HTX để nâng cao đời sống nhân dân chứ không phải tổ chức để mà tổ chức; lấy Hiệp Hòa là điển hình để các địa phương trong tỉnh noi theo trong thực hiện các phong trào sản xuất, xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt. Trước khi ra về, Bác ghé qua trường mầm non, hỏi thăm tình hình dạy và học của nhà trường, phát kẹo cho các cháu thiếu nhi. Những giờ phút thiêng liêng, vinh dự được đón Bác về thăm sẽ không bao giờ phai trong ký ức của mỗi người dân Hiệp Hòa”- ông Ảnh nói.

 

Làm theo lời Bác

 

Ðến Hiệp Hòa ngày nay, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây mới, giao thông nông thôn cơ bản được cứng hóa. Ông Ðỗ Lương Thiện, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, những năm 1997 - 1998, tình hình chính trị của địa phương không ổn định, nhân dân mất niềm tin vào cán bộ, các phong trào sản xuất theo đó mà lụi dần, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế của địa phương. Phát huy truyền thống và thực hiện lời Bác dạy, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hiệp Hòa đã vượt mọi khó khăn, hăng say lao động, thi đua sản xuất. Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang các mục đích khác có giá trị kinh tế cao hơn nên đời sống của người dân Hiệp Hòa ngày càng được nâng cao.

 

Là xã thuần nông nằm ven sông Trà Lý, Hiệp Hòa có 23ha đất bãi ven sông cấy lúa kém hiệu quả. Xã đã khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi, đưa các cây màu: ngô, lạc, đỗ, khoai… vào canh tác. Hiệp Hòa từng là điểm sáng trong phong trào cày đôi trâu, chăn nuôi cũng là thế mạnh của địa phương. Trước đây, chưa áp dụng máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, Hiệp Hòa phát triển đàn trâu, bò nuôi lấy sức kéo. Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường, chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, người dân cũng nhanh nhậy chuyển sang nuôi bò thịt. Kỹ thuật nuôi không quá khó, giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định lại có thể tận dụng những vùng đất kém hiệu quả phát triển đàn bò. Ðể phát triển đàn bò, Hiệp Hòa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân vay vốn, thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang nuôi bò… Tổng đàn bò toàn xã hiện có khoảng 300 con, chủ yếu tập trung ở 11 trang trại, gia trại.

 

Không chỉ tận dụng nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp, một số diện tích đất bãi được trồng cỏ, phục vụ chăn nuôi. Ngoài ra, tổng đàn lợn trong toàn xã dao động khoảng gần 7.000 con, gia cầm trêm 17.000 con. Nhiều mô hình chăn nuôi kết hợp trên nuôi lợn, dưới ao thả cá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã có 69ha nuôi trồng thủy sản cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhờ phát huy tốt tinh thần tự chủ, nhất là trong phong trào làm đường giao thông, Hiệp Hòa đã huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của người dân. Xã được tỉnh phê duyệt hỗ trợ 3.800 tấn xi măng, đến nay đã tiếp nhận và sử dụng trên 2.600 tấn, phấn đấu hết năm 2014 hoàn thành cứng hóa 30,8km giao thông nông thôn. Trên tinh thần tự nguyện, đến nay, người dân Hiệp Hòa đã góp hàng nghìn ngày công lao động, hiến đất, đóng góp khoảng 6 tỷ đồng, con em xa quê cũng đã ủng hộ 2 tỷ đồng làm đường giao thông. 12 tiêu chí đã hoàn thành thể hiện sự nỗ lực của chính quyền, ý thức, trách nhiệm và sự ủng hộ tích cực của mỗi người dân. 7 tiêu chí còn lại Hiệp Hòa xây dựng lộ trình cụ thể, ưu tiên cho những tiêu chí dễ làm trước, đặt mục tiêu đến năm 2016 trở thành xã nông thôn mới.

 

Ông Ðỗ Lương Thiện, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền và nhân dân Hiệp Hòa luôn ý thức phấn đấu để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống người dân, thực hiện tốt những lời căn dặn của Bác.

Lưu Ngần

 

  • Từ khóa