Thứ 5, 01/08/2024, 09:13[GMT+7]

Ra sức phát triển công nghiệp để thực hiện Di chúc của Người

Thứ 2, 13/10/2014 | 07:56:12
1,289 lượt xem
Thực hiện Di chúc của Bác Hồ kính yêu, 45 năm qua, cùng với cả nước, Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình đã kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Ðảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã chung sức, đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng phát triển kinh tế ngày càng lớn mạnh. Chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Thái Bình đã đóng góp t

Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý phát triển ổn định, đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm.

 

Trong những năm kháng chiến cứu nước, Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình ra sức thi đua đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hậu phương, tăng cường lực lượng hậu bị, chi viện cho tiền tuyến chiến đấu. Ngay từ thời điểm đó, Thái Bình vừa là hậu phương vững chắc vừa đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Với tinh thần khắc phục khó khăn và hưởng ứng các phong trào thi đua “năng suất, chất lượng, tiết kiệm’’, “phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật’’ và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thái Bình đã ra sức xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công nghiệp địa phương, nhất là ngành cơ khí, đưa giá trị sản xuất công nghiệp đạt ngày càng cao: năm 1970 đạt 104 triệu đồng.

 

Không chỉ vậy, Thái Bình đã từng bước chuyển từ sản xuất thô sơ sang áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại trong sản xuất công nghiệp. Khi đất nước thống nhất, cả nước hàn gắn vết thương chiến tranh, tỉnh ta bắt đầu đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã thủ công với quy mô lớn, khôi phục các làng nghề truyền thống như dệt, thêu, đúc, rèn, chạm bạc... Chủ động tổ chức lại sản xuất, xóa bỏ sự phân tán, mất cân đối giữa các ngành. Do đó, nhiều xí nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định và xác định hướng đi đúng đắn cho mình.

 

Những lời căn dặn của Bác đã trở thành mục tiêu, hành động, là kim chỉ nam trong suốt chặng đường thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Ðặc biệt từ khi Nghị quyết Ðại hội VI của Ðảng ra đời đã tạo bước ngoặt toàn diện đối với hoạt động công thương của tỉnh ta. Tập trung xây dựng và thực hiện chiến lược khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, hợp tác liên doanh trong và ngoài nước, tiếp thu khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ tạo sức bật mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ðồng thời phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn và hướng vào khai thác tiềm năng về nguyên liệu, nhiên liệu và lao động ở địa phương. Do đó, giá trị sản xuất công nghiệp từ năm 1992 đến năm 1995 liên tục tăng trưởng, đạt trên 20%/năm.

Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm (Kiến Xương) tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay.

 

Trong những năm cuối thế kỷ XX, tỉnh ta xác định rõ tầm quan trọng của phát triển công nghiệp đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó văn kiện Ðại hội XV Ðảng bộ tỉnh nhấn mạnh: “Phát triển công nghiệp là bước chuyển biến chiến lược của Ðảng bộ và nhân dân trong tỉnh, là nhiệm vụ trung tâm thường xuyên và có tầm quan trọng hàng đầu, nhằm góp phần quyết định vào chống tụt hậu về kinh tế so với các tỉnh bạn’’. Từ định hướng đó, tỉnh tập trung phát triển một số nhóm ngành công nghiệp chủ lực như: chế biến nông hải sản; dệt, da, may mặc; công nghệ sử dụng khí mỏ và sản xuất vật liệu xây dựng. Ðáng chú ý là công nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh đều có tỷ lệ tăng trưởng khá. Một số sản phẩm có chất lượng, tiêu thụ tốt như: gạch ốp lát, hàng may mặc, nước khoáng Vital, thủy tinh cao cấp, linh kiện xe máy... đã trở thành thương hiệu của tỉnh. Ðặc biệt trong giai đoạn này, tỉnh ta đã hình thành Khu công nghiệp Tiền Hải và Khu công nghiệp tập trung Thị xã, các doanh nghiệp lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại bước đầu tạo thế và lực mới cho ngành công nghiệp vững bước tiến vào thế kỷ XXI.

 

Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp đã từng bước góp phần hiện thực hóa mong muốn xây dựng đất nước giàu mạnh của Bác Hồ. Tới nay tỉnh ta đã quy hoạch chi tiết 6 khu công nghiệp, 31 cụm công nghiệp và có 242 làng nghề tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Ðặc biệt, Thái Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nên từ năm 2001 đến nay đã có 731 dự án đầu tư vào địa bàn, trong đó có hơn 500 dự án sản xuất công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 92.000 tỷ đồng. Ðặc biệt có nhiều dự án mang tính đột phá, nguồn vốn lớn như Trung tâm Ðiện lực Thái Bình, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, Dự án sản xuất Amoniac, Dự án Hệ thống thu gom khí, phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình lô 102 - 106. Ðây đều là những dự án trọng điểm của quốc gia, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự phát triển này đã đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 đạt 30.500 tỷ đồng, chiếm 34,76% cơ cấu nền kinh tế.

 

Những kết quả trên đã góp phần đưa đời sống của người dân ngày càng nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực. Ðó là minh chứng cho những nỗ lực xây dựng, phát triển quê hương của Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình trong gần nửa thế kỷ qua và cũng là thể hiện sự biết ơn sâu sắc với công lao của Bác và làm theo lời Bác dạy “Thái Bình phải trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt’’.

   Thu Thủy

 

  • Từ khóa