Thứ 5, 01/08/2024, 03:31[GMT+7]

Ðoàn kết tốt thì mọi việc sẽ thành

Thứ 2, 10/11/2014 | 08:45:58
1,074 lượt xem
Tháng 3/1960, huyện Tiền Hải huy động sức người, sức của tiến hành quai đê lấn biển. Cuối năm ấy việc quai đê lấn biển của huyện đã cơ bản hoàn thành. Vùng đất Nam Cường có từ ngày ấy với hơn 200 cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Với phong trào “Ðẩy sóng lùi xa, kéo chân trời gần lại” và khắc ghi lời Bác dặn, từ mảnh đất phèn chua nước mặn năm nào, Nam Cường hôm nay đã vươn mình trở thành vùng đất phát triển đầy tiềm năng.

Nam Cường (Tiền Hải) hôm nay. Ảnh: Thành Tâm

Ngày Bác về thăm

 

Trong những ngày tháng gian khó của thời kỳ lập đất, ngày 26/3/1962 Nam Cường đã vinh dự được đón Bác về thăm. Người đã dành thời gian thăm các cụ già, chia quà cho cháu nhỏ, ân cần hỏi chuyện nhân dân. Ðã bao năm trôi qua nhưng người dân Nam Cường vẫn như còn được nghe giọng nói của Bác thân thương, ấm áp: Ðược biết đồng bào Nam Cường có nhiều thành tích trong khai hoang lấn biển. Bác cùng các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương thay mặt Ðảng, Chính phủ về thăm đồng bào. Bác khen ngợi đồng bào đã có tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm lấn biển, quai đê, mở rộng diện tích canh tác, làm giàu cho mảnh đất quê hương. Bác căn dặn: “Mọi việc khi mới bắt đầu làm đều khó, phải có quyết tâm thật lớn, vượt mọi khó khăn thì mới đạt được những điều mong muốn. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, các cháu đoàn viên thanh niên phải gương mẫu đi đầu trong mọi việc khó, xã viên phải đoàn kết tốt với cán bộ thì mọi việc sẽ thành”; “Ðồng bào đi khai hoang gian khổ không kém gì các chiến sĩ ngoài mặt trận. Lúc đầu có gian khổ, mọi người phải đoàn kết giống như dây chão se bằng nhiều sợi nhỏ, dây lớn không thể đứt ra được”. Lời Bác dặn năm xưa đã trở thành nguồn sức mạnh động viên nhân dân Nam Cường phấn đấu xây dựng quê hương.

Gian khổ gắng vượt lên

 

Khắc ghi lời Bác dặn, những năm qua, Ðảng bộ, nhân dân Nam Cường đã đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, khai thác tối đa mọi nguồn lực và đã giành được những kết quả khá tốt trên nhiều mặt. Những ngày đầu với muôn vàn khó khăn thử thách, thiếu thốn đủ bề, hơn 200 con người nơi đây đã “đánh vật” với lau lách để có được hơn 200ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm 1960 đến trước năm 1974, người dân địa phương sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cấy lúa. Ðất mặn, đồng chua, cây lúa phát triển kém, năng suất lúa của Nam Cường chỉ đạt 50 - 60 kg/sào. Trồng lúa kém hiệu quả, năm 1974 nông dân Nam Cường chuyển toàn bộ diện tích cấy lúa sang trồng cây cói xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, từ năm 1989 thị trường Ðông Âu (thị trường xuất khẩu cói chủ yếu) đóng cửa, một lần nữa khó khăn, thử thách lại đặt lên vai cán bộ, đảng viên và nhân dân Nam Cường. Quay lại với nghề cấy lúa, dù địa phương và nhân dân đã có nhiều nỗ lực trong cải tạo đất song với đồng đất chua mặn các giống lúa khi ấy chủ yếu là giống lúa dài ngày, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt nên năng suất lúa chỉ đạt khoảng 1,4 tạ/sào.

 

                                  

Không nản chí, không ngại khổ, từ năm 2001, nông dân Nam Cường mạnh dạn chuyển đổi hơn 50% diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 106ha. Trong đó, diện tích thả tôm 31,5ha, cá vược 8,5ha, cá trắm lai và cá truyền thống 20ha, ngao giống 46ha. Ðây thực sự có thể coi là một bước ngoặt, một cuộc cách mạng lớn trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của xã. Vùng nuôi trồng thủy sản được địa phương quy hoạch với trên 800 ao nuôi của 460 hộ dân. Giá trị kinh tế mang lại từ nuôi trồng thủy sản cao gấp 5 - 7 lần so với cấy lúa.

 

Cùng với nuôi trồng thủy sản, nông dân địa phương còn tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện toàn xã có 2 trang trại lợn, bình quân mỗi lứa nuôi 4.000 - 5.000 đầu lợn; 1 trang trại gà bình quân khoảng 20.000 con; 52 gia trại và một số hộ phát triển chăn nuôi kết hợp với nuôi trồng thủy sản tổng hợp, dê, bò phát triển khá. Với gần 74ha cấy lúa, địa phương cơ cấu giống lúa ngắn ngày cho năng suất trên 90 tạ/ha/năm. Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần nâng mức thu nhập cho người dân địa phương, hiện đạt 24 triệu đồng/người/năm.

 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Nam Cường đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Ðể hoàn thành tiêu chí khó khăn nhất là giao thông và thủy lợi nội đồng, nhân dân Nam Cường đã đóng góp trên 5.000 ngày công, tự làm trên 10.000m rãnh thoát nước trị giá hàng tỷ đồng. Hết năm 2013, trên 12,8km đường giao thông thôn xóm, trong xã được bê tông hóa; xây mới được 2,75km kênh mương. Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 7,4% thì năm 2013 đã giảm còn 2,9%. Với nỗ lực của Ðảng bộ và nhân dân, hết năm 2013 Nam Cường  hoàn thành 19/19 tiêu chí, là một trong những xã đầu tiên trong huyện về đích xây dựng nông thôn mới.

 

Nam Cường hôm nay đã thực sự “thay da đổi thịt”, vươn lên trong diện mạo mới. Mảnh đất của những đồng cói nước ngập mênh mông năm xưa nay đã phát triển với đầy tiềm năng. Những lời dạy của Bác năm xưa đã tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để Nam Cường vượt khó vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh.

Mai Thư

 

 

  • Từ khóa