Thứ 6, 10/05/2024, 06:42[GMT+7]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Thứ 2, 01/12/2014 | 10:19:57
3,116 lượt xem
(Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 12/2014)  

Ðơn vị nữ dân quân trực chiến xã Ðông Lâm huyện Tiền Hải - đơn vị bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ năm 1967. Ảnh: Tư liệu

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc, khoa học về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn to lớn, đã và đang soi đường cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.  

 

Một trong những vấn đề quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng nền quốc phòng gồm các nội dung cơ bản: Dựng nước và giữ nước, quốc phòng toàn dân, toàn diện, hiện đại, độc lập, tự chủ, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

 

Truyền thống: “Dựng nước đi đôi với giữ nước” là quy luật tồn tại và phát triển, là kế sách giữ nước bền lâu, xuyên suốt trong mọi thời đại. Bôn ba khắp năm châu bốn bể để tìm đường cứu nước, nhưng truyền thống yêu nước vẫn thấm sâu trong Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh và Ðảng ta đã kế thừa truyền thống dân tộc, giải quyết tài tình mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với thực tiễn của từng thời kỳ cách mạng. Ðó là chủ trương “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” trong kháng chiến chống thực dân Pháp; đường lối thực hiện thắng lợi đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ; là phương châm chỉ đạo: “Giữ nước từ lúc nước chưa nguy”.

 

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới hiện nay, Ðảng đề ra quan điểm: Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nắm chắc nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; trong xây dựng có bảo vệ, xây dựng vững chắc là phương thức bảo vệ tích cực, chủ động. Quốc phòng là công cuộc giữ nước của quốc gia nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh. Các quốc gia trên thế giới có phương thức giữ nước khác nhau như: Chủ yếu dựa vào sức mạnh của quân đội với vũ khí trang bị hiện đại, hoặc dựa vào địa hình hiểm trở, dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài...

 

Với dân tộc Việt Namon>, cách thức tối ưu là dựa vào dân, bởi “Nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Truyền thống đó trở thành tư tưởng lớn, nhất quán trong sự nghiệp vì dân, vì nước của Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Còn dân là còn nước, có dân là có tất cả”; và “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Nhân dân là lực lượng, là động lực của cách mạng, đồng thời mục tiêu của cách mạng là hướng tới sự ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng “dân là gốc” lên một tầm cao mới: Xây dựng nền quốc phòng của dân, do dân, vì dân; xác định rõ bản chất, mục đích, phương thức xây dựng và hoạt động của nền quốc phòng. Mục đích xây dựng nền quốc phòng toàn dân nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, bảo vệ chế độ và bảo vệ nhân dân, làm cho “… dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

 

Theo Hồ Chí Minh, để xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh, đó là phải dựa vào dân “nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Khi chưa xảy ra chiến tranh thì toàn dân hăng hái lao động sản xuất, mọi công dân đều có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khi xảy ra chiến tranh thì thực hiện chiến tranh nhân dân: “Cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, tạo ra những “Bức thành đồng” bảo vệ Tổ quốc. Ðó là sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, là bí quyết chiến thắng của nhân dân ta.

 

Người luôn nhất quán quan điểm độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”, vì vậy phải động viên, khích lệ toàn quân, toàn dân theo tinh thần “Ðem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Chỉ có tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, chúng ta mới tranh thủ và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế. Cũng chỉ có độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, chúng ta mới xây dựng được một nền quốc phòng toàn dân, không bị lệ thuộc vào nước ngoài.

 

Trong tiến trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Người đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trong đó việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân là cốt yếu, là lực lượng chủ đạo quyết định thắng lợi của cách mạng. Trong xây dựng lực lượng vũ trang phải tập trung xây dựng ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích làm nòng cốt. Kết hợp xây dựng lực lượng quân sự đi đôi với xây dựng lực lượng chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận và địch vận. Ðây là những hình thức tổ chức thích hợp nhất để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao giờ cũng đi đôi với xây dựng nền quốc phòng toàn diện, bao gồm sức mạnh về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao, trong đó sức mạnh về quân sự đóng vai trò quyết định.

 

Trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú trọng hướng tới xây dựng một nền quốc phòng hiện đại. Người xác định,  khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển, các thế lực thù địch đã chế tạo và sản xuất nhiều loại vũ khí hiện đại, tối tân phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam; bởi vậy, “nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”, mục tiêu của công nghiệp hóa là nhằm “phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng”. Xây dựng nền quốc phòng hiện đại là xây dựng quân đội ta thành một đội quân chính quy, tinh nhuệ, có đủ các binh chủng hợp thành, có “quả đấm chủ lực mạnh”… Vì nền quốc phòng vững mạnh không thể thiếu một quân đội thường trực mạnh làm nòng cốt. Cùng với xây dựng nền quốc phòng hiện đại, Hồ Chí Minh chủ trương phải gắn quốc phòng với an ninh. Hai lực lượng này tuy có chức năng khác nhau nhưng cùng có chung một đối tượng là kẻ thù của dân tộc và giai cấp. Vì vậy, bất cứ nhiệm vụ nào của quốc phòng và an ninh đều có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai lĩnh vực nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng của Ðảng, của dân tộc.

 

Trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Hồ Chí Minh chú trọng đến nghệ thuật quân sự. Người đã học tập, vận dụng nghệ thuật quân sự của cha ông như “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy chất lượng cao thắng số lượng đông” và phát triển lên một tầm cao mới. Nghệ thuật ấy là sự tạo lực, lập thế, tranh thời, biết đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế, biết tập trung ưu thế và thời cơ quyết định để luôn luôn đánh địch trên thế mạnh. Với tinh thần trên, Người dạy: “Dĩ nhu xử cương”, “lấy mềm thắng cứng”. Trong nắm bắt thế trận chiến lược toàn cục, Người coi “nhân hòa, địa lợi, thiên thời” là những nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh, trong đó nhân hòa là quan trọng bậc nhất.

Ngày nay, đất nước ta tiến hành sự nghiệp đổi mới trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, những thuận lợi và nguy cơ, thách thức đan xen. 

 

Thấm nhuần và vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ vững thế trận lòng dân, Ðảng và Nhà nước ta đang từng bước đẩy mạnh xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại nhằm ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng; giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và CNXH.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

 

  • Từ khóa