Thứ 7, 17/05/2025, 10:45[GMT+7]

Theo dấu chân Bác

Thứ 6, 13/02/2015 | 10:00:42
2,137 lượt xem
Trong những ngày cuối năm 2014, niềm vui của người dân ở nhiều địa phương như được nhân đôi bởi không khí của mùa xuân mới đang về và được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Đặc biệt, người dân của những mảnh đất từng in dấu chân Bác về thăm như Hồng An (Hưng Hà), Nam Cường (Tiền Hải)… đã ra sức học tập và làm theo lời Bác, nâng cao chất lượng cuộc sống, đổi mới diện mạo nông thôn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một xóm mới thành lập do lấn biển khai hoang của bà con nông dân Hợp tác xã Nam Cường, ngày 26/3/1962. Ảnh tư liệu.

 

Nghị quyết “một cây, một con”

 

Trong tiết trời se lạnh, nắng vàng trải dài trên những con đường bê tông vừa mới hoàn thành, trên các mái nhà cao tầng san sát nhau là cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, Đảng bộ và nhân dân Hồng An đang trong thời khắc vui mừng, phấn khởi được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới (NTM). Thành quả ngày hôm nay không chỉ ghi nhận sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mà còn khẳng định một điều thiêng liêng về thực hiện lời căn dặn của Bác khi về thăm mảnh đất Hồng An. Người dân nơi đây đã từng phải gánh chịu những hậu quả to lớn từ việc vỡ đê Đìa năm 1945 và dịch tả hoành hành làm cho hàng trăm người chết, thóc lúa, hoa màu, trâu bò, nhà cửa bị nước cuốn trôi. Ngày 10/1/1946, mặc dù công việc bộn bề, Bác đã về thị sát nơi đê Đìa vỡ, động viên nhân dân hăng hái lao động, nhanh chóng hàn khẩu đê. Ngày 28/4/1946, Hồng An vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ hai. Bác khen ngợi và biểu dương thành tích đắp đê, khôi phục sản xuất của nhân dân Thái Bình nói chung và nhân dân Hồng An nói riêng. Bác căn dặn hàng năm phải tu sửa đê điều; trước mắt phải trồng thêm lúa, cây màu… Nhớ lời căn dặn của Bác, Hồng An từ mảnh đất hoang tàn do vỡ đê nay đã vươn lên là một trong những xã dẫn đầu các phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng NTM ở Hưng Hà. Là xã đầu tiên trong huyện xây dựng thành công cánh đồng 50 triệu đồng/ha (năm 2006), đồng thời là một trong những xã có diện tích cây màu, cây vụ đông, trang trại, gia trại, du nhập nghề, xây dựng NTM mạnh nhất huyện. Đến nay, Hồng An đã xây dựng được 4 vùng sản xuất tập trung, diện tích vùng nhỏ nhất trên 30ha, lớn nhất là 140ha với công thức luân canh 3 - 5 vụ/năm, gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cà chua nhót, dưa bao tử xuất khẩu, nhãn muộn... Thu nhập bình quân trên tổng diện tích đất canh tác đạt 129 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như vùng trồng chuối ngoài vùng đất bãi ven sông Hồng với diện tích 140ha, giá trị thu nhập bình quân đạt 350 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi phát triển khá mạnh theo mô hình trang trại, gia trại, toàn xã hiện có 170 trang trại, gia trại. Đối tượng nuôi chủ lực là lợn và bò, góp phần đưa tổng thu nhập từ chăn nuôi đạt trên 119 tỷ đồng/năm. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển khá toàn diện. Toàn xã duy trì ổn định 1.250 máy may khăn, 125 khung dệt khăn; số hộ có nghề và buôn bán chiếm trên 91% tổng số hộ, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.500 lao động. Với sự phát triển đa dạng các ngành nghề, năm 2014 thu nhập bình quân đầu người ở Hồng An đạt 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,64%. Để đạt được kết quả trên, phải khẳng định nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp theo hướng “một cây, một con” mà Ban Chấp hành Đảng bộ xã ban hành năm 2010 là đúng, trúng, hiệu quả.

 

Gian khổ cố vượt lên

 

Trên trục đường dẫn vào trung tâm xã Nam Cường, ai cũng nhìn thấy tấm biển lớn in hình Bác Hồ và lời huấn thị: “Đồng bào Nam Cường gian khổ cố vượt lên” của Người khi về thăm ngày 26/3/1962. Đây không chỉ là tình cảm thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Cường dành cho Bác mà còn là lời nhắc nhở các thế hệ, mọi người dân nơi đây luôn phải nỗ lực vươn lên để xây dựng mảnh đất chua, mặn phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Mặc dù đồng ruộng nhiễm chua, mặn không thuận lợi cho sản xuất lúa, cây màu nhưng người dân Nam Cường luôn gieo cấy hết diện tích (73,5ha). Năm 2014, năng suất lúa bình quân đạt 110,8 tạ/ha. Tận dụng lợi thế là xã ven biển, Nam Cường phát triển khá mạnh lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với diện tích 130ha mặt nước lợ, có 400 hộ tham gia nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá vược, ngao giống và một số đối tượng khác. Phát triển kinh tế trang trại, gia trại được chú trọng, toàn xã có 4 trang trại quy mô lớn, 56 gia trại và nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cho hiệu quả kinh tế cao. Tiểu thủ công nghiệp duy trì ổn định, thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng góp phần không nhỏ giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân địa phương. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất của Nam Cường đạt 84,8 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch, tăng 12% so với năm 2013; thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng. Thực hiện lời huấn thị của Bác, Namon> Cường không chỉ biến vùng đất hoang hóa xưa kia trở thành “tấc đất, tấc vàng” mà còn gương mẫu sớm về đích xây dựng NTM  (năm 2013) mặc dù không phải là xã điểm của tỉnh.

 

 

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh khảo sát quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển.

 

Những ngày giữa đông, không khí lạnh tiếp tục tăng cường nhưng không vì thế mà làm chùn bước chân những người nông dân ra đồng thu hoạch cây vụ đông, làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân; trong các nhà máy, làng nghề, các công nhân, hộ gia đình vẫn rộn ràng sản xuất. Trời đất đang chuyển mình sang xuân, lòng người ngập tràn sắc xuân bởi toàn tỉnh nói chung và những địa phương từng in dấu chân Bác nói riêng đã giành thắng lợi khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực...

 

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày