Thứ 3, 23/07/2024, 18:39[GMT+7]

Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015) Thái Bình làm theo lời Bác

Thứ 4, 13/05/2015 | 08:14:08
5,372 lượt xem
Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến Thái Bình, đã 5 lần Bác về thăm và dành nhiều tình cảm đặc biệt cho Thái Bình. Trong suốt chặng đường cách mạng và những năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn khắc ghi lời Bác dạy, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương trở thành “tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một xóm của bà con nông dân Hợp tác xã Nam Cường, mới thành lập do lấn biển khai hoang ngày 26/3/1962. Ảnh tư liệu

Ngày 10/1/1946, Bác về thăm Thái Bình lần đầu tiên. Bác căn dặn cán bộ chính quyền, mặt trận phải cùng nhân dân quyết tâm đắp đê, phát triển sản xuất nông nghiệp, phải lo giải quyết nạn đói cho nhân dân. Làm theo lời Bác, chỉ trong vòng 3 tháng, nhân dân đã đắp xong 2 quãng đê vỡ là đê Đìa (Hưng Nhân) và đê Mỹ Lộc (Thư Trì), tu sửa nhiều quãng đê xung yếu khác. Bà con còn hăng hái tham gia sản xuất, lúa màu tươi tốt, thu hoạch tăng hơn mọi năm. Chính quyền cách mạng đã thực hiện cải cách dân chủ, chia ruộng công điền công bằng, hợp lý cho cả nam và nữ… để cải thiện đời sống nhân dân. Nhờ đó, nhân dân Thái Bình đã vượt qua được nạn đói trong những ngày đầu khi chính quyền cách mạng còn trong trứng nước.

Sau khi hoàn thành đắp đê, ngày 28/4/1946, nhân dân Thái Bình lại vinh dự đón Hồ Chủ tịch về thăm. Cả tỉnh rộn ràng, từ nông thôn đến thành thị hàng vạn người mang theo cờ, khẩu hiệu về thị xã Thái Bình đón Bác. Bác khen ngợi thành tích đắp đê của nhân dân Thái Bình. Người kêu gọi toàn dân tăng gia sản xuất, không để một tấc đất bỏ hoang. Người dạy dân chống giặc lụt, giặc đói thiết thực như chống giặc ngoại xâm. Vâng lời Bác dạy, Đảng bộ Thái Bình đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đắp đê Thanh Nga (Hưng Nhân) theo quy mô lớn với hàng triệu mét khối, chạy từ làng Nga qua Xuân La xuống Tân Mỹ, bảo vệ tuyến sông Hồng. Đê Tứ Xã (Quỳnh Côi), đê Lộng Khê (Phụ Dực) cũng được đắp to, vững chắc hơn trước. Cùng với đắp đê, tăng gia sản xuất, nhân dân Thái Bình nô nức tham gia bình dân học vụ. Ngày 20/3/1949, Thái Bình được công nhận là 1 trong 2 tỉnh thanh toán nạn mù chữ đầu tiên trong toàn quốc, vinh dự được nhận sổ vàng khen thưởng của Bác.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, chống giặc đói, giặc dốt, Thái Bình còn tích cực chuẩn bị các điều kiện cho kháng chiến. Tháng 2/1950, thực dân Pháp đánh chiếm Thái Bình, chúng đã đóng quân tới 200 vị trí, mở hàng nghìn cuộc càn quét. Giữ vững và phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, nghe theo lời dạy của Bác Hồ: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân Thái Bình đã chiến đấu với địch 6.397 trận, tiêu diệt 16.806 tên, làm bị thương 8.811 tên… Thái Bình vinh dự được Hồ Chủ tịch tặng lá cờ thêu 8 chữ vàng: “Quân dân một lòng tiêu diệt  quân địch”; làng Nguyên Xá được Bác tặng lá cờ có 5 chữ: '”Nguyên Xá làng kiểu mẫu”; nữ du kích Nguyễn Thị Chiên (Tán Thuật, Kiến Xương) chiến đấu giỏi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Bác tặng khẩu súng ngắn…

Hòa bình lập lại, nhân dân Thái Bình theo lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch bước vào công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Hơn một triệu người Thái Bình trước đây thường xuyên đói rách nay đã tạm đủ ăn, đủ mặc, có điều kiện học hành. Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất, Thái Bình còn tiến hành giảm tô và cải cách ruộng đất, đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ. Ngày 26/10/1958, Thái Bình vinh dự đón Bác Hồ về thăm lần thứ ba. Bác khuyên nông dân làm ruộng có năng suất lúa và hoa màu cao, chung sức chung lòng đi theo con đường làm ăn tập thể để ngày một ấm no, nông thôn thêm giàu mạnh. Những lời Bác dạy đã biến thành sức mạnh trong nhà máy, trên đồng ruộng, trên các công trường, thôi thúc mỗi người vươn lên đạt những đỉnh cao trong công tác...

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu đã làm cho đồng ruộng Thái Bình thêm tươi đẹp, xóm làng thêm ấm no. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Đảng bộ Thái Bình phát động phong trào thi đua với Đại Phong, quyết tâm giành thắng lợi trong sản xuất. Phong trào đang lúc gặp khó khăn thì Thái Bình vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ tư (26/3/1962). Bác khen Thái Bình có nhiều thành tích về mọi mặt song Bác cũng nêu những hạn chế như: có nhiều sáng kiến hay nhưng chưa biết phổ biến, lúa và cây công nghiệp không đạt kế hoạch…

Thực hiện lời huấn thị của Bác, Đảng bộ Thái Bình đã lãnh đạo nhân dân đưa HTX lên quy mô lớn, giáo dục ý thức làm chủ cho xã viên, xác định phương hướng sản xuất HTX và đẩy mạnh phong trào cải tiến kỹ thuật. Nhờ nhiệt tình cách mạng, niềm tin vào đường lối đúng đắn của Đảng, của Bác Hồ, nhờ có sức mạnh sản xuất và các mặt công tác khác, diện mạo nông thôn Thái Bình có nhiều khởi sắc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhân dân Thái Bình với tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc đã quyết tâm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời rút ngắn thời gian phấn đấu đạt năng suất 5 tấn thóc/ha, góp phần tích cực nhất vào nhiệm vụ đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã trở thành hiện thực, năm 1966 tỉnh đã đạt năng suất 5 tấn thóc/ha. Mừng thắng lợi mới của nhân dân Thái Bình ngày 1/1/1967, mặc dù trong hoàn cảnh thời chiến, Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm. Bác khen: “…Các HTX ở Thái Bình nói chung đều tiến bộ, thu hoạch khá nhưng chưa phải HTX nào cũng đều tốt cả cho nên các HTX khá rồi thì phải cố gắng vươn lên nữa, các HTX kém thì phải cố gắng tiến lên thành HTX khá”. Bác căn dặn các HTX đều phải “đoàn kết chặt chẽ giữa xã viên với nhau, đoàn kết giữa ban quản trị và xã viên, thực hành dân chủ, nghĩa là công việc đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn đoàn kết, không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, vững bước đi lên, giành  được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2014, tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 38.341 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2013. Đến nay, toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Chặng đường cách mạng phía trước còn nhiều gian lao, nhiệm vụ xây dựng Thái Bình trở thành “tỉnh gương mẫu về mọi mặt” còn rất nặng nề. Song, với đường lối đúng đắn của Đảng, với niềm tin vào những thành tích to lớn mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã đạt được, chúng ta nhất định thực hiện kỳ được lời dạy của Bác, xây dựng Thái Bình trở thành “tỉnh gương mẫu về mọi mặt” để thỏa lòng mong ước của Người.

Trương Thị Tuyết Lan
(Trường Chính trị tỉnh)

 

  • Từ khóa