Thứ 3, 06/08/2024, 13:22[GMT+7]

Mỗi lần gặp Bác một lần trưởng thành

Thứ 3, 19/05/2015 | 07:54:09
1,726 lượt xem
Ai đã từng được gặp Bác Hồ, dù chỉ một lần cũng đều coi đó là may mắn và vinh dự lớn nhất trong đời. Thái Bình tự hào được 5 lần đón Bác về thăm, nhiều người gặp Bác nay tuổi đã cao nhưng vẫn nhớ như in về kỷ niệm đặc biệt trong đời, nhất là những lời dạy bảo của Bác. Dưới đây là một số nhân chứng đã vinh dự được gặp Bác Hồ và kể lại kỷ niệm về những lần được gặp Người.

Bà Lê Thị Định và Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1967 khi Người về mừng công Thái Bình là tỉnh đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha. Ảnh tư liệu

Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi đến tổ 9, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình thăm cụ Lê Thị Định - cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Năm nay cụ Định 92 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng. Điều vinh dự nhất đối với cụ là đã 5 lần được gặp Bác Hồ, được Bác gọi là con gái Bác. Hơn nửa thế kỷ đã qua đi song hình ảnh gần gũi, giản dị, những lời dạy bảo ân cần của Bác vẫn in đậm trong ký ức của cụ cho đến hôm nay.

Lần đầu tiên cô Lê Thị Định được gặp Bác Hồ là vào năm 1946, khi đó Bác rời Hưng Yên sang thăm Thái Bình. Người làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại Ủy ban hành chính tỉnh. Lúc đó, cô Định mới 23 tuổi, là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh cùng Bác Hồ về thăm đê Hưng Nhân. Cô Định vẫn nhớ như in hình ảnh đầu tiên về Bác là sự giản dị, nét mặt hiền hậu, dáng người cao, thanh thoát và di chuyển rất nhanh nhẹn. Cô vinh dự được ăn cơm cùng Bác, bữa cơm đơn giản nhưng vui. Người căn dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết các thân hào, nhân sĩ, trước hết phải lo giải quyết nạn đói cho nhân dân và nhanh chóng khắc phục đoạn đê mới bị vỡ.

Lần thứ hai cùng năm đó, Bác về thăm khi biết nhân dân Thái Bình chỉ trong ba tháng đã khôi phục được hai quãng đê bị vỡ. Đoàn đại biểu tỉnh đón Bác vẫn chỉ có cô là nữ. Nhìn sang cô Định, Bác hỏi: Thế cô phụ trách lĩnh vực gì? - Thưa Bác, cháu làm công tác phụ vận (vận động phụ nữ tham gia làm cách mạng) ạ. Nhưng thưa Bác, phụ nữ vất vả lắm, lại còn bị chồng đánh. Bác bảo: Ở nước ngoài họ không đánh vợ đâu, đánh vợ là dã man. Đến đây cô Định có ý kiến gì không? - Thưa Bác, đánh vợ là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến phong trào cách mạng của ta, xin phép đề nghị Bác giao cho tổ chức đảng chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi phụ nữ, để nam giới không được đánh vợ. Lúc đó, mắt Bác chớp chớp vì cảm động, Bác thương phụ nữ quá, rồi tất cả vỗ tay chuyển sang chuyện khác.

Lần thứ ba, Bác về Thái Bình ngày 26/10/1958. Tại trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh, Bác nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh báo cáo những công việc tỉnh đã làm được trong năm 1958. Đoàn lãnh đạo tỉnh gồm 3 đồng chí, trong đó có cô. Rời trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh, Bác đến thăm các chuyên gia Trung Quốc tại công trường nhà máy xay. Sau đó, Người tới dự đại hội sản xuất đông xuân. Tại sân vận động thị xã Thái Bình, Bác Hồ đã có buổi nói chuyện với 4 vạn đại biểu nhân dân Thái Bình. Bác bảo tính cho Bác xem một năm tỉnh ta trồng được bao nhiêu cây, nuôi bao nhiêu con. Rồi Bác hỏi, ngồi đây có chú nào đánh vợ không? Cuối cùng, Bác kết luận: Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, người đông, đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc.

Lần thứ tư, ngày 26/3/1962, được biết Thái Bình có phong trào lấn biển khai hoang và toàn tỉnh đạt thành tích cao trong sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và động viên phong trào. Từ máy bay trực thăng bước xuống, Bác gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các tầng lớp nhân dân ra đón. Đến thăm Hợp tác xã Nam Cường (Tiền Hải), điển hình trong công tác lấn biển, mở rộng diện tích đất canh tác, Người khen ngợi thành tích khai phá đất hoang và tặng Huy hiệu cho 4 cán bộ, xã viên có thành tích xuất sắc.

Lần cuối cùng, cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất đối với cô vì lúc này Bác Hồ đã yếu đi nhiều. Ngày 31/12/1966, Bác về thăm Thái Bình và nghỉ lại một đêm trong căn nhà lá đơn sơ ở thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư. Sáng ngày 1/1/1967, Người có buổi nói chuyện với đại biểu nhân dân trong tỉnh tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa mừng công Thái Bình đạt 5 tấn thóc/ha, dẫn đầu năng suất lúa toàn miền Bắc.

“Hôm đó, mọi người đi bộ từ 5 giờ sáng để đến chỗ họp. Tất cả không hề biết rằng mình sẽ được gặp Bác Hồ. Khi Bác tới, ai nấy đều vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc. Khi Bác bước qua bệ cửa để vào trong nhà làm việc, đôi chân Bác đã phải cố. Tôi nhận thấy Bác đã yếu. Lúc đó, trong lòng tôi trào lên cảm xúc...” - cô Định nhớ lại. Bác khen ngợi cán bộ, đảng viên một số hợp tác xã có năng suất cao và nhấn mạnh: “Năm nay, Thái Bình được mùa khá nhưng chớ chủ quan, phải cố gắng hơn nữa, phải làm cho năng suất cao hơn nữa, phải tiết kiệm, không được lãng phí... Bác rất vui lòng thấy Thái Bình có tiến bộ nhiều. Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Trong buổi nói chuyện, nhiều lần Bác nhắc đến việc cần phải bảo vệ chị em phụ nữ, tôn trọng quyền bình đẳng giới, không nên để chị em bị đánh. Bác nói: “Bác cho cô Định cái gậy để trừng trị những ai đánh vợ”. Hiện nay, chiếc gậy vẫn đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Bích Hạnh
(Đài Truyền thanh Thành phố)

Ngày 31/12/1966, Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm, cũng là lần cuối cùng, để mừng công Thái Bình đạt 5 tấn thóc/ha. Đêm đó, Bác nghỉ tại khu sơ tán của Tỉnh ủy ở thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư. Ông Đỗ Như Thơ khi ấy là Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Tân Hòa được giao nhiệm vụ chỉ huy đội cảnh vệ bảo vệ Bác. Nhớ lại thời điểm năm 1966, Thái Bình bị địch đánh phá ác liệt, việc Bác Hồ không quản ngại nguy hiểm về thăm khiến ông không khỏi cảm động và vinh dự, tự hào.

Ông kể, ngày hôm đó khi nhận nhiệm vụ đón tiếp và bảo vệ cho đoàn khách từ trung ương về, ông cũng không suy nghĩ nhiều vì “Các đoàn khách cả trong và ngoài nước về xã làm việc nhiều lắm, nhiệm vụ này tôi làm đã quen rồi”. Khi ấy, đứng chờ đón đoàn xe về tại sân đình thôn Đại Đồng chỉ có mình ông là cán bộ xã, còn lại là các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh... Ông vẫn nhớ rõ đoàn khách về đến nơi lúc 19 giờ 15 phút, khi đó thấy một ông cụ râu dài, tóc bạc bước xuống xe, ông rất bất ngờ, đến khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh bảo đúng là Bác Hồ thì ông mới dám tin. “Lúc ấy tôi không còn cảm xúc nào khác là niềm vui sướng tột độ khi được trực tiếp gặp Bác Hồ. Tôi nhớ, nhìn Bác bằng xương, bằng thịt không khác gì trên ảnh, có điều gầy hơn”.

Chuyến thăm của Bác là một bí mật nên không khí cũng khẩn trương. Ông kể, sau khi chào hỏi, Bác đi vào nhà làm việc ngay. “Tôi và các đồng chí cảnh vệ cũng bắt tay ngay vào nhiệm vụ. Cùng với niềm vui mừng, phấn khởi, tôi lúc ấy cũng thấy căng thẳng vì trách nhiệm phải bảo vệ an toàn cho Bác”. Đã qua rất nhiều năm nhưng đến bây giờ ông vẫn vẹn nguyên sự căng thẳng cũng như cảm giác nhẹ nhõm khi nhiệm vụ hoàn thành trọn vẹn.

Quá trình làm nhiệm vụ tuy ngắn ngủi nhưng cũng kịp để lại cho ông Thơ ấn tượng sâu sắc và những câu chuyện giản dị mà thấm thía, xúc động về Bác. Như câu chuyện về bữa cơm nắm với dưa chua Bác mang từ Hà Nội về, câu chuyện Bác dậy sớm chúc tết mọi người trong khi không ai nhớ đến đã được kể nhiều lần, mỗi lần nghĩ đến ông vẫn như nghe trong tâm trí những câu nói của Bác khi ăn cơm: “Các cô chú cứ ăn cơm nóng đi, Bác ăn cơm nắm, nếu không để lâu sẽ hỏng, lãng phí cả cơm và công mang theo”, hay khi các đồng chí xin lỗi vì ngủ say không dậy chúc tết Bác: “Các chú làm nhiều việc, mệt nên ngủ nhiều là phải, Bác nhiều tuổi rồi không ngủ được”. Ông nói, đứng bên ngoài thôi ông cũng cảm nhận được sự bồi hồi, xúc động của tất cả mọi người, bởi chính ông cũng cùng chung cảm giác ấy. “Bác chu đáo đến thế, quan tâm, để ý từng việc nhỏ. Mỗi lời nói, việc làm của Bác chúng tôi đều ghi nhớ, suy ngẫm và rút ra nhiều bài học”. Bản thân ông Thơ cũng có một kỷ niệm của riêng mình, đó là buổi sáng hôm sau khi thức dậy tập thể dục, Bác hỏi ông: “Các chú đêm qua không được ngủ à?”. Ông thưa: “Thưa Bác, chúng cháu phân chia ca trực nên cũng được chợp mắt một lúc ạ”. Chỉ thế thôi nhưng với ông đó là kỷ niệm quý giá nhất đời mình, để đến hôm nay ông vẫn thường kể lại cho mọi người nghe để cùng nhau học và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Mai Hiền

Năm 1958, khi đang là Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Hiệp Hòa, ông Đặng Đức Ảnh vinh dự là 1 trong 3 đại biểu đại diện cho huyện Vũ Thư được cử đi dự hội nghị tổng kết hợp tác xã tại số nhà 6, phố Chu Văn An, Hà Nội. Ông kể: Chỗ tôi ngồi cách Bác 4 hàng ghế. Trong 4 tiếng diễn ra cuộc họp, sau khi nghe báo cáo tổng kết, nói về khó khăn trong việc vận động người dân tham gia hợp tác xã, Bác nói: Bản chất của nông dân là tư hữu nhưng người nông dân đi đánh giặc, dám hy sinh cả tính mạng của mình, các đồng chí phải làm công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu vào hợp tác xã là góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau lần họp ấy, nghe theo lời dạy của Người, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên những năm sau đó, số lượng người dân tham gia hợp tác xã tăng nhanh.

Năm 1967, khi đang là Chủ nhiệm Hợp tác xã thôn An Để, nhận được thông báo của Tỉnh ủy sẽ có cán bộ quốc tế về địa phương làm việc, lãnh đạo xã cử người xuống những nhà có dấu hiệu nghi vấn là việt gian để giám sát, theo dõi. Lúc Bác xuống, cán bộ, nhân dân Hiệp Hòa mới biết Bác về. Khi qua chiếc cầu tre nhỏ dẫn vào đình Phương Cáp, Bác nhắn các đồng chí Tỉnh ủy, cán bộ xã Hiệp Hòa: Các chú bắc lại cầu cho dân đi, cầu như thế dân đi dễ ngã. Vào đến đình, nói chuyện với cán bộ và nhân dân, Người nhấn mạnh: “Bác rất vui lòng thấy Thái Bình có tiến bộ nhiều. Bác mong các đồng chí và đồng bào cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt …”. Khi chào nhân dân ra về, đi qua nhà trẻ của thôn, Bác dừng lại lấy kẹo chia cho các cháu.

Vinh dự vì được gặp Bác Hồ, được nghe Bác trò chuyện, sự giản dị, đúng mực, những lời căn dặn cán bộ sống và làm việc hết mình vì nhân dân luôn ở trong tâm trí ông Ảnh. Trên cương vị nào, ông cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đã 90 tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng, ông tâm sự: Còn sức khỏe, còn giúp ích được cho dân, cho nước, tôi luôn cố gắng hết mình!

Quỳnh Thanh

  • Từ khóa