Thứ 5, 08/05/2025, 11:24[GMT+7]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc

Thứ 5, 03/09/2015 | 15:00:26
6,138 lượt xem
Trong những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đối với cách mạng Việt Nam thì tư tưởng về sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc của Người là một cống hiến đặc biệt, vừa có giá trị lý luận, vừa có giá trị thực tiễn hết sức quan trọng trước đây và hiện nay.

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc. Ảnh tư liệu

Bác Hồ đã sớm tiếp thu truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, đại đoàn kết của dân tộc. Người đã khẳng định: "Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự hiểm nguy, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Đặc biệt, từ khi có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam thì khối đại đoàn kết dân tộc luôn được củng cố, phát triển, đó chính là nguồn động lực, một trong những nhân tố quan trọng nhất đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng là sự nghiệp vĩ đại, sự nghiệp của muôn dân, sự nghiệp đoàn kết của 54 dân tộc Việt Nam trong giai đoạn mới của cách mạng.

Từ thời kỳ dựng nước của các Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, đặc điểm của khối đại đoàn kết dân tộc của chúng ta là tỏa khắp non sông mà quy về một mối, dựa trên một nền và xung quanh một trục. Và hễ là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước, đều là con Lạc cháu Hồng. Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ có như vậy, khối đại đoàn kết dân tộc mới thường xuyên được củng cố, phát triển toàn diện, rộng rãi và vững chắc. Ngược lại, ở lúc nào, ở nơi nào không quán triệt, thực hiện thường xuyên đường lối đại đoàn kết dân tộc không nhận thức sâu sắc, đầy đủ và tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc; hoặc quan niệm giai cấp và đấu tranh giai cấp một cách máy móc, mơ hồ, giáo điều, đối lập với lợi ích giai cấp, với lợi ích dân tộc sẽ dẫn đến khuyết điểm, thậm chí là sai lầm gây tổn thất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ và thành phần giai cấp... Như vậy, đại đoàn kết dân tộc luôn được củng cố và phát triển toàn diện, vững chắc, đó chính là sự kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội. Thông qua thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước chính là bảo đảm lợi ích và khai thác, phát huy tiềm năng to lớn của mỗi giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các nhóm dân cư, gia đình, làng bản, xã phường và toàn xã hội ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phạm Như Hùng
(Thanh Xuân, Hà Nội)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày