Thứ 5, 10/10/2024, 17:16[GMT+7]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết

Thứ 3, 03/11/2015 | 09:58:39
7,148 lượt xem
(Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 11/2015)

Ảnh minh họa.

 

Quá trình dựng nước và giữ nước đã hình thành nên truyền thống đoàn kết Việt Nam. Truyền thống đó trở thành nguồn gốc làm nên sức mạnh của cộng đồng người Việt và trỗi dậy mạnh mẽ, đặc biệt mỗi khi đất nước bị họa xâm lăng. Truyền thống đoàn kết đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển và được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng phù hợp với tình hình, điều kiện mới.

 

1- Đại đoàn kết - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng muốn thành công phải có lực lượng và lực lượng đó phải đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù, xây dựng thành công xã hội mới. Trong thời đại mới, kẻ thù của cách mạng mang tính quốc tế, cách mạng mỗi nước là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới. Trong điều kiện đó, cách mạng muốn thành công phải có lực lượng mạnh mẽ ở trong nước, đồng thời phải có sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế; muốn có lực lượng phải thực hành đoàn kết vì “đoàn kết là lực lượng”. Bởi vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định thành bại của cách mạng. Bác cũng chỉ rõ, đoàn kết trong đảng, đoàn kết dân tộc kết hợp chặt chẽ với đoàn kết quốc tế, tạo ra sức mạnh to lớn, vượt trội là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đi theo tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam ngày càng được nhiều lực lượng trong nước và trên thế giới đồng tình ủng hộ; nhờ lực lượng đó, cách mạng Tháng Tám đã thành công, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã hoàn toàn thắng lợi. Mối quan hệ chặt chẽ giữa đại đoàn kết và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng được Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

 

2- Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết

 

Một là, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng muốn thành công “trước hết phải có Đảng cách mệnh”, “cách mạng là việc chung của cả dân chúng chứ không phải của riêng một hai người”. Do đó, với Bác, đại đoàn kết phải có định hướng và có sự lãnh đạo. Trong khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản không chỉ là một bộ phận bình đẳng mà là linh hồn, là lực lượng lãnh đạo. Để xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và cả dân tộc, Đảng phải có trí tuệ, cách mạng, phải tiêu biểu cho khối đoàn kết, mỗi đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Người cho rằng, Đảng Cộng sản có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục để quần chúng giác ngộ sự cần thiết phải tập hợp, đoàn kết và phải chỉ cho quần chúng thấy được những hình thức, phương pháp tổ chức thích hợp nhất để có thể phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh cho những quyền thiêng liêng của Tổ quốc và lợi ích chính đáng của nhân dân lao động. Bác chỉ rõ: “Đảng ta có chính sách Mặt trận dân tộc đúng đắn, cho nên đã phát huy được truyền thống đoàn kết và yêu nước rất vẻ vang của dân tộc ta” và khi đánh giá kết quả của chính sách đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất với sự lãnh đạo của Đảng ta qua các giai đoạn cách mạng, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân ta đã giành được thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết được xây dựng trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy liên minh công nông làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Mọi sự phủ nhận lập trường giai cấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với dân tộc, thực chất là phủ nhận và làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Hai là, phải có các nguyên tắc trong thực hiện đại đoàn kết 

- Đại đoàn kết phải được xây dựng, củng cố trên nền tảng thống nhất chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, lợi ích tối cao của dân tộc với quyền lợi của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người.

 

Hạt nhân của nguyên tắc này là giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa dân tộc - giai cấp - nhân loại. Suy cho cùng, có đại đoàn kết hay không, đoàn kết đến mức nào là tùy thuộc vào nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lợi ích phức tạp, chồng chéo giữa cá nhân, tập thể, gia đình - xã hội, bộ phận - toàn thể, giai cấp - dân tộc, quốc gia - quốc tế. Lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập - chủ quyền - thống nhất - toàn vẹn lãnh thổ. Đó vừa là truyền thống dân tộc, là chân lý, là ngọn cờ và nguyên tắc đại đoàn kết. Nguyên tắc này còn là cơ sở của sự kết hợp chặt chẽ đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế.

 

- Tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa những tư tưởng của các bậc tiền nhân: “Nước lấy dân làm gốc, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, nhưng ở tầm cao hơn, nhân văn hơn, đó là Người đặt dân lên vị thế người làm chủ đất nước - trong tất cả mọi việc, kể cả huy động sức dân trước hết vẫn là vì chính lợi ích của dân, vì theo Người, lợi ích của dân càng cao, sức dân càng mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu rõ vai trò lịch sử vĩ đại của nhân dân, thấy được sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân. Người khẳng định: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng là động lực của cách mạng. Chính quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất, trực tiếp thực hiện đường lối cách mạng, biến đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực. Có được dân, thu phục được lòng dân là có tất cả, làm được tất cả, điều này đã trở thành phương pháp luận trong tư tưởng của Người: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bởi sức mạnh của dân là vô địch, con thuyền cách mạng đi tới đích thắng lợi là nhờ vào sức dân. Chính những ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối cách mạng, đường lối đổi mới của Đảng. Sức mạnh đoàn kết của Nhân dân là lực lượng vô địch.

 

- Đại đoàn kết một cách tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đại đoàn kết rộng rãi, lâu dài, chặt chẽ: đại đoàn kết không phải là một tập hợp ngẫu nhiên, tự phát, nhất thời mà phải là một tập hợp lâu dài, bền vững của các lực lượng xã hội có định hướng, có tổ chức, có lãnh đạo. Đây cũng là sự khác biệt cơ bản giữa tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh với tư tưởng tập hợp, đoàn kết lực lượng của các nhà yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và một số lãnh tụ cách mạng khác ở khu vực và trên thế giới. Đại đoàn kết theo Bác không phải là một tập hợp tùy tiện, lỏng lẻo mà là một khối đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ. Tính chất rộng rãi, chặt chẽ và bền vững của khối đại đoàn kết thể hiện ở việc mở rộng biên độ tập hợp mọi tầng lớp xã hội, mọi ngành, giới, lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc, cá nhân... trong một tổ chức thống nhất. Người đòi hỏi phải củng cố, tăng cường khối liên minh công nhân, nông dân, trí thức làm nền tảng cho khối đại đoàn kết. Bác căn dặn: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân…,  phải đoàn kết tốt các  đảng phái,  các đoàn thể, các nhân sĩ thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ…, phải đoàn kết các dân tộc anh em cùng nhau xây dựng Tổ quốc..., phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo,  cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc”.

 

- Đại đoàn kết chân thành, thân ái, thẳng thắn; đoàn kết gắn với tự phê bình và phê bình: trong khối đại đoàn kết tập hợp đông đảo các lực lượng giai cấp, xã hội, các thành viên vừa có mục tiêu, nguyện vọng, lợi ích chung vừa tồn tại những mục tiêu, nguyện vọng, lợi ích riêng và bên cạnh những nhân tố tích cực, tiên tiến, vẫn còn những nhân tố tiêu cực, chậm tiến. Giải quyết thực tế đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh phương châm  “cầu đồng tôn dị”,  lấy cái chung, đề cao cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt; chú trọng thực hiện gắn đoàn kết với đấu tranh, đấu tranh để tăng cường đoàn kết. Tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ lòng chân thành, nhân ái vì mục tiêu tăng cường sự đoàn kết, nhất trí. Bác viết: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng dài vắn đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người, cũng có người thế này thế khác,... đối với những đồng bào lạc lối lầm đường ta phải lấy tình thân mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang” .

 

Ba là, phải có phương pháp trong thực hiện đại đoàn kết

 

Để phát huy mối đoàn kết phải thực hiện tốt phương pháp tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng; đồng thời phải có phương pháp tổ chức xây dựng hệ thống chính trị cách mạng, đặc biệt là phương pháp xử lý các mối quan hệ nhằm mở rộng đến mức cao nhất trận tuyến cách mạng và thu hẹp đến mức thấp nhất trận tuyến thù địch. Theo đó, phương pháp đại đoàn kết Hồ Chí Minh không cứng nhắc, không “nhất thành bất biến” mà linh hoạt, phát triển thích ứng với sự vận động, biến đổi của thực tiễn khách quan. Đó chính là sự nhận thức và giải quyết khoa học, hiệu quả các mối quan hệ chồng chéo, phức tạp giữa giai cấp - dân tộc, quốc gia - quốc tế, truyền thống - hiện đại.

 

Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tự lực, tự cường và đoàn kết hợp tác quốc tế có quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhưng phải dựa vào sức mình là chính. Do đó, trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, Người luôn quán triệt tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, triệt để thực hiện phương châm “tự lực cánh sinh là chính”. Khẳng định vai trò của sức mạnh dân tộc trong việc tạo nên thế và lực cho cách mạng, đồng thời Người cũng cho rằng sức mạnh thời đại, khối đoàn kết quốc tế cũng sẽ làm cho thế và lực của cách mạng mỗi nước tăng lên.

 

3- Vận dụng tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay

 

Kế thừa và phát triển truyền thống dân tộc và tư tưởng của Bác, từ khi ra đời và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đề cao chiến lược đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn của cách mạng Việt Nam. Sức mạnh đó là nguồn gốc sâu xa của thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong cuộc kháng chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, khi phân tích bối cảnh quốc tế, Đảng ta cho rằng yếu tố dân tộc trở thành một đặc điểm cực kỳ quan trọng và nhấn mạnh “đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện những mục tiêu của công cuộc đổi mới”. Từ đó, Bộ Chính trị khóa VII đã có Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 17-11-1993 về “Đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất”. Đại hội VIII của Đảng tổng kết 10 năm đổi mới đã nêu lên một trong những bài học thành công của Đảng ta là: “Mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc”. Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Những năm qua, trong điều kiện thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn, tác động tiêu cực vào tình hình trong nước và địa phương nhưng khối đoàn kết toàn tỉnh Thái Bình vẫn tiếp tục được xây dựng, củng cố, mở rộng. Các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận các cấp trong tỉnh chủ trì, phát động tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân, qua đó huy động được trí tuệ, công sức của toàn dân trong tỉnh tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề dân sinh, dân trí, dân chủ ngay tại địa bàn khu dân cư.

 

Công tác phối hợp tham gia xây dựng Đảng, chính quyền tiếp tục được Mặt trận các cấp trong tỉnh duy trì, thực hiện nền nếp, chất lượng. Mặt trận các cấp trong tỉnh thường xuyên lắng nghe, tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; kịp thời phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với cấp ủy, chính quyền cùng cấp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật. Tăng cường hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc các cấp, góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh.

 

Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã và đang trải qua một chặng đường dài. Song, những vận hội, cũng như thách thức mới đang tác động hằng ngày, hằng giờ đến khối đại đoàn kết dân tộc. Các thế lực thù địch đang ra sức kích động những vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc... Để tiến lên, chúng ta chỉ có con đường là phải kiên trì, vững vàng, quán triệt và thực hiện tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh, đồng thời, chúng ta cũng phải đổi mới, phát triển những nội dung, phương pháp Đại đoàn kết của Người cho phù hợp với sự vận động, biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và thế giới.

 

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

  • Từ khóa