Thứ 2, 12/08/2024, 18:20[GMT+7]

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ 4, 30/12/2015 | 22:20:04
5,926 lượt xem
Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 1/2016

Phong cách sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Tư tưởng về phòng, chống tham nhũng là bộ phận hợp thành quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Những lời dạy của Người về phòng, chống tham nhũng vừa sâu sắc, toàn diện, vừa căn bản, lâu dài; vừa có tính khái quát, vừa cụ thể, dễ hiểu, luôn giữ được tính thời sự và còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta trong cuộc đấu tranh với nạn tham nhũng trong tình hình hiện nay.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm đặc trưng của hành vi tham ô chính là việc biến "của công" thành "của tư". Với Người, "của công" chính là tài sản của nhân dân, do nhân dân đóng góp, bất cứ hành vi nào lấy "của công" làm "của tư" cũng đều bị Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là hành vi tham ô. Người đã sớm chỉ ra bản chất, nguồn gốc, nguyên nhân phát sinh của tham nhũng, quan liêu cũng như tính phức tạp của cuộc đấu tranh phòng, chống căn bệnh này. Ngay từ khi đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Người đã công khai vạch trần, lên án nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền thực dân ở Việt Nam. Trong tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp", Người đã dành hẳn một chương để viết về nạn tham nhũng trong bộ máy cai trị, trong đó vạch trần những hành vi tham nhũng của những kẻ luôn tự xưng là "Quan phụ mẫu" của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tệ tham ô, lãng phí vốn là căn bệnh "tứ chứng nan y" của mọi nhà nước và bất kỳ hoạt động của bộ máy nhà nước nào nếu không được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thì khó tránh khỏi tình trạng tham ô, lãng phí.

Theo cách nói của Người, tham ô chính là trộm cướp, là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Người cán bộ mà tham ô chính là "ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung, của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình". Nguyên nhân của tham ô chính là do thiếu lương tâm và kém lòng trách nhiệm, "cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư".

Lãng phí, theo Bác chính là lãng phí sức lao động, thì giờ, tiền của của Nhà nước, cơ quan và bản thân mình. Cụ thể là: "Ăn tiêu xa xỉ, liên hoan, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước. Ví dụ, như ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền bạc ứ đọng lại, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất; cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn. Làm một cái nhà không hợp thức, làm xong rồi phải phá đi làm lại. Lãng phí có khi còn hại nhiều hơn tham ô, vì lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô".

Chống tham ô, lãng phí là vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm và đã trở thành một nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên nhân sâu xa dẫn đến căn bệnh tham ô, lãng phí, đó là chủ nghĩa cá nhân. Người nói: Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, nảy sinh ra các bệnh nguy hiểm như lười biếng, ngại gian khổ, khó khăn, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa..., cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm. Đồng thời, tham ô, lãng phí còn do trình độ hiểu biết, trình độ văn hóa và trình độ tổ chức quản lý nhà nước yếu kém lại không chịu rèn luyện tu dưỡng nên một số cán bộ, đảng viên đã rơi vào tình trạng tham ô, lãng phí, suy thoái phẩm chất đạo đức..., gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Để phòng trừ, đấu tranh với tệ tham nhũng, phương thuốc hữu hiệu nhất, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là phát huy dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trên quan điểm đó, Bác coi "dân chủ là chìa khóa vạn năng" để chữa nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh tham nhũng. Tuy nhiên, vì tham nhũng là một căn bệnh nguy hiểm, nên phải coi việc phòng, chống tham nhũng cũng quan trọng như một mặt trận: Mặt trận chính trị, tư tưởng. Muốn thắng, ắt phải có chuẩn bị, có kế hoạch, tổ chức, phải có lãnh đạo và trung kiên. Theo Người, phải thực sự coi đây là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư với "kẻ địch" là tệ tham ô, tham nhũng. Do đó, phải huy động lực lượng, trí tuệ của nhân dân vào cuộc cách mạng này, tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng để nhân lên cái tốt, cái tiến bộ và chống lại cái xấu như "chống giặc nội xâm".

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cán bộ và nhân dân tham gia trận chiến chống tham ô, tham nhũng, tạo nên một phong trào sâu rộng cùng "chống giặc nội xâm". Người viết: "Chúng ta từ trên đến dưới phải đồng tâm hiệp lực để thắng lợi trong phong trào này. Mà thắng lợi trong phong trào này sẽ giúp chúng ta đoàn kết hơn nữa, nâng cao năng suất hơn nữa. Nó giúp cán bộ ta cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật thà phụng sự bộ đội và nhân dân. Nó giúp chính quyền ta thành một chính quyền trong sạch, xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào...". Rõ ràng, trong vấn đề phòng, chống tham ô, tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy đó là một kẻ địch tinh vi, nguy hiểm, muốn đấu tranh giành thắng lợi, nhất thiết phải động viên và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Người khẳng định: "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân"; vì thế: "Muốn chống tham ô, lãng phí, chống quan liêu thì phải dân chủ...". Người coi việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là chìa khóa đi đến thắng lợi, bởi trong cuộc đấu tranh chống những kẻ cơ hội chủ nghĩa, những kẻ luôn luôn giấu mặt, tinh vi và có nhiều thủ đoạn, tất yếu phải nhờ vào tai, mắt, trí tuệ của nhân dân. Cho nên, vấn đề có tính chất quyết định đến thành công hay thất bại của mặt trận chống tham nhũng, là phải động viên, tập hợp được mọi lực lượng, mọi tầng lớp xã hội tham gia vào trận tuyến vô hình nhưng đầy quyết liệt và khó khăn này.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên"; "Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến". Người khẳng định: "Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công". Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì phải làm gì? Về vấn đề này, Người cũng đã chỉ dẫn "Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người không quan trọng" và: "Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết". Mặt khác, trong bất kỳ công tác gì, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng phải: "Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi". Muốn xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, trước hết phải chống được quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng và bộ máy nhà nước. Phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí là một việc khó, phức tạp vì nó là cuộc đấu tranh trong nội bộ, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng và toàn xã hội.

Hiện nay, đất nước ta đang đứng trước những thời cơ lớn đồng thời phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Vận dụng và thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng không chỉ là đòi hỏi bức thiết của toàn xã hội mà còn là điều kiện tiên quyết để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

                                                                        Nguồn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

  • Từ khóa