Thứ 2, 05/08/2024, 19:26[GMT+7]

Từ Hồng An đến Tân Hòa

Thứ 5, 04/02/2016 | 15:35:12
699 lượt xem
Những ngày này, cùng với đồng bào và chiến sĩ cả nước, các tầng lớp nhân dân Thái Bình đang hướng về Thủ đô Hà Nội - nơi diễn ra Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng bằng cả niềm kiêu hãnh, tự hào và lòng tin sắt son của mình vào Ðảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đại biểu trung thành lợi ích của nhân dân và của toàn dân tộc - một Ðảng có bề dày 86 mùa xuân

Đồng bào, cán bộ Thái Bình phấn khởi đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và chúc tết, ngày 1/1/1967.

 

Thái Bình - hai tiếng thiêng liêng, nặng nghĩa đồng bào, trọn nghĩa thủy chung.

 

Thái Bình - mảnh đất đau thương, nơi người dân phải gánh chịu nhiều tổn thất trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã hun đúc nên truyền thống quật cường, anh dũng, sáng tạo, không cam chịu đói nghèo và lạc hậu để có một Thái Bình năng động và hội nhập như ngày hôm nay. Trong mỗi bước đi để quê lúa đạt được thành quả phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và chỉnh đốn Ðảng, củng cố quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân Thái Bình luôn ghi nhớ công ơn trời biển của vị Cha già dân tộc. Mãi khắc cốt, ghi tâm từng lời dạy bảo ân cần, chan chứa tình thương yêu nhân dân mà Bác dành cho đồng bào, đồng chí Thái Bình.

 

Hiếm có địa phương nào trong cả nước vinh dự được đón Bác về thăm nhiều như Thái Bình. Bởi lẽ, tính từ mùa xuân 1946, dù vận mệnh dân tộc lúc bấy giờ như “nghìn cân treo sợi tóc”, Bác vẫn về thăm Thái Bình hai lần, vì nơi ấy vừa gánh chịu hậu quả thảm khốc do nạn đói năm Ất Dậu 1945, cướp đi sinh mạng của hơn 280 nghìn người dân vô tội vừa phải gồng mình đắp đê chống lụt. Bác đau với nỗi đau chung của dân tộc mà trong đó có đồng bào Thái Bình. Thế cho nên “Bác sống như trời đất của ta”.

 

Ðể gần 50 năm sau, ngày toàn dân tộc đớn đau tiễn đưa Bác về cõi vĩnh hằng, biết bao câu chuyện, bài báo, trang thơ viết về tình cảm thiêng liêng của Bác kính yêu đối với đồng bào Thái Bình chưa bao giờ vơi cạn. Hình ảnh vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của Ðảng và của dân tộc về với dân rất đỗi bình dị, gần gũi và thân thương.

 

Lời dạy bảo ân cần của Bác, tình thương yêu nhân dân bao la trong trái tim của Bác đã trở thành động lực thôi thúc mỗi người dân quê lúa đồng cam cộng khổ, vượt khó vươn lên bằng việc thực hiện nhất quán phương châm: “Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Ðảng là then chốt”. Xây dựng và triển khai nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tiễn để huy động các nguồn lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tích cực đổi mới và quyết tâm xây dựng Ðảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

 

Từ một tỉnh thuần nông, năng suất lúa đạt bình quân 5 tấn/ha, đến nay Thái Bình đã vươn lên đạt năng suất hơn 13 tấn/ha và đang phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” đã thực sự mang lại những đổi thay toàn diện cho cuộc sống và phục vụ sản xuất của người dân. Ðây là tiền đề quan trọng để Thái Bình phấn đấu trở thành tỉnh nông thôn mới trong tương lai. Bên cạnh đó, là tỉnh ven biển nên Thái Bình còn tập trung nguồn lực phát triển kinh tế khu vực ven biển thành trọng điểm kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển. Nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tranh thủ thời cơ, huy động nguồn lực, phát triển bền vững... là những bước đi và cách làm sáng tạo, thể hiện sinh động nhất “ý Ðảng lòng dân”.

 

Lịch sử có những sự trùng hợp thật đặc biệt. Ngày 10/1/1946, Bác Hồ về thăm Thái Bình lần đầu tiên; 21 năm sau, ngày 1/1/1967, Bác về Thái Bình lần thứ năm. Có ai ngờ, đây là lần cuối đồng bào Thái Bình được đón Bác về thăm.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu, cán bộ, đảng viên xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) khi Người về thăm và chúc tết ngày 1/1/1967.

 

Với niềm tự hào và kính yêu vô hạn, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân Thái Bình thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của Ðảng và của dân tộc, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Danh nhân văn hóa thế giới. Người để lại cho toàn Ðảng, toàn dân ta di sản vô giá là tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Ðảng và cách mạng Việt Nam. Ðồng thời, Người cũng để lại cho nhân dân quê lúa lời dạy bảo thiêng liêng, đã trở thành di sản của riêng Thái Bình.

 

Thực hiện lời dạy của Bác qua những lần Người về thăm “xây dựng Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt” là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần cùng cả nước xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước cháy bỏng lúc sinh thời của Bác.

 

Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng đã đưa đất nước ta bước sang một thời kỳ mới. Với niềm tin sâu sắc ở sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân Thái Bình cùng cả nước quyết tâm nắm bắt thời cơ, vận hội, vượt qua khó khăn, thách thức, vững bước tiến lên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong Lăng, chắc Bác đang mỉm cười và luôn dõi theo từng bước đi của Thái Bình trong thời kỳ hội nhập.

 

NAM HƯƠNG

  • Từ khóa