Thứ 2, 05/08/2024, 13:22[GMT+7]

Mùa xuân này có Bác

Thứ 5, 04/02/2016 | 15:38:21
1,301 lượt xem
Cả dân tộc Việt Nam hân hoan đón tết Nguyên đán Bính Thân, đón xuân mới 2016 khi Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng vừa kết thúc và thành công rực rỡ. Chào mừng thành công Ðại hội, chào mừng thành tựu 30 năm đổi mới của đất nước, giữa xuân của đất trời và xuân của lòng người, muôn triệu người con đất Việt như càng nhớ Bác nhiều hơn. Bởi có Người, có tư tưởng của Người soi đường chỉ lối, cả dân tộc Việt Nam mới có những mùa xuân tươi đẹp hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam ngày 5/9/1960.

 

Trong suốt chặng đường bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, thực tế đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh luôn đồng hành với Ðảng, với nhân dân Việt Nam. Ngay khi đất nước đang còn rên siết dưới ách thống trị của phong kiến thực dân, tư tưởng độc lập dân tộc, người cày có ruộng, tự do, bình đẳng, bác ái mà Nguyễn Ái Quốc truyền tới nhân dân Việt Nam đã trở thành ánh bình minh xua đi những đêm dài tăm tối, hiệu triệu đồng bào Việt Nam dũng cảm đứng lên phá tan gồng xiềng nô lệ, lập lên nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Ðông Nam Á. Vẫn với tinh thần, tư tưởng của Người: “Ðộc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và chủ nghĩa xã hội”, nhân dân Việt Nam triệu người như một, bền gan vững chí, tận trung, tận hiến hy sinh xương máu, đánh đuổi thực dân, đế quốc ra khỏi bờ cõi, thống nhất đất nước, quyết tâm đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là kim chỉ nam của sự nghiệp cách mạng. Ngay từ những năm đầu 1950, khi nhà nước dân chủ Việt Nam mới được thiết lập chưa lâu và còn đang trong giai đoạn đấu tranh gian khổ giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: Dưới chế độ dân chủ mới cần có 5 thành phần kinh tế khác nhau: kinh tế quốc doanh; kinh tế hợp tác xã; kinh tế cá nhân, nông dân và thủ công; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước. Trong nền kinh tế nhiều thành phần ấy, để khỏi chệch hướng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải làm cho kinh tế quốc doanh phát triển nhanh hơn và giữ vai trò lãnh đạo. Trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Ðảng đã lãnh đạo đất nước tiến hành công cuộc đổi mới với việc xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Từ đây, toàn Ðảng, toàn dân đã bước ra khỏi tư duy kinh tế tập trung bao cấp, bước vào nền kinh tế thị trường. Cuộc đấu tranh gay gắt giữa cũ và mới, giữa bảo thủ, trì trệ với năng động, đổi mới đã diễn ra không kém phần khốc liệt song trên hết tư duy biện chứng tuân theo quy luật khách quan, không xa rời thực tiễn, vì lợi ích nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lên hàng đầu đã được Ðảng, Nhà nước, nhân dân ta quán triệt và thực hiện hiệu quả. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hình thành và phát triển ngày càng vững chắc. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân, các thành phần kinh tế khác được tạo điều kiện phát triển trong sự điều tiết của thị trường có sự kiểm soát và định hướng của Nhà nước. Một lần nữa, bản lĩnh của thời đại Hồ Chí Minh đã được khẳng định. Từ một chỗ yếu kém, lạm phát phi mã, cuộc sống nhân dân thiếu thốn đến từng cái kim, sợi chỉ, nền kinh tế Việt Nam đã có bước tiến đột phá. Sức sản xuất không ngừng tăng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đã và đang hiện hữu từ thành thị đến nông thôn. Ðây cũng chính là lý tưởng, là mục tiêu mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hằng mơ ước cho nhân dân Việt Nam.

 

Thực hiện công cuộc đổi mới, xã hội Việt Nam bừng đón những làn gió mới nhưng không tránh khỏi những hạn chế từ thị trường đưa lại. Nhiều giá trị bị đảo lộn. Không ít người lung lay giữa truyền thống và hiện đại, giữa tốt và xấu, giữa giữ mình và đánh mất mình dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; không ít cơ sở đảng trở nên xa rời thực tế, khả năng lãnh đạo, sức chiến đấu yếu kém. “Ðể mỗi sự nghiệp cách mạng đi đến thành công, trước hết cần có Ðảng vững mạnh…”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, để đưa sự nghiệp đổi mới đất nước đi đến thắng lợi, Ðảng ta đã khẳng định phương châm: “phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Ðảng là then chốt”. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Ðảng đã được Ðảng ta đưa ra trong nhiều nghị quyết, đặt công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là việc quan trọng, cấp bách, cần thực hiện toàn diện từ chính trị đến tư tưởng, trong mỗi tổ chức cơ sở đảng và trong mỗi đảng viên. Nếu như công cuộc đổi mới nền kinh tế là cuộc đấu tranh căng thẳng trên thương trường thì cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Ðảng lại chính là cuộc đấu tranh gay gắt trong bản thân mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đảng, đó là cuộc đấu tranh giữa cái tôi cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng với cái ta cao cả, dám nói, dám làm, vì tập thể, vì nhân dân. Trước bối cảnh đó, Ðảng ta đã giương cao ngọn cờ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ðây chính là giai đoạn hơn lúc nào hết, mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên có dịp nhìn lại mình, sửa mình để trở về với những giá trị bất biến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Làm người phải có bốn đức cần, kiệm, liêm, chính”. Toàn xã hội bước vào cuộc cách mạng mới, cuộc cách mạng về sửa đổi lề lối, tác phong làm việc, về thái độ lắng nghe nhân dân và sửa mình để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thực sự tạo nên sức sống mới trong Ðảng, đóng góp tích cực vào những thành tựu đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

 

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên quan trọng, cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi điều chủ đạo, sâu sắc trong tư tưởng của Người vẫn là tư tưởng lấy dân làm gốc, đặt lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc lên trên hết. Con đường của dân tộc Việt Nam là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ðây chính là con đường duy nhất mà Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Toàn Ðảng, toàn dân Việt Nam nguyện đi theo lý tưởng cao đẹp đó. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi là kim chỉ nam cho mọi hành động của Ðảng. Trong hành trang của mỗi người dân Việt Nam bước vào thời đại mới luôn có hình ảnh, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ kính yêu. Nhớ Bác, toàn Ðảng, toàn dân sẽ hăng say dệt thêm những mùa xuân thắng lợi mới!  

 

Trần Hương

  • Từ khóa