Thứ 2, 28/04/2025, 13:54[GMT+7]

Chuyện 9 nữ xã viên được gặp Bác Hồ

Thứ 2, 07/03/2016 | 09:33:40
1,565 lượt xem
Nhờ sản xuất, thâm canh giỏi, năm 1966, Hợp tác xã Tân Phong (xã Việt Hùng, huyện Thư Trì, nay là huyện Vũ Thư) là hợp tác xã đầu tiên của Thái Bình và toàn miền Bắc đạt năng suất 5 tấn thóc/ha. Cán bộ, xã viên Hợp tác xã Tân Phong vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen và về thăm, động viên ngày 1/1/1967. Để có được thành tích trên, ngoài nỗ lực chung của tập thể cán bộ, xã viên còn có sự đóng góp âm thầm mà quan trọng của chị em phụ nữ Hợp tác xã, điển hình là 9 nữ xã viên đạt danh hiệu “C

9 nữ xã viên tiêu biểu của Hợp tác xã Tân Phong (hàng ngồi) thăm lại đình Phương Cáp, nơi Bác Hồ về thăm ngày 1/1/1967.

Trong số 9 nữ xã viên vinh dự được đại diện cho xã viên Hợp tác xã (HTX) Tân Phong được gặp Bác Hồ ngày ấy, ngoài một số xã viên tham gia các đội sản xuất trực tiếp còn lại chị em là đội viên Đội khoa học kỹ thuật. Bà Phạm Thị Mùi, 74 tuổi, ở xã Việt Hùng, nguyên Đội trưởng Đội khoa học kỹ thuật, HTX Tân Phong không giấu được niềm vui, tự hào xen lẫn xúc động khi nhắc lại những năm tháng vừa sản xuất vừa chiến đấu, đầy gian lao nhưng sục sôi tinh thần cống hiến.

Khoảng những năm 1964, 1965, Tân Phong là một trong những HTX có phong trào sản xuất khá của tỉnh. Theo chủ trương của trên, năm 1965, HTX Tân Phong thành lập Đội khoa học kỹ thuật với mục tiêu nhân rộng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ sản xuất của HTX Tân Phong nói riêng, các HTX trong tỉnh nói chung. Bà Mùi chia sẻ: Ngày ấy, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, phương tiện phục vụ sản xuất còn thô sơ, khan hiếm và tất cả các khâu đều thực hiện thủ công. Đội có hơn 20 xã viên nhưng được giao cả xứ đồng hàng chục mẫu, mỗi vụ sản xuất nhân rộng từ 10 - 13 giống lúa khác nhau như Mộc tuyền, Nếp quýt, Di hương, Dâu rừng... Được ông Nguyễn Quế, Chủ nhiệm HTX Tân Phong (sau này là Anh hùng Lao động) tin tưởng lựa chọn vào Đội nhưng thực ra tất cả chị em đều chưa có kiến thức, kỹ thuật gì về canh tác nông nghiệp. Một số người trong Đội được cử sang Hưng Yên trực tiếp học Giáo sư Lương Định Của kỹ thuật cấy ngửa tay, cấy chăng dây, cấy thưa, ít dẻ mạ… Từ vốn kiến thức ít ỏi ấy, chị em hăng say truyền lại cho nhau, vừa học vừa làm. Để cải tạo chất đất chua, xấu, các chị đã đi bộ hàng chục cây số sang Nam Định xin phân bò, cắt cỏ, nhặt lá cây về ủ phân hoai mục bón cho ruộng. Tăng cường cải tạo đất cùng với tinh thần lao động hăng say, Đội khoa học kỹ thuật đã nhân rộng, cung cấp nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao hơn.

Bà Vũ Thị Bộ, đội viên Đội khoa học kỹ thuật, 1 trong 9 nữ chiến sĩ thi đua của HTX Tân Phong chia sẻ: Ngày ấy, vật tư, phân bón nông nghiệp khan hiếm nên ngoài sản xuất giống lúa, Đội còn có nhiệm vụ sản xuất giống bèo hoa dâu cho các HTX làm phân bón. Bà Mùi, bà Tuyến… phải mang cơm nắm sang một huyện ven biển của tỉnh Nam Định nhặt mấy ngày mới được 1kg bèo hoa dâu. Các bà nâng niu, chăm chút từng cây bèo nuôi vào chậu thau rồi nhân ra từng m2. Từ 1kg ban đầu, Đội khoa học kỹ thuật đã phát triển được hàng trăm tấn bèo hoa dâu phục vụ xã viên HTX Tân Phong và các HTX trong và ngoài tỉnh làm phân bón cải tạo đất.

Xã viên Hợp tác xã Tân Phong và các đại biểu nữ chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ tại đình Phương Cáp ngày 1/1/1967. Ảnh tư liệu

Cùng với Đội khoa học kỹ thuật, chị em ở các đội sản xuất của HTX Tân Phong cũng hăng hái thi đua lao động sản xuất. Điều kiện thời chiến, nam giới, thanh niên đều lên đường bảo vệ Tổ quốc, công việc sản xuất dù nặng nhọc như cày cuốc, mang vác, vận chuyển hầu hết đều do chị em đảm nhận. Thế nhưng, với tinh thần "Một người làm việc bằng hai", các nữ xã viên âm thầm, bền bỉ vừa tránh giặc Mỹ bắn phá vừa không ngừng thi đua sản xuất. Nhờ cống hiến, nỗ lực của tập thể xã viên, trong đó có chị em phụ nữ, Tân Phong là HTX đầu tiên của tỉnh và toàn miền Bắc đạt năng suất lúa 5 tấn/ha, được Bác Hồ gửi thư khen và về thăm, động viên ngày 1/1/1967 tại đình Phương Cáp (xã Hiệp Hòa). Để đại diện cho hàng nghìn xã viên đi gặp Bác, báo công dâng Bác, ngoài các đại biểu đại diện cho địa phương, HTX Tân Phong đã lựa chọn 9 nữ xã viên tiêu biểu: Phạm Thị Tý, Nguyễn Thị Thơm, Nguyễn Thị Nụ, Phạm Thị Mùi, Trần Thị Tuyến, Vũ Thị Bộ, Nguyễn Thị Tỉnh, Trần Thị Lân, Nguyễn Thị Trình. Đây đều là những người đã đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" năm 1966 và khi đó hầu hết các chị đều mới ở độ tuổi ngoài 20.

Nửa thế kỷ đã đi qua nhưng bà Nguyễn Thị Nụ, chiến sĩ thi đua HTX Tân Phong ngày ấy vẫn nhớ nguyên cảm giác hạnh phúc, bất ngờ khi được gặp vị lãnh tụ kính yêu. Bà chia sẻ: Ngày 31/12/1966, tôi cùng một số xã viên tiêu biểu được thông báo ngày mai kín đáo chuẩn bị đón "khách quý" tại HTX nhưng gặp ai thì tôi cũng chưa biết. Tờ mờ sáng ngày 1/1/1967, tôi cùng các chị em được đồng chí Bí thư Đảng ủy xã thông báo để bảo đảm an toàn cho "khách", cấp trên đã thay đổi địa điểm đón "khách" ở đình Phương Cáp, cách HTX hơn 2km. Trời vẫn còn tối và rét, tôi cùng mọi người chạy bộ qua mấy cánh đồng, đến nơi mới biết được gặp Bác. Tôi vô cùng bất ngờ và xúc động, tự hào khi được nhìn thấy Bác, nghe giọng Bác.

Tại đình Phương Cáp ngày 1/1/1967, HTX Tân Phong đã chuẩn bị sẵn một số lọ thủy tinh đựng các loại thóc mới, có năng suất cao do Đội khoa học kỹ thuật sản xuất như Di hương, Nếp quýt… để báo công dâng Bác. Biết Bác luôn đau đáu hướng về miền Nam ruột thịt, các đồng chí lãnh đạo xã Hiệp Hòa cũng tìm trong nhân dân biếu Bác một chùm dừa, tượng trưng cho tình cảm của người dân miền Bắc hướng về đồng bào miền Nam. Bà Trần Thị Lân tình cờ là người được chọn trực tiếp bê mâm thóc, chùm dừa lên báo công dâng Bác. Mỗi lần nhớ lại những giây phút được ngồi cùng Bác, được Bác hỏi han, động viên, bà Lân bảo tim bà vẫn đập nhanh vì xúc động, sung sướng quá. Gặp Bác, bà Lân càng cảm phục Người hơn bởi Bác gần gũi, giản dị vô cùng. Bà kể lại: HTX Tân Phong sản xuất ra nhiều thóc lúa thế, ai cũng thương yêu Bác, chỉ muốn biếu Bác thật nhiều lúa gạo mang về nhưng sợ Bác mắng, các đồng chí lãnh đạo xã, HTX không dám mang biếu trực tiếp Bác, chỉ cử người mang ra xe một yến gạo do bà con xã viên sản xuất để biếu Bác.

Bà Trần Thị Tuyến, một trong những xã viên tiêu biểu của HTX Tân Phong năm 1966.

"Khi gặp Bác và các đồng chí Tố Hữu, Hoàng Anh tại đình Phương Cáp, ban đầu chị em chúng tôi xúc động quá không nói lên lời. Bác ân cần mời chúng tôi ngồi lên hàng ghế trên, hỏi xem địa phương có xảy ra thói xấu đàn ông đánh vợ hay không? Bác nhắc cán bộ, nhân dân tỉnh ta không nên chủ quan, tự mãn. Bác mong Thái Bình sớm trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt... Là phụ nữ, tôi nhớ nhất tình cảm, sự quan tâm của Bác dành cho nữ giới. Sau này, dù vất vả, khó khăn nhưng những lời động viên của Bác là động lực giúp tôi cố gắng vươn lên, phấn đấu và trưởng thành ở nhiều vị trí công tác khác nhau, từ xã đến huyện" - bà Trần Thị Tuyến chia sẻ.

Những ý kiến phê bình, nhắc nhở của Bác về việc một số cán bộ và nhân dân tỉnh ta chi tiêu còn chưa tiết kiệm, tuy nhẹ nhàng mà thấm thía, dẫu gần 50 năm đã qua đi nhưng bà Mùi vẫn nhớ như in. Làm theo lời Bác dạy, suốt những năm làm Đội trưởng Đội khoa học kỹ thuật, mặc dù cùng xã viên sản xuất ra rất nhiều lúa gạo, lương thực và cả tiền của đóng góp cho HTX nhưng bà Mùi vẫn một lòng thanh bạch, tự giác tằn tiện, chắt chiu từng cân thóc, hào bạc phục vụ nhân dân sản xuất, chiến đấu…

Dẫu chỉ một lần được gặp Bác với thời gian ngắn nhưng như thế cũng đủ là động lực, hành trang để 9 nữ xã viên tiêu biểu của HTX Tân Phong phấn đấu, rèn luyện suốt 50 năm qua. Từ những xã viên, sau này, 6 trong số 9 người đã vượt khó vươn lên, tự tin, trưởng thành, đóng góp tích cực cho các phong trào của xã, của huyện như: bà Tuyến nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vũ Thư; bà Trình nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hùng; bà Tý, bà Thơm là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã; bà Tỉnh là Bí thư Đoàn Thanh niên xã; bà Bộ là cán bộ kỹ thuật; bà Lân, bà Nụ, bà Mùi tiếp tục gắn bó với đồng ruộng nhưng đều là những xã viên điển hình, có nhiều cống hiến cho HTX Tân Phong. Đặc biệt, 7/9 bà là đảng viên từ 40 - 55 năm tuổi đảng, có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào cách mạng địa phương.

Dẫu thời gian đã qua nhưng kỷ niệm một lần được gặp Bác và những lời huấn thị của Người vẫn luôn khắc sâu trong trái tim 9 nữ xã viên HTX Tân Phong. Học và làm theo Bác, họ đã nỗ lực cống hiến, góp phần nhỏ bé cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phấn đấu xây dựng Thái Bình sớm trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như Bác hằng mong.

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày