Thứ 5, 25/07/2024, 04:14[GMT+7]

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Thứ 3, 17/05/2016 | 08:57:46
1,045 lượt xem
Cách đây 68 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, trong đó quan điểm “Thi đua là yêu nước” đã trở thành khẩu hiệu hành động, phương châm chỉ đạo đối với công tác thi đua, khen thưởng.

Ảnh minh họa.

 

Trong những năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Thái Bình luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, thi đua hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ mà nổi bật trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là:

 

Thi đua đã được đặt đúng vị trí, phản ánh đúng thực chất: các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng, toàn diện, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo được cụ thể hóa thông qua các tiêu chí đánh giá, bình xét, quan tâm đúng mức và có biện pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác thi đua.

 

Cách thức tổ chức triển khai phong trào thi đua đã từng bước đi vào chiều sâu, có tính sáng tạo, khoa học, linh hoạt: phong trào thi đua luôn gắn với cơ sở, xuất phát từ cơ sở. Việc nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến tiến, việc lựa chọn mục tiêu thi đua ở nhiều ngành, địa phương trong tỉnh được đưa ra bàn bạc dân chủ nên đã tạo được sự “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm” kết hợp với công tác tuyên truyền với nhiều hình thức sinh động, phong trào thi đua đã được lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, thực sự tạo được khí thế thi đua trong toàn tỉnh.

 

Phong trào thi đua đã đi đúng hướng, có chất lượng, nội dung phong phú, vì vậy đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả hơn, chất lượng hơn trên các lĩnh vực. Đặc biệt, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” thực sự đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn tỉnh với sự đồng thuận cao của nhân dân.

 

Kết quả phong trào thi đua không chỉ thể hiện ở số lượng các xã về đích nông thôn mới, ở số lượng ngày công, tiền của đóng góp cho quá trình xây dựng nông thôn mới, ở những cách làm sáng tạo, những tấm gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới mà quan trọng và ý nghĩa hơn là: từ phong trào đã khơi dậy, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng và ý thức làm chủ của mỗi người dân, thúc đẩy tinh thần, nghị lực, ý chí quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Để tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác về thi đua yêu nước và triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả, tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

 

1 - Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mạng càng khó khăn càng phải tổ chức các phong trào thi đua yêu nước”.

 

2 - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên làm cho mọi người tự nguyện, tự giác tham gia phong trào thi đua trên cơ sở kế hoạch, mục tiêu cụ thể, rõ ràng; khéo léo đề ra được tên phong trào với những khẩu hiệu hành động, tuyên truyền sắc bén, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân cũng như yêu cầu thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.

 

Cán bộ, đảng viên phải tích cực vận động quần chúng tham gia các phong trào thi đua và phải gương mẫu đi đầu tham gia phong trào, chú trọng phát hiện điển hình, nêu gương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích, phổ biến những kinh nghiệm trong phong trào thi đua, đồng thời phải có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết phong trào thi đua. Phải kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng trên quan điểm “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục, kịp thời biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt; khen thưởng bằng vật chất hoặc tinh thần nhằm động viên, khuyến khích phát triển cái tốt để lấn át cái xấu, xây dựng con người mới.

 

3 - Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp thực sự tâm huyết, có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

 

4 - Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời.

 

5 - Đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm động viên và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn phong trào thi đua với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), để tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn được biểu hiện và sống mãi trong các phong trào thi đua yêu nước, qua đó nâng cao chất lượng các phong trào thi đua. Nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tích cực phát hiện, xây dựng và bồi dưỡng điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực.

 

Bùi Văn Hiền

(Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua Khen thưởng tỉnh)

  • Từ khóa