Thứ 4, 31/07/2024, 09:19[GMT+7]

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thi đua, khen thưởng

Thứ 2, 30/05/2016 | 08:00:02
12,691 lượt xem
(Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 6/2016)

 

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phát động phong trào thi đua yêu nước, coi đây là một trong những phương thức lãnh đạo cách mạng, là nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách, là phương pháp giáo dục tổng hợp sinh động và có hiệu quả lớn của Đảng.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xem trọng vấn đề thi đua yêu nước. Người cho rằng hoạt thi đua yêu nước là cái cốt lõi để kháng chiến thành công, để đất nước phát triển. Trải nghiệm qua quá trình lịch sử dân tộc, Người đã tin tưởng và khẳng định: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta…”. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc. Theo Người: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”.

 

Về nội dung của thi đua, Người đã nhấn mạnh: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”. Người căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỷ mỷ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”. Mặt khác, trong tổ chức phong trào thi đua yêu nước phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng. Những hình thức khen thưởng đều có tác dụng động viên, khích lệ những người tham gia phong trào. “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”. Trong thi đua yêu nước, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải làm gương sáng cho mọi người, tập thể noi theo. Trong 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, có điều: “Nói thì phải làm”, và sau này, Người nhấn mạnh: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”; “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

 

Về phương pháp của thi đua, Người yêu cầu, phải kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Cần nhanh chóng biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt bằng cách kịp thời khen thưởng, động viên khuyến khích bằng vật chất hoặc tinh thần nhằm phát triển cái tốt để lấn át cái xấu, nhằm xây dựng con người mới, làm cho xã hội ngày một tiến bộ.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng phải lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước”; “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sự chỉ đạo cụ thể, sát sao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị, các ngành, các địa phương, các đoàn thể đều đẩy mạnh phong trào thi đua, nhờ vậy, phong trào thi đua ái quốc lan rộng, cả tiền tuyến và hậu phương mà 6 năm sau ngày ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, dân tộc ta đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sức mạnh của các phong trào thi đua: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Nghìn việc tốt”... đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cùng với phong trào thi đua, hàng trăm danh hiệu anh hùng, hàng nghìn danh hiệu chiến sĩ thi đua trên mọi lĩnh vực, mọi lứa tuổi được trao tặng cho các cá nhân và tập thể xuất sắc. Những nhân tố điển hình trong phong trào thi đua yêu nước qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã góp phần cổ vũ và tạo nên sức mạnh to lớn vượt qua mọi khó khăn để chiến thắng kẻ thù, giành độc lập, tự do cho đất nước.

 

Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng và Nhà nước ta phát triển và vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của đất nước, để lại những dấu ấn sâu đậm, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị và có sức sống mãnh liệt. Ngày 21/5/2004, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 39/CT-TW về việc “tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục nhấn mạnh: “Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”; Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”… Trên khắp đất nước, trong các ngành, các giới, các tổ chức chính trị - xã hội đã và đang dấy lên các phong trào thi đua lao động sáng tạo sôi nổi, rộng khắp như: phong trào xóa đói giảm nghèo, thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ xung kích; phong trào vì an ninh Tổ quốc; rèn đức luyện tài, con cháu thảo hiền; phong trào xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa… Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, những điển hình tiên tiến trong thời kỳ đổi mới.

 

Thực hiện quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng của Thái Bình luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp. Thông qua các kỳ tổ chức đại hội, hội nghị thi đua yêu nước của tỉnh đã tổng kết, khẳng định những thành quả đạt được, những bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các ngành nghề, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.

 

Kỷ niệm 68 năm ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” là dịp để chúng ta ôn lại những quan điểm, tư tưởng của Người về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay, những tư tưởng về thi đua yêu nước của Bác vẫn luôn là nền tảng, là động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban, ngành trong xã hội hưởng ứng tham gia.

 

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

  • Từ khóa