Thứ 3, 30/07/2024, 03:27[GMT+7]

Trí tuệ mẫn tiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 2, 29/08/2016 | 09:30:46
5,217 lượt xem
Đầu năm 1942, Hồ Chí Minh đi Trùng Khánh, Trung Quốc gặp Chu Ân Lai - đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc bên cạnh chính phủ trung ương Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch để phối hợp phong trào cách mạng hai nước và phong trào cách mạng thế giới.

Bà con Pác Bó, Cao Bằng vô cùng xúc động được gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 20 năm xa cách (20/2/1961). Ảnh tư liệu

Ngày 27/2/1942, khi vừa đặt chân đến thị trấn Túc Vinh, tỉnh Quảng Tây, Bác đã bị nhà cầm quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ trái phép. Từ đó, Bác bị lưu đày trên quãng đường dài hơn 1.000km, qua 13 huyện, thị, 18 nhà ngục, trong đó khủng khiếp nhất là ngục đá Phan Long trên lưng chừng núi - nơi được ví như "địa ngục trần gian".

Trước tinh thần đoàn kết và sức đấu tranh mạnh mẽ của các đoàn thể cách mạng trong nước, của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, của một số nhân sĩ, trí thức tiến bộ trong Quốc dân đảng, của dư luận Liên Xô và thế giới, nhà cầm quyền Tưởng Giới Thạch buộc phải trả tự do cho Hồ Chí Minh ngày 9/8/1943.

Liễu Châu - đại bản doanh đệ tứ chiến khu của Quốc dân đảng do tướng Trương Phát Khuê làm tư lệnh là một trong những nơi hối hả triển khai kế hoạch "Hoa quân nhập Việt" để đánh Nhật, đồng thời cũng là điểm mà các "chính khách Việt Nam" lưu vong thuộc "Việt Cách", "Việt Quốc", "Việt Nam giải phóng đồng minh hội", "Việt Nam phục quốc quân"... của Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Trần Văn An... đang nuôi mộng trở thành những nhân vật chính trị trên chính trường Việt Nam sau này. Ai trong số họ cũng vỗ ngực khoe mình là "cách mạng chân chính" nhưng lại không tiếc lời chửi nhau thậm tệ nơi đất khách.

Nhà cầm quyền Tưởng Giới Thạch buộc phải trả tự do cho Hồ Chí Minh, tuy nhiên bọn chúng̣ thừa biết nếu để Hồ Chí Minh về nước khác nào "thả hổ về rừng", "chắp cánh cho đại bàng". Vì vậy, Tưởng Giới Thạch đã chỉ thị cho Trương Phát Khuê ngấm ngầm giam chân, giữ khéo Hồ Chí Minh ở Liễu Châu để "ổn định mấy cái đầu nóng" của nhóm người Việt lưu vong. Thâm độc hơn, việc chúng giữ chân Bác sẽ gây mối hoài nghi giữa Bác với các đồng chí của mình ở trong nước.

Về phần mình, Bác hiểu rằng nếu cứ nằng nặc yêu cầu họ phải trả mình về Việt Nam thì đội quân ô hợp Tàu Tưởng sẽ không khoanh tay ngồi nhìn Bác vượt hơn 600km về biên giới Việt - Trung. Bởi vì Bác biết tư lệnh du kích người Việt vượt biên Sái Ðình Khải và đồng hương Trương Bội Công đã cho hơn 10.000 lính sơn cước phong tỏa khu vực biên giới giáp tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn. Với những kẻ xảo quyệt, hơn ta về nhiều mặt, người cách mạng phải bình tĩnh, không được mạo hiểm, phải biết tạo thời cơ để giành chiến thắng.

Nắm vững tinh thần đó, Bác đã "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", chấp nhận lời mời của Tưởng Giới Thạch nhưng có điều kiện.Ðể đồng bào trong nước và các đồng chí của mình hiểu được bối cảnh lúc bấy giờ, trên tờ Quảng Tây nhật báo, Bác đã ghi lại trên lề bài thơ "Tân xuất ngục học đăng sơn", nghĩa là "Mới ra tù tập leo núi" nói lên tâm trạng của mình:

"Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân,

Giang tâm như kính, tịnh vô trần.

Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh,

Dao vọng Nam thiên ức cố nhân".

Dịch là:

"Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,

Lòng sông gương sáng, bụi không mờ.

Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh,

Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa".

Ngoài ra, Bác còn ám chỉ cho các đồng chí ở trong nước nhiệm vụ cần phải làm ngay để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc tiến lên.

*

* *

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội diễn tập (1957).

Liễu Châu, Trung Quốc tháng 12/1943.

Sau khi Bác chuyển về địa chỉ mới tại nhà số 2/123 đường Liễu Thạch, khu Như Phong, nhân dịp ngày lễ, tướng Hầu Chí Minh, Bí thư Quốc dân đảng, Chủ nhiệm Cục chính trị đệ tứ chiến khu mở đại tiệc chiêu đãi trọng thể các vị khách quý. Trong số khách mời có Hồ Chí Minh với danh nghĩa thượng khách. Hôm ấy có cả các "chính khách Việt Nam" lưu vong như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh...

Khi rượu khai vị và những lời chúc sức khỏe Hồ Chí Minh cùng mọi người của chủ tiệc kết thúc, Nguyễn Hải Thần liếc nhìn ông chủ họ Hầu như có ý xin phép. Ông ta hắng giọng:

- "Ngộ" xin ra một vế "tối" (đối) cho vui "pữa" (bữa) tiệc của tướng quân ấy à... (vì ở Trung Quốc lâu ngày nên Nguyễn Hải Thần nói tiếng Việt lơ lớ như người Hoa Chợ Lớn): "Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, lưỡng vị "tồng chí" (đồng chí), chí giai minh" (nghĩa là: Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai vị đồng chí, chí đều sáng).

Nói xong, ông ta cúi gập người, liếc mắt nhìn sang Hầu Chí Minh lúc đó đang đứng cạnh Hồ Chí Minh, ý muốn nói với ông chủ họ Hầu về lòng trung thành của mình với Quốc dân đảng. Ðoạn ông ta vênh mặt dương dương tự đắc, lên giọng thách thức mọi người:

- Ấy à... Chư vị nào có tài, xin "tối" (đối) cho "ngộ".

Nguyễn Hải Thần xoa hai bàn tay vào nhau, nhếch mép cười gian xảo, mắt liếc xéo sang phía Hồ Chí Minh.

Một phút. Hai phút. Ba phút trôi qua trong im lặng. Nhiều người nhìn nhau, không biết nên đối như thế nào. Cái hiểm, cái khó của câu ra đối là hai chữ "Chí" và "Minh" đều trùng với chữ đệm cũng như tên của chủ tiệc là Hầu Chí Minh và thượng khách là Hồ Chí Minh. Hơn nữa, cái xấc xược, mánh khóe của Nguyễn Hải Thần còn ở chỗ đánh đồng Hồ Chí Minh và Hầu Chí Minh là đồng chí của nhau.

Vậy phải đối như thế nào để không làm mất thể diện của Hầu Chí Minh? Vế đối lại phải mang ý nghĩa sâu xa, uyên thâm, cao thượng nhưng nhất định tôi không phải là đồng chí của các vị.

Bốn phút trôi qua, khi Nguyễn Hải Thần đang tự đắc về tài "Hán học" của mình trước đông đảo khách tiệc thì Hồ Chí Minh bước lên tách khỏi Hầu Chí Minh. Bác lịch thiệp xoay người lại, nói với cả hai:

- Tôi xin phép được đối.

Nguyễn Hải Thần xun xoe: "Ngộ" "piết" (biết) ngay mà. Xin các vị hãy nghe ngài Hồ Chí Minh trổ tài.

Bác trịnh trọng nâng cốc chúc sức khỏe Hầu Chí Minh và các vị khách. Mọi người im lặng chờ đợi. Bác cất giọng hào sảng, khúc triết và tự tin:

- "Nhĩ cách mạng, ngã cách mạng, đại gia cách mạng, mạng tất cách" (nghĩa là: Anh cách mạng, tôi cách mạng, mọi người cách mạng, mạng phải cách).

Như vậy, vế ra của Nguyễn Hải Thần có 13 chữ; vế đối của Hồ Chí Minh cũng có 13 chữ. Vế ra của Nguyễn Hải Thần có 4 chữ "Chí"; vế đối của Hồ Chí Minh có 4 chữ "Cách". Cách mạng đối với Chí Minh. Vế ra của Nguyễn Hải Thần có 2 chữ "Hai vị"; vế đối của Hồ Chí Minh có 2 chữ "Mọi người".

Bác không lấy tên một cá nhân nào để đối lại mà câu từ lại rất ý tứ, tư tưởng cao, nghĩa là tư tưởng lập trường, quan điểm của các anh phải thay đổi đi, phải "cách" đi.

Vế đối của Hồ Chí Minh vừa dứt thì cả hội trường vang dậy tiếng vỗ tay tán thưởng. Cử tọa không ngờ Hồ Chí Minh lại thông tuệ, tài trí đến như vậy. Hầu Chí Minh phải khoát tay ra hiệu cho mọi người trật tự rồi ông ta trịnh trọng:

- Thưa ngài Hồ Chí Minh kính mến! Tôi chỉ biết nói rằng, vế đối của ngài thật là tuyệt!

Còn Nguyễn Hải Thần thì đứng chết lặng, miệng há hốc đầy kinh ngạc. Ông ta hiểu ngay rằng mình đã gặp một đối thủ hơn mình một cái đầu. Nguyễn Hải Thần tiếp lời chủ tiệc họ Hầu:

- Hồ tiên sinh quả là người tài giỏi. Tôi xin "pội" (bội) phục!

*

* *

Kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mỗi người dân Việt Nam lại có quyền tự hào vì "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại. Chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta".

Việt Bảo

  • Từ khóa