Thứ 5, 16/01/2025, 00:41[GMT+7]

Nhớ mãi ngày Bác Hồ về thăm

Thứ 4, 17/05/2017 | 10:01:46
5,363 lượt xem
Tháng 5, mỗi người Việt Nam đều nhớ ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu với lòng trân trọng, thành kính và biết ơn. Đã 48 năm Bác đi xa nhưng sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người vẫn sống mãi với non sông Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, ngày 26/3/1962. Ảnh tư liệu.

Bác là vị Cha già kính yêu của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại, kế thừa tư tưởng, đạo đức phương Đông và tinh túy văn hóa phương Tây; tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác mãi mãi ghi sâu trong tâm trí mỗi người dân quê lúa trong dịp Bác về thăm Thái Bình lần thứ hai, ngày 28/4/1946.

Sau 3 tháng lao động cần cù không kể ngày đêm, hai đoạn đê ở Hưng Nhân và Mỹ Lộc (Thư Trì) dài gần 3 cây số với khối lượng 3 vạn khối đất đá và 4,5 vạn ngày công đã được quân và dân Thái Bình hoàn thành với chất lượng tốt. Tin vui được báo cáo lên Chính phủ. Để ghi nhận, biểu dương thành tích đó, phái đoàn Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã về dự lễ khánh thành đê, ngày 28/4/1946.

Lần này Bác về tỉnh được báo trước nên mọi công tác chuẩn bị đón Bác được thực hiện chu đáo, địa điểm tại sân vận động thị xã Thái Bình. Từ sáng sớm ngày 28/4/1946, sân vận động thị xã Thái Bình đã nhộn nhịp như ngày hội lớn: tự vệ chiến đấu mang trang phục áo nâu, chân quấn xà cạp, vác mã tấu, giáo búp đa; phụ nữ mặc quần áo đồng phục, đầu chít khăn mỏ quạ; đoàn thanh niên quần âu xanh, áo sơ mi trắng; thiếu niên đầu đội mũ ca nô lệch, khăn quàng đỏ thắm trên vai, tay đánh trống. Đường phố thị xã Thái Bình rợp màu băng, biển, khẩu hiệu, cờ đỏ tung bay cùng nhạc điệu, lời ca tiếng hát rộn ràng. 

Khoảng 9 giờ sáng ngày 28/4/1946, Bác Hồ về tới thị xã Thái Bình. Tại phòng khách, đại biểu chính quyền, mặt trận Việt minh, các đoàn thể, đại biểu thân hào, thân sĩ, tôn giáo hân hoan chào đón Bác và các thành viên trong đoàn. Đúng 10 giờ sáng, Bác cùng các thành viên trong đoàn tiến ra lễ đài, cùng đi với Bác có cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông Nguyễn Xiển, ông Lê Liêm và một số nhà báo trong và ngoài nước. Với giọng nói ấm áp, chứa chan tình thương yêu, Bác khen ngợi Thái Bình đã làm tốt việc huy động lực lượng hàn khẩu hai đoạn đê với thời gian nhanh. Bác hoan nghênh tinh thần lao động hăng say của nhân dân. Bác kêu gọi mọi người phải ra sức diệt kẻ thù, trước mắt là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Thay mặt Chính phủ, Bác trao cờ thưởng cho lực lượng vũ trang tỉnh, sau đó Bác cùng phái đoàn duyệt đội diễu binh, tuần hành biểu dương lực lượng của lực lượng vũ trang tỉnh. 

Sau khi mít tinh kết thúc, với tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Hồ Chủ tịch, các đại biểu dự lễ đón Bác đều mang quà của địa phương biếu Bác, Bác chỉ nhận 10 củ khoai lang, 1 quả bí ngô, 1 quả bí đao, 1 tấm vải làng Bơn khổ hẹp, 1 tấm khăn của các cháu thiếu nhi. Sau đó Bác về nhà khách của tỉnh, tại đây Bác ân cần thăm hỏi phong trào phụ nữ Thái Bình, những cán bộ trong cơ quan có con em tham gia đội quân Nam tiến. Buổi chiều, Bác cùng phái đoàn đi kiểm tra đê Đìa (Hưng Nhân), lễ đón Bác được địa phương tổ chức ngay trên mặt đê vừa đắp. Sau khi xem toàn bộ đoạn đê mới, Bác nhắc nhở nhân dân làm kỹ hơn nữa, hai đầu giáp nhau làm theo kiểu bậc thang rồi đầm cho kỹ để phòng khi đất khô bờ đê sẽ bị nứt. Bác thăm hỏi các gia đình: Ở đầu nguồn nước có ai bị nước cuốn không, hiện nay đã có nhà ở chưa... 

Trong buổi làm việc với địa phương, Bác khen ngợi tinh thần đắp đê của quân và dân Hưng Nhân song cần chú ý hàng năm phải tiếp tục củng cố đê cho vững chắc. Các cụ già có kinh nghiệm nên phổ biến cho thanh niên biết cách phòng hộ đê, đắp đê, đồng thời đẩy mạnh công tác sản xuất. Trên đường về Hà Nội, Bác cùng các thành viên trong đoàn kiểm tra đê Mỹ Lộc (Thư Trì). Đông đảo đồng bào địa phương đã có mặt đón Bác. 

Cảm động trước sự quan tâm đặc biệt và chấp hành nghiêm những chỉ huấn của Hồ Chủ tịch, nhân dân Thái Bình đã nhanh chóng ổn định đời sống, phát động phong trào tăng gia sản xuất, phong trào bình dân học vụ, phong trào tòng quân giết giặc, cùng với nhân dân cả nước khắc phục những khó khăn trước mắt, đưa phong trào cách mạng tiến lên trong những ngày đầu kháng chiến.

Bác đã đi xa song những lời căn dặn, những tình cảm thiết tha của Bác nay đã trở thành mệnh lệnh trái tim đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân Thái Bình nói riêng. Chúng ta nguyện phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng trong đánh giặc giữ nước của dân tộc, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lưu Quang Điệu

(Trường Quân sự tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày