Thứ 7, 23/11/2024, 03:43[GMT+7]

Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 2, 03/07/2017 | 14:35:46
3,210 lượt xem
(Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 7/2017)

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời năm 1947, gồm 6 phần: Phê bình và sửa chữa; Mấy điều kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa. Đây là tác phẩm có nội dung sâu sắc, toàn diện về giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng của Đảng, Nhà nước ta. Nhân kỷ niệm 70 năm tác phẩm ra đời (1947 - 2017), bắt đầu từ số này, Báo Thái Bình đăng tải toàn văn nội dung tác phẩm để làm tài liệu sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị.

Phần I - Phê bình và sửa chữa

Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa. Cán bộ và đảng viên làm việc không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều. Đó là lẽ tất nhiên. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công.

Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh. Khuyết điểm có nhiều thứ. Chúng ta có thể chia tất cả các khuyết điểm vào ba hạng:

- Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan.

- Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi.

- Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa.

Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay, để nó lây ra, thì có hại vô cùng.

A - Bệnh chủ quan 

Mỗi chứng bệnh sinh ra do nhiều nguyên nhân. Nhưng kết quả nó đều làm cho người ta ốm yếu. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông.

Trước hết, ta phải hiểu lý luận là gì? Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.

Hiện nay, phong trào cách mạng rất cao. Nhưng thử hỏi cán bộ và đảng viên ta đã mấy người biết rõ lý luận và biết áp dụng vào chính trị, quân sự, kinh tế, và văn hóa? Đã mấy người hiểu “biện chứng” là cái gì? Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại. Đó là chứng kém lý luận trong bệnh chủ quan. Có những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Cố nhiên, những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Họ quên rằng: kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi.

Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ. Những anh em đó, cần phải nghiên cứu thêm lý luận, mới thành người cán bộ hoàn toàn. Có những người xem được sách, xem nhiều sách. Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý. Nhưng thế không phải đã là biết lý luận. Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách. Xem nhiều sách để mà lòe, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận. Những anh em đó cần phải ra sức thực hành mới thành người biết lý luận.

Nói tóm lại, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông.

Đây phải nói rõ vấn đề trí thức. Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều. Nhưng có đôi người trí thức vì thế mà kiêu ngạo, lên mặt. Chứng kiêu ngạo lên mặt rất có hại cho họ. Nó ngăn trở họ tiến bộ.

Trí thức là gì? trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra. Ngoài hai cái đó, không có trí thức nào khác. Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế.

Vì vậy, những người trí thức đó cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế.

Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành.

B - Bệnh hẹp hòi

Bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải. Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hoá..., đều do bệnh hẹp hòi mà ra!

Có những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận mình. Họ quên hẳn cái chế độ dân chủ tập trung. Họ quên rằng thiểu số phải phục tùng đa số, hạ cấp phải phục tùng thượng cấp, bộ phận phải phục tùng toàn thể. Chúng ta phải kiên quyết chữa ngay bệnh ấy, mỗi một đảng viên, mỗi một bộ phận, mỗi một lời nói, việc làm, tuyệt đối phải nhằm vào lợi ích của toàn cuộc, lợi ích của toàn Đảng.

Vì ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách tẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng. Đó là một thứ bệnh hẹp hòi, trái hẳn với nguyên tắc tập trung và thống nhất của Đảng. Cũng vì bệnh hẹp hòi đó mà cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương không đoàn kết chặt chẽ. Phải biết rằng: chỉ có hai hạng cán bộ đó đoàn kết chặt chẽ và chỉ có cán bộ địa phương ngày càng thêm nhiều, thì nền tảng của Đảng mới phát triển và vững vàng. Cán bộ phái đến, trình độ thường cao hơn, kinh nghiệm nhiều hơn. Nhưng cán bộ địa phương lại biết rõ nhân dân, quen thuộc công việc hơn. Hai hạng cán bộ phải giúp đỡ nhau, bồi đắp nhau, thì công việc mới chạy. Vì bệnh hẹp hòi mà cán bộ phái đến thường kiêu ngạo, khinh rẻ cán bộ địa phương, cho họ là dốt, kém, thành thử không thân mật hợp tác.

Từ nay, hễ có việc lôi thôi như thế nữa, thì cán bộ phái đến phải chịu lỗi nặng hơn, nhất là những cán bộ lãnh đạo. Hai hạng cán bộ phải kết thành một khối, không phân biệt, không kèn cựa. Phải cùng nhau chữa cho tiệt cái nọc bệnh hẹp hòi. Cán bộ quân sự với cán bộ địa phương cũng vậy, phải đoàn kết nhất trí, giúp đỡ lẫn nhau. Cán bộ quân sự trong một địa phương thường giữ địa vị lãnh đạo và có quyền lực trong tay. Vì vậy, nếu từ nay còn có sự không hoà thuận giữa hai bên, thì cán bộ quân sự phải chịu lỗi lớn hơn.

Bộ đội này với bộ đội khác, địa phương này với địa phương khác, cơ quan này với cơ quan khác, đều phải phản đối bệnh ích kỷ, bệnh địa phương. Thí dụ: không muốn cấp trên điều động cán bộ, hoặc khi điều động thì chỉ đùn những cán bộ kém ra. Có vật liệu gì dù mình có thừa, hoặc không cần đến, cũng thu giấu đi, không cho cấp trên biết, không muốn chia sẻ cho nơi khác. Bệnh địa phương đó, phải tẩy cho sạch.

Lại còn vấn đề cán bộ cũ và cán bộ mới. Đảng càng phát triển thì cần đến cán bộ mới càng nhiều. Vả chăng, số cán bộ cũ có ít, không đủ cho Đảng dùng. Đồng thời, theo luật tự nhiên, già thì phải yếu, yếu thì phải chết. Nếu không có cán bộ mới thế vào, thì ai gánh vác công việc của Đảng. Vì vậy, cán bộ cũ phải hoan nghênh, dạy bảo, dìu dắt, yêu mến cán bộ mới. Cố nhiên cán bộ mới, vì công tác chưa lâu, kinh nghiệm còn ít, có nhiều khuyết điểm. Nhưng họ lại có những ưu điểm hơn cán bộ cũ: họ nhanh nhẹn hơn, thường giàu sáng kiến hơn. Vì vậy, hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau. Cán bộ cũ thường giữ địa vị lãnh đạo. Vì vậy, nếu từ nay, quan hệ giữa hai hạng cán bộ ấy không ổn thoả, thì cán bộ cũ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Như thế mới chữa khỏi bệnh hẹp hòi.

Từ trước đến nay, vì bệnh hẹp hòi mà có những sự lủng củng giữa bộ phận và toàn cuộc, đảng viên với Đảng, cán bộ địa phương và cán bộ phái đến, cán bộ quân sự và cán bộ “mặt trận”, cán bộ mới và cán bộ cũ, cơ quan này và cơ quan khác, bộ đội này và bộ đội khác, địa phương này và địa phương khác. Vậy từ nay, chúng ta phải tẩy cho sạch cái bệnh nguy hiểm đó, khiến cho Đảng hoàn toàn nhất trí, hoàn toàn đoàn kết.

Bệnh hẹp hòi đối ngoại. Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng. Họ quên rằng: chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng: so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết. Vì vậy ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại.

Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi. Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết cách xử trí khôn khéo với các hạng đồng bào (như tôn giáo, quốc dân thiểu số, anh em trí thức, các quan lại cũ, v.v.). Từ nay, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hành chính sách đại đoàn kết. Chính sách thành công thì kháng chiến mới dễ thắng lợi.

Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi, v.v., mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó.

Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy.

Để chữa khỏi những bệnh kia, ta phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau. Trong lúc phê bình, khuyết điểm phải vạch ra rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải nhắc đến. Một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng.

(còn nữa )


(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 231 - 239, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000)