Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
IV - VẤN ĐỀ CÁN BỘ
1. Huấn luyện cán bộ
Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.
Đảng có mở những lớp huấn luyện cán bộ. Nhưng đại đa số cán bộ, hoặc bận công việc, hoặc xa xôi quá, chưa được huấn luyện. Đối với những cán bộ đó, Đảng cần phải tìm cách huấn luyện họ (hoặc mở lớp ở địa phương, hoặc gửi sách vở cho họ nghiên cứu, v.v.).
Khuyết điểm trong sự huấn luyện - Đã có nơi mở lớp huấn luyện, thế rất tốt. Song những lớp ấy còn nhiều khuyết điểm. Thí dụ: huấn luyện cho cán bộ trong các cơ quan hành chính mà không đụng đến công việc hành chính. Còn dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được. Phần đông cán bộ là công nhân và nông dân, văn hóa rất kém. Đảng chưa tìm đủ cách để nâng cao trình độ văn hóa của họ. Huấn luyện lý luận cho những cán bộ cao cấp, đến nay hoặc chưa làm, hoặc làm không đúng, lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy theo cách học thuộc lòng. Đó là những điều Đảng nên sửa chữa ngay, theo cách sau đây:
a) Huấn luyện nghề nghiệp
Phải thực hành khẩu hiệu: làm việc gì học việc ấy. Vô luận ở quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tổ chức, tuyên truyền, công an, v.v., cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy. Những cơ quan lãnh đạo và những người phụ trách phải có kế hoạch dạy cho cán bộ trong môn của mình, do các cấp Đảng giúp vào. Cách học tập gồm có 5 môn:
1. Điều tra: tình hình có quan hệ với công tác của mình. Thí dụ: môn quân sự, thì điều tra, phân tách, nghiên cứu rõ ràng tình hình của địch, của bạn, của ta, chọn những điểm chính làm tài liệu huấn luyện cho cán bộ.
2. Nghiên cứu: những chính sách, chỉ thị, nghị quyết. Thí dụ: cán bộ về môn tài chính, phải hiểu rõ chính sách tài chính và những nghị quyết về tài chính của Chính phủ.
3. Kinh nghiệm: Thí dụ: ban tuyên truyền thì gom góp tất cả những kinh nghiệm thành công hoặc thất bại trong công việc tuyên truyền, chép thành tài liệu huấn luyện, cho cán bộ tuyên truyền học.
4. Lịch sử: Thí dụ: môn kinh tế thì đem những sự thay đổi trong nền kinh tế của nước ta trong thời kỳ gần đây làm tài liệu huấn luyện.
5. Khoa học: Thí dụ: các cán bộ quân sự thì phải nghiên cứu khoa học quân sự, cán bộ y tế phải nghiên cứu y học. Cán bộ môn nào thì nghiên cứu lý luận của môn ấy.
Các cơ quan lãnh đạo của mỗi môn phải gom góp tài liệu, sắp xếp cách dạy và học, kiểm tra kết quả, sao cho cán bộ trong môn mình dần dần đi đến thạo công việc.
b) Huấn luyện chính trị
Có hai thứ: thời sự và chính sách; Cách huấn luyện thời sự là khuyên gắng và đốc thúc các cán bộ xem báo, thảo luận và giải thích những vấn đề quan trọng, và định kỳ khai hội cán bộ, báo cáo thời sự; Huấn luyện chính sách là đốc thúc các cán bộ nghiên cứu và thảo luận những nghị quyết, những chương trình, những tuyên ngôn của Đảng, của Chính phủ. Huấn luyện chính trị, môn nào cũng phải có. Nhưng phải tùy theo mỗi môn mà định nhiều hay ít. Thí dụ: cán bộ chuyên môn về y tế, về văn nghệ, v.v. thì ít hơn. Cán bộ về tuyên truyền, tổ chức, v.v., thì phải nghiên cứu chính trị nhiều hơn.
c) Huấn luyện văn hóa
Với những cán bộ còn kém văn hóa, thì việc huấn luyện này rất trọng yếu. Trước hết phải dạy cho họ những thường thức: lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, cách viết báo cáo, nghĩa vụ và quyền lợi người công dân. Các bài học do một ban phụ trách sắp xếp. Lớp học do một hoặc vài ba cơ quan tổ chức với nhau. Những lớp đó cần phải có giáo viên luôn luôn phụ trách và giáo viên ngoài giúp việc. Các cán bộ có thể thay phiên nhau mà đi học. Cần phải ưu đãi các giáo viên và khen thưởng những lớp tổ chức tốt. Những cán bộ học trong những lớp này, phải theo trình độ văn hóa cao hay thấp mà đặt lớp, chứ không theo cấp bậc cán bộ cao hay thấp.
d) Huấn luyện lý luận
Những cán bộ cao cấp và trung cấp mà có sức nghiên cứu lý luận (trình độ văn hóa khá, ham nghiên cứu), thì ngoài việc học tập chính trị và nghề nghiệp đều cần học thêm lý luận. Huấn luyện lý luận có hai cách:
Một cách là chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế, tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông, vô ích.
Một cách là trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế. Lúc học rồi, họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích.
Lý luận do kinh nghiệm cách mạng ở các nước và trong nước ta, do kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận những kinh nghiệm đó thành ra lý luận. Nhưng phải biết khéo lợi dụng kinh nghiệm. Nếu thấy người ta làm thế nào mình cũng một mực bắt chước làm theo thế ấy. Thí dụ: nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng. Trái lại, kinh nghiệm các nước và ở nước ta đều nói: phải gần gụi dân chúng, vào sâu trong dân chúng. Điều này rất đúng. Ta phải kiên quyết thực hành theo kinh nghiệm đó. Kinh nghiệm các nước và ở nước ta nói: phải kiên quyết chống bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Ta cũng phải kiên quyết chống những bệnh đó vì nhận thấy ta thường mắc phải và các bệnh này rất có hại cho công tác, rất hại cho Đảng.
Học tập - Khuôn khổ học tập, chia ra khoa học chính trị, khoa học kinh tế, khoa học lịch sử, v.v., mà học dần dần. Học tập thì theo nguyên tắc: kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau. Thí dụ: khoa học chính trị dùng sách vở, bài báo bàn về chiến lược, chiến thuật làm tài liệu lý luận; lấy lịch sử và kinh nghiệm tranh đấu của Đảng làm tài liệu thực tế. Khoa học kinh tế lấy “kinh tế chính trị học” làm tài liệu lý luận, lấy lịch sử kinh tế của nước ta gần 100 năm nay làm tài liệu thực tế. Các môn khác cũng thế.
Cách học tập: Tổ chức từng ban cao cấp hoặc trung cấp. Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào.
- Sắp xếp thời gian và bài học cho những lớp đó, phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau, mà không xung đột với nhau.
- Vô luận công tác môn nào, lớp huấn luyện nào, đều phải tuyệt đối chống bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Các tài liệu huấn luyện phải do cơ quan lãnh đạo xét kỹ.
- Cách huấn luyện này là huấn luyện lâu dài. Cho nên nguyên tắc là: để phát triển nghề nghiệp mà không trở ngại đến nghề nghiệp và sức khỏe của cán bộ. Ở các cơ quan, mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ. Những nơi vì hoàn cảnh kháng chiến đặc biệt, thời giờ dài hay ngắn, tùy theo điều kiện mà định. Những giờ học tập đều tính như những giờ làm việc. Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định.
- Cách kiểm tra, thi khảo, thưởng phạt những lớp đó, do Trung ương định.
- Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ. Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy. Không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện.
2. Dạy cán bộ và dùng cán bộ
Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta.
Đảng ta là một đoàn thể đấu tranh. Trong cuộc tranh đấu thường hao tổn một số cán bộ quý báu. Vì vậy, chúng ta càng phải quý cán bộ, phải bổ sung cán bộ, phải giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới. Mặt trận dân tộc ngày càng rộng, nảy nở ra hàng ngàn hàng vạn người hăng hái, tham gia vào Đảng ta. Họ hăng hái nhưng lý luận còn thiếu, kinh nghiệm còn ít. Trong công tác, họ thường gặp những vấn đề to tát, họ phải tự giải quyết. Vì vậy chúng ta cần phải đặc biệt chú ý săn sóc những cán bộ đó. Vì vậy, vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp. Đối với vấn đề đó, Đảng phải làm thế nào?
1. Phải biết rõ cán bộ - Từ trước đến nay, Đảng ta chưa thực hành cách thường xem xét cán bộ. Đó là một khuyết điểm to. Kinh nghiệm cho ta biết: mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra.
2. Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng.
Cất nhắc cán bộ là một công tác cần kíp. Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại.
3. Phải khéo dùng cán bộ - Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công.
4. Phải phân phối cán bộ cho đúng - Thí dụ: Trong một nơi quan trọng ở một thành thị to thì phải phái những cán bộ có quan hệ khăng khít với quần chúng. Họ là người trong quần chúng mà ra, có sáng kiến, tinh thần, chắc chắn, chí khí vững vàng. Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc.
5. Phải giúp cán bộ cho đúng - Phải luôn luôn dùng lòng thân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc. Và phải luôn luôn kiểm soát cán bộ.
6. Phải giữ gìn cán bộ - Tại những nơi phải công tác bí mật khi cần thì phải phái cán bộ mới thế cho cán bộ cũ, và phái cán bộ cũ đi nơi khác. Phải tìm mọi cách để giữ bí mật cho cán bộ.
3. Lựa chọn cán bộ
a) Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.
b) Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ.
c) Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn.
d) Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật. Đó là những khuôn khổ để lựa chọn cán bộ, chúng ta phải theo cho đúng. Trong Đảng ta, có những nơi thường dùng những người văn hay nói khéo, nhưng không làm được việc, không ra tranh đấu. Mà những đồng chí viết không hay nói không thạo nhưng rất trung thành, hăng hái, rất gần gụi quần chúng, thì bị dìm xuống. Chúng ta phải sửa chữa ngay những điểm đó.
Đã lựa chọn đúng cán bộ còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù
4. Cách đối với cán bộ
Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gụi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Chúng ta phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi, bệnh bao biện. Tóm lại, đối với cán bộ có năm cách:
a) Chỉ đạo - Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tuỳ theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác, để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ, đúng với đường lối của Đảng.
b) Nâng cao - Luôn luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ.
c) Kiểm tra - Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ.
d) Cải tạo - Khi họ sai lầm thì dùng cách “thuyết phục” giúp cho họ sửa chữa. Không phải một sai lầm to lớn, mà đã vội cho họ là “cơ hội chủ nghĩa”, đã “cảnh cáo”, đã “tạm khai trừ”. Những cách quá đáng như thế đều không đúng.
đ) Giúp đỡ - Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ đau ốm, phải có thuốc thang. Tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ, và sự thân ái đoàn kết trong Đảng.
(còn nữa)
(Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 269 - 277, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2000)
Tin cùng chuyên mục
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc 27.12.2024 | 09:25 AM
- Cựu thanh niên xung phong phường Đề Thám: Học và làm theo Bác, nhân lên những giá trị tốt đẹp 22.08.2024 | 09:16 AM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Trường Tiểu học Trần Lãm báo công dâng Bác tại Quảng trường Thái Bình 26.03.2024 | 06:56 AM
- Học Bác từ những điều bình dị 12.02.2024 | 23:07 PM
- Triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 trong toàn tỉnh 19.01.2024 | 09:04 AM
- Đoàn kết nhân lên sức mạnh 26.10.2023 | 08:44 AM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Thực hiện lời Bác dạy: Công an cách mạng vì nhân dân phục vụ 24.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
- Gặp mặt chức sắc đại diện các tôn giáo xuân Ất Tỵ năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Đổi mới, sáng tạo trong hành động với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thái Bình