Thứ 3, 23/07/2024, 07:21[GMT+7]

Xuân về nhớ Bác

Thứ 3, 13/02/2018 | 11:01:44
843 lượt xem
Xuân đã đến, nhân dân cả nước hân hoan chào đón năm mới với bao hy vọng. Hòa lẫn trong những xúc cảm đó, mỗi người lại bồi hồi nhớ về Bác Hồ kính yêu, mừng Đảng ta tròn 88 tuổi. Với người dân Thái Bình, xuân Mậu Tuất 2018 có ý nghĩa đặc biệt gắn với một sự kiện đặc biệt cách đây 60 năm ngày 26/10/1958 Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba, nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh tại Đại hội phát động sản xuất nông nghiệp vụ đông - xuân 1958 - 1959.

Đồng bào, cán bộ Thái Bình phấn khởi chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và chúc tết đầu năm, ngày 1/1/1967. Ảnh tư liệu.

60 mùa xuân đã đến và đi qua cùng những đổi thay của quê hương nhưng tình cảm mà Bác Hồ đã dành cho nhân dân Thái Bình vẫn còn nguyên sự ấm nồng. Với những người từng được thấy Bác, nghe Bác nói chuyện tại sân vận động thị xã Thái Bình năm nào, vầng hào quang, niềm hạnh phúc họ nhận được từ tình cảm của Bác vẫn còn tỏa sáng trong việc làm, hành động, trong những câu chuyện kể. 

Bà Đỗ Thị Xoa (xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư) 84 tuổi đời, 59 năm tuổi đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư), chia sẻ: Cuộc đời tôi vinh dự vô cùng khi 5 lần được gặp Bác. Mỗi dịp tết đến, xuân về trong lòng tôi lại bồi hồi xúc động nhớ về Bác Hồ kính yêu. Ngày Bác về thăm Thái Bình lần thứ ba, tôi là Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Hiệp Hòa may mắn được nghe Bác Hồ nói chuyện trong Đại hội phát động sản xuất nông nghiệp vụ đông - xuân 1958 - 1959 tại sân vận động thị xã Thái Bình. Nội dung Bác nói chuyện với đồng bào năm đó rất ngắn gọn, súc tích. Bác bảo rằng: Trong kháng chiến, đồng bào, bộ đội và cán bộ Thái Bình đã anh dũng đánh giặc. Hòa bình lập lại đã cố gắng và có thành tích trong công cuộc khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa. Về sản xuất, do cố gắng của đồng bào và cán bộ, vụ mùa năm nay tốt hơn năm ngoái. Tổ đổi công và hợp tác xã có phát triển, cán bộ thì tham gia lao động sản xuất và lãnh đạo sát hơn, lại có sáng kiến như “sạch làng, tốt ruộng” như thế là tốt. Người cũng nhắc nhở một số điểm cần khắc phục như vấn đề tiết kiệm, chủ quan, tự mãn. Cuối cùng, Người kết luận: “Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, người đông, đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc”.

91 tuổi đời, 71 năm tuổi đảng, ông Nguyễn Văn Hạng (tổ 17, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh là người may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ lúc sinh thời. Ông kể: Lần thứ ba Bác Hồ về thăm Thái Bình, trước 4 vạn đồng bào trong tỉnh, Bác khuyên nông dân làm ruộng có năng suất lúa và hoa màu cao, nông dân chung sức, đồng lòng đi theo con đường làm ăn tập thể để ngày một ấm no, nông thôn thêm giàu mạnh. Củng cố thật tốt cả tổ đổi công và hợp tác xã. Phát triển đến đâu, củng cố tốt đến đấy. Bác ví: “Xây dựng tổ đổi công và hợp tác xã cũng như bện cái dây thừng, thừng càng nhiều sợi chắp lại càng mạnh, càng bền, càng tốt, kéo gì cũng nổi”. Thế rồi sau đó, những lời Bác dạy đã biến thành sức mạnh trong nhà máy, trên đồng ruộng, trên các công trường, thôi thúc lòng người vươn tới những đỉnh cao trong công tác, sản xuất để đáp lại ân tình của vị Cha già kính yêu. Trên đường thực hiện kế hoạch ba năm cải tạo và bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa, từ thị xã đến nông thôn Thái Bình, những người lao động đều làm ăn với khí thế mới. Nông dân được làm chủ ruộng đồng, làm ăn có tính chất tập thể, thời tiết thuận lợi nên năm 1958 - 1959 là hai năm lúa tốt, Thái Bình có năng suất cao nhất từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 

Nhớ về vị Cha già kính yêu của dân tộc, ông Hạng xúc động: Bác Hồ của chúng ta là lãnh tụ nhưng giản dị, gần gũi vô cùng. Tuy không được trực tiếp trò chuyện cùng Bác mà chỉ được nghe Bác nói chuyện nhưng sự hiền từ, minh triết, ân cần của Người còn tỏa ấm trái tim tôi đến tận bây giờ. Sự thân tình, cởi mở, giản dị của Người luôn là bài học quý giá trong quãng đời hoạt động chính trị của tôi, thôi thúc tôi không ngừng phấn đấu và dù ở bất cứ cương vị nào tôi đều nỗ lực hết mình vì công việc, liêm khiết, cần kiệm, trọn đời theo Đảng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình cảm đặc biệt cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình và Thái Bình vinh dự 5 lần được đón Bác về thăm. Người đã để lại những tình cảm lớn cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh cùng những lời di huấn thiêng liêng trong suốt chiều dài lịch sử. Đó là niềm tin, là động lực tinh thần vô giá để Đảng bộ, quân và dân Thái Bình đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Thái Bình từ một tỉnh nghèo, kém phát triển, trở thành một trong những tỉnh khá, mạnh của khu vực. Thực hiện trọn vẹn “Lời thề sắt son theo tiếng Bác gọi”, những năm qua, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân trong tỉnh đều hướng về Bác, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất, kết thành hàng nghìn bông hoa đẹp dâng Bác kính yêu, góp sức xây dựng Thái Bình ngày càng văn minh, hiện đại.

Trong niềm vui chung của cả nước, xuân Mậu Tuất 2018 Thái Bình cũng tràn ngập một niềm vui riêng khi đạt những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh tăng 11%, giá trị sản xuất tăng 13,15% so với năm 2016 - là năm thứ hai liên tiếp, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh ta đạt mức 2 con số, cao hơn mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra (bình quân 8,6%/năm) và là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được nâng cao.

Khắc sâu những lời khen ngợi, dặn dò, phê bình cũng như sự chỉ bảo ân cần của Bác tại Đại hội phát động sản xuất nông nghiệp vụ đông - xuân cách đây 60 năm, Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những bước tiến dài chưa từng thấy trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Từ tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha năm 1966, đến nay năng suất lúa của Thái Bình đã đạt hơn 13 tấn thóc/ha, sản lượng lương thực đạt hơn 1 triệu tấn/năm. Từ một tỉnh độc canh cây lúa, hôm nay Thái Bình xác định 5 đột phá chiến lược với 3 giải pháp trọng tâm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, mang bản sắc riêng; trọng tâm là đẩy mạnh tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng suất, giá trị trên một đơn vị canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân. Thái Bình cũng vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới với 205 xã, 1 huyện về đích, trên 70% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Có một điều rất đặc biệt là những vùng quê đã in dấu chân Người: Hồng An (Hưng Hà), Nam Cường, Đông Lâm (Tiền Hải), Tân Hòa, Hiệp Hòa (Vũ Thư) nay trở thành xã nông thôn mới trù phú, ấm no, rộn tiếng ca vui.

Xuân đã về trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Cùng với hàng triệu trái tim trong cả nước, mỗi người dân Thái Bình càng nhớ những lời dặn dò, chỉ bảo ân cần của Bác trong những lần Người về thăm càng ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn, càng thấm thía công lao to lớn như non cao, biển rộng của Người đối với dân tộc. “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, không ngừng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như Bác kính yêu hằng mong.

Nguyễn Hình