Thứ 5, 16/01/2025, 05:59[GMT+7]

Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ 4, 02/05/2018 | 15:09:25
1,619 lượt xem
(Chuyên đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 5/2018)

Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy” và đi đến kết luận: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì thế, Người rất quan tâm đến xây dựng, rèn luyện đội  ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có xây dựng, rèn luyện phong cách công tác. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng phong cách, tác phong của người cán bộ, đảng viên, cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

1. Phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên

 - Phong cách dân chủ, quần chúng: 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ” là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Người chỉ rõ: Đảng ta thực hiện “Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các cơ quan nhà nước trong chế độ ta” và “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”. Vì thế, người cán bộ, đảng viên phải tạo ra được không khí dân chủ thực sự trong nội bộ, lắng nghe và khơi gợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình. Đó không chỉ khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần cống hiến của cấp dưới và quần chúng nhân dân mà còn làm cho tổ chức cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó. 

Người có phong cách dân chủ là thực hành tốt nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; nhưng dân chủ phải có định hướng, có lãnh đạo, dân chủ phải đi đến sự tập trung chứ không phải dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức.

 Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có phong cách làm việc quần chúng. Phong cách quần chúng không có nghĩa là “theo đuôi quần chúng”. Người cán bộ phải biết cách tổ chức phong trào phù hợp với trình độ, năng lực thực tế của quần chúng, không chủ quan, duy ý chí, áp đặt thực tiễn theo ý mình; phải biết gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của quần chúng. Khi người cán bộ thấm nhuần tác phong quần chúng, họ sẽ được quần chúng nhân dân yêu thương, tin cậy, ủng hộ và khi đó, việc gì họ làm cũng thành công.

 - Phong cách khoa học: đòi hỏi khi xem xét và quyết định mọi việc đều phải điều tra, nghiên cứu, phân tích toàn diện, phải tôn trọng quy trình ra quyết định, tranh thủ ý kiến của tập thể lãnh đạo và quần chúng. Tuyệt đối không ra quyết định khi chưa có thông tin đầy đủ, chưa có phương án tính toán hiệu quả. Tránh chủ quan duy ý chí, che giấu khuyết điểm để chạy theo thành tích. Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh là làm việc phải có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực. Phải biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết công việc một cách tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất. Người cán bộ phải biết tiết kiệm thời gian của mình nhưng cũng phải biết tiết kiệm thời gian cho người khác. Phong cách làm việc khoa học yêu cầu người cán bộ phải có cách đánh giá đúng người, đúng việc, sắp xếp công việc cho hợp lý; lại phải biết cách kiểm tra, giám sát công việc và cấp dưới một cách hiệu quả, qua đó thấy được việc thi hành đường lối, nghị quyết của Đảng như thế nào và cần điều chỉnh cái gì… “Có kiểm tra… mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”. 

- Phong cách nêu gương: 

Theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm gương trong mọi công việc, mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người cán bộ, đảng viên cần nêu gương trên ba mối quan hệ với mình, với người, với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân; phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên trên, lên trước việc tư. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Với cán bộ, đảng viên, sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đạo đức và nêu gương đạo đức cần đạt tới sự nhất quán trong công việc và trong đời sống riêng, giữa đạo đức người lãnh đạo và đạo đức đời thường. Địa vị càng cao, uy tín càng lớn, càng phải ra sức hoàn thiện về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm. Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Hồ Chí Minh chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. 

2- Phong cách lãnh đạo của người đứng đầu 

- Phong cách dân chủ, nhưng quyết đoán: 

Phong cách lãnh đạo dân chủ thì phải dựa vào quần chúng; không được quan liêu, hách dịch, coi thường quần chúng nhân dân. Phải biết đời sống thực của nhân dân, những băn khoăn, trăn trở của họ để kịp thời uốn nắn và tháo gỡ. Đồng thời, người cán bộ lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu vừa phải lắng nghe ý kiến của tập thể, vừa phải quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây cũng chính là việc thực hiện nghiêm nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Kết hợp tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, thực hiện trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu để khắc phục những hiện tượng coi thường tập thể, hoặc ngược lại, dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể, không dám quyết đoán, không nêu cao trách nhiệm cá nhân… làm trì trệ, suy yếu năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý của người cán bộ lãnh đạo. 

- Phong cách lãnh đạo sâu sát: 

Theo Hồ Chí Minh, lãnh đạo sâu sát sẽ nâng cao được tính khách quan, minh bạch, tăng cường được công tác kiểm tra, giám sát, từ đó kiểm soát tốt hơn đối với việc thực thi quyền lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân, góp phần phòng chống tham nhũng có hiệu quả. Bởi vậy, Người yêu cầu dựa vào quần chúng nhân dân để giám sát, kiểm tra, nhằm loại trừ các hành vi trục lợi, ăn cắp, tham ô, đục khoét, biến của công thành của riêng. Theo Người, muốn tốt, “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”, “sở dĩ sự thật còn bị bưng bít vì sự kiểm tra, giám sát của các ngành, các cấp, không nghiêm túc, chưa chặt chẽ”. Sau kiểm tra, giám sát, thì cái sai cần khắc phục, sửa chữa ngay và cái đúng, cái tốt phải được động viên khen thưởng, kịp thời, vì khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng lúc sẽ động viên, giáo dục, thúc đẩy người lao động hăng say làm việc.

 - Khéo dùng người, trọng dụng người tài: 

Là người lãnh đạo giỏi thì phải khéo dùng người và trọng dụng nhân tài. Người xác định, việc dùng người phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Dùng người mà không đúng, công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng. Về trọng dụng nhân tài, theo quan điểm của Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Trọng dụng nhân tài phải biết tùy tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết.

 - Phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo: 

Một yêu cầu quan trọng trong phong cách của người đứng đầu, người lãnh đạo là phải có sự thống nhất giữa tính đảng, tính nguyên tắc cao với tính năng động, sáng tạo, sự nhạy cảm với cái mới. Người cán bộ đứng đầu, người lãnh đạo còn phải có nhiệt tình cách mạng để từ đó say mê, tận tuỵ với công việc và tìm ra những phương án sáng tạo nhằm thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. 

Để có tri thức khoa học, người cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ về chính trị, văn hóa, nghiệp vụ cũng như nắm được tình hình trong và ngoài nước. Trong học tập và nghiên cứu phải đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng một mặt phải xuất phát từ tình hình cụ thể, giải thích cho quần chúng hiểu và thực hiện các chủ trương, chính sách đó như thế “lý luận mới không tách rời thực tế”. 

Trong mọi công tác, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, người lãnh đạo có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, cần có sự vững vàng, không thay đổi trong những vấn đề thuộc về nguyên tắc, đó là những vấn đề có tính chiến lược, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là “bất biến, phải giữ vững như sắt đá”. Cùng với kiên định về nguyên tắc, những vấn đề chiến lược, thì sách lược cách mạng, các hình thức, phương pháp, biện pháp, cách thức tiến hành phải mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với thực tế để có thể đạt kết quả cao nhất. 

3- Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt việc học tập và làm theo phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 

- Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành: 

Đưa nội dung giáo dục về xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống học viện, trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện dành cho cán bộ, đảng viên và cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, các ngành. Thực hiện nghiêm Quy định số 101- QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. 

- Hai là, giữ vững các nguyên tắc “tập trung dân chủ” và “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, quản lý. Xây dựng quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy, người đứng đầu các cấp trong thực thi công vụ, trong đó, nêu rõ những yêu cầu về phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo. 

- Ba là, tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên: tiếp tục xây dựng các quy định, quy chế, nội quy trong thực thi công vụ và thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo. Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, đối với cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu các cấp, các ngành, cần xây dựng quy định kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp ủy cấp trên, quy định kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và của các đoàn thể, nhân dân, để kịp thời phát hiện, phê bình, uốn nắn sai phạm, khuyết điểm. Thực hiện nghiêm Quy định số 55-QĐ/ TW ngày 10/01/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. 

- Bốn là, xây dựng các quy định về đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo: Sớm xây dựng các quy định về đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, kèm theo các yêu cầu bắt buộc, cùng các chế tài cụ thể để xử lý sai phạm. Các tiêu chí về đạo đức công vụ phải cụ thể, rõ ràng và khả thi, tức là có thể thực hiện theo, có thể kiểm tra, đánh giá, có thể theo dõi, giám sát.

 - Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát: Các tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng đối với việc xây dựng, thực hiện phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, phong cách lãnh đạo của người đứng đầu các cấp. Thực hiện nghiêm Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Bộ Chính trị về ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày