Thứ 7, 23/11/2024, 15:52[GMT+7]

“Không được để dân đói, dân đói Chính phủ có lỗi"

Thứ 5, 30/08/2018 | 09:31:51
4,932 lượt xem
Hồ Chủ tịch đã thực sự hòa vào cuộc đời lao động mà chia sẻ thương yêu và trước hết vẫn là với người lao động. Một trong những việc Người thường xuyên quan tâm là đi thăm nông thôn để được biết, được thấy cái lo của dân mà cùng lo, được thấy cái vui của dân để mà cùng vui.

Nhân dân xã Tân Lễ (Hưng Hà) đấu tranh chống Nhật phá lúa trồng đay tháng 3 năm 1945. Ảnh tư liệu

Trước Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ biết rất rõ Thái Bình là một trong những nơi đông dân nhất, nơi dân sống cực khổ nhất, nơi trọng điểm của thiên tai như bão gió, úng lụt, hạn hán… và cũng là nơi dân đói nhất (nạn đói năm Ất Dậu 1945 đã cướp đi của Thái Bình 28 vạn người).

Bác đã biết, trong lịch sử Thái Bình là nơi đất đai màu mỡ, đồng ruộng phì nhiêu. Nhiều triều đại vẫn coi nơi đây là kho lúa gạo, kho của cải. Cư dân Thái Bình vốn có truyền thống khai hoang lấn biển và thâm canh lúa giỏi….thế nhưng ở giai đoạn suy tàn của chế độ phong kiến Việt Nam, người dân Thái Bình có thừa sức lao động mà vẫn đói khổ. Họ phải dìu dắt nhau bỏ làng mạc lang thang đi kiếm sống ở khắp nơi. Nạn thiếu ruộng đất đã đẩy người nông dân đến chỗ bế tắc, không lối thoát. Từ khi người Pháp sang thi hành chính sách bóc lột bằng thuế khóa, phu phen, tài nguyên…cộng với nạn bao chiếm ruộng đất của bọn cường hào đã đẩy người dân vào con đường cùng cực.

Bác Hồ gặp và nói chuyện với nhân dân Thái Bình ở đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa.

Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra cho nhân dân ta một con đường mới. Cuối năm 1945, đầu năm 1946 vận nước đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc, bao khó khăn thử thách đến với dân tộc. Thực dân Pháp được quân Anh giúp đỡ gây hấn ở Nam bộ. 20 vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc với ý đồ tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, bóp chết chính quyền cách mạng còn non trẻ. Các thế lực phản động trong nước nổi lên toan giành lại chính quyền, đòi chia quyền lãnh đạo. Nền kinh tế của đất nước kiệt quệ do hậu quả của chính sách vơ vét, bóc lột của Nhật - Pháp…cách mạng đang đứng trước những khó khăn cực kỳ to lớn.

Ở Thái Bình quân Nhật chưa rút nhưng 500 quân Tưởng đã kéo đến chốt giữ các vị trí quan trọng tại thị xã và các đầu mối giao thông. Chúng thường xuyên gây rối, bắt giữ, khủng bố nhân dân, yêu sách đủ điều nhằm chống phá cách mạng.

Sáng 21/8/1945 ( tức 11 tháng 7 Ất Dậu) đoạn đê Đìa ở Hưng Nhân bị vỡ. Hôm sau, ngày 22/8 đoạn đê Mỹ Lộc ở Thư Trì vỡ. Nước lụt tràn khắp 12 phủ, huyện. Lúa mùa mất trắng. Nạn đói tháng ba chưa qua, nạn đói sau lại đe dọa. Mặc dù lúa vụ chiêm năm 1945 khá tốt nhưng dự trữ trong dân về lương thực chẳng có là bao. Ngân khố tỉnh chỉ còn ba vạn đồng tiền Dông Dương rách. Nông khố chỉ còn vài trăm tấn thóc và ba triệu đồng. Cơ sở công nghiệp của tỉnh hầu như không có gì. Tàn dư của chế độ cũ để lại với các tệ nạn đình đám, ma chay, cưới xin, đồng bóng mê tín và các tập tục hủ bại khác còn quá nặng nề, 95% nhân dân mù chữ; sự hiểu biết về chính trị, xã hội và các vấn đề y tế, giáo dục còn hết sức lạc hậu. Trước tình hình đó Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết về những nhiệm vụ cấp bách….

Mặc dù rất bận mải, nhưng Bác vẫn cố gắng thu xếp công việc để về động viên nhân dân Thái Bình. Nhiều người dân Thái Bình vẫn còn nhớ như in hình ảnh Bác lần đầu về Thái Bình, ngày 10/01/1946 - đó là một ông già, người mảnh khảnh nhưng khỏe mạnh, bộ mặt sạm nắng vì phong sương, mắt ngời sáng, bộ râu hơi dài, đã điểm bạc, mặc bộ quần áo kaki, đầu đội mũ cát, chân đi giày vải. Những người được gặp Bác lần ấy ai cũng kể lại rằng: Mới lần đầu được gặp lãnh tụ mà sao thấy gần gũi, thân quen. Bác nói chuyện với nhân dân, nhân dân quây quần bên Bác, chẳng có gì cảm thấy xa xôi, ngăn cách. Bác về Thái Bình để xem Ủy ban cách mạng lâm thời tổ chức cứu đói cho dân ra sao, hàn khẩu hai quãng đê vỡ như thế nào. Vừa xuống xe, Bác đã đi thẳng vào nhà bếp xem xét chỗ ăn, chỗ ở của anh chị em cảnh vệ. Đồng chí cấp dưỡng đang sắp xếp bữa ăn nhìn thấy Bác cứ cuống lên. Bác nhìn nồi cá kho trên bếp và hỏi:

- Cá diếc kho khô à?

Đồng chí cấp dưỡng chưa kịp trả lời Bác thì đồng chí Đỗ Thị Hạnh thưa:

- Thưa Cụ, cá kho để lấy nước chấm rau ạ.

Bác lại hỏi: 

- Chủ tịch cũng ăn cá kho thôi à?

Đồng chí cấp dưỡng thưa: 

- Thưa Cụ, đồng chí Chủ tịch cùng ăn chung ạ.

Khi lảm việc với các đồng chí trong Ủy ban, Bác căn dặn: “Giành chính quyền đã khó, nhưng giữ chính quyền còn khó hơn. Làm thế nào phải đoàn kết được toàn dân, đoàn kết các thân hào, thân sỹ. Dân ta đói vì vỡ đê nên phải lo giải quyết nạn đói cho dân. Cần đắp nhanh những đoạn đê vỡ, tạo điều kiện cho dân sản xuất…”.

Khi được biết Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh đã ra chỉ thị chống đói, cho các đoàn thể đi vay thóc của nhà giầu, tịch thu kho thóc của Nhật, cử cán bộ sang Nam Định, vào Ninh Bình, Thanh Hóa đong thóc chia cho dân thì Bác thấy yên tâm phần nào.

Trước khi lên xe về Thái Bình, Bác đã nói với mọi người là “ đi xin tiền để giúp đồng bào vùng lụt đắp đê”. Bác điện cho các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam quyên tiền để ủng hộ Thái Bình.

Điều quan trọng, Bác nhấn mạnh khi căn dặn cán bộ Thái Bình, là: “Không được để dân đói, dân đói Chính phủ có lỗi. Khi nước rút phải lo ngay việc tăng gia sản xuất, lo giữ vệ sinh chung. Phải săn sóc các cụ già, các cháu nhỏ, nhất là ở những nơi lụt nặng”.

Lên xe rồi Bác còn dặn: “Làm sao đắp xong đê trước mùa nước. Phải đưa thêm lực lượng lên đê. Toàn dân đoàn kết thì việc lớn mấy cũng làm được. Hoàn thành việc đắp đê, tôi sẽ về thăm”.

Cách mạng đang ở vào thời kỳ gay go hơn ai hết. Hồ Chủ tịch hiểu rất rõ nguyên nhân gây ly tán lòng người và tác hại của nó. Người cũng hiểu rõ sức mạnh đồng tâm và khả năng tạo nên sức mạnh đó. Vì vậy chính sách đoàn kết mà Người luôn luôn nêu cao, cổ vũ là phương châm chính trị có cơ sở vững chắc, rộng rãi, trước sau như một nhằm tạo nên sức mạnh lớn lao của Đảng, của dân tộc để giữ nước và dựng nước. Đoàn kết lúc này là sự sống còn của dân tộc. Có “đoàn kết toàn dân, đoàn kết các thân hào, thân sỹ” chúng ta mới vượt qua được cơn hiểm nghèo ấy.

Hồ Chủ tịch đã thực sự hòa vào cuộc đời lao động mà chia sẻ thương yêu và trước hết vẫn là với người lao động. Một trong những việc Người thường xuyên quan tâm là đi thăm nông thôn để được biết, được thấy cái lo của dân mà cùng lo, được thấy cái vui của dân để mà cùng vui. Bác Hồ của chúng ta là thế đó.

TT ( sưu tầm)