Thứ 5, 16/01/2025, 11:58[GMT+7]

60 năm ấy biết bao ân tình

Thứ 6, 26/10/2018 | 08:23:18
15,048 lượt xem
Vào ngày này cách đây 60 năm, Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba (26/10/1958 - 26/10/2018) và dự Đại hội sản xuất Đông - Xuân tỉnh Thái Bình. Ghi nhớ công ơn và làm theo lời Bác dạy, 60 năm qua, Thái Bình luôn chú trọng đầu tư cho phát triển nông nghiệp làm trụ đỡ cho các ngành kinh tế khác, đạt được những thành tựu to lớn và rất đỗi tự hào.

Nhân dân Thái Bình mừng vui đón Bác (26/3/1962).

Cuốn sách Bác Hồ với Thái Bình, Thái Bình làm theo lời Bác ghi lại: Ngày 26/10/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Bình lần thứ ba. Người gặp gỡ Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh tại trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình và những công việc tỉnh đã làm được trong năm 1958. Rời trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chuyên gia Trung Quốc tại công trường nhà máy xay; sau đó Người tới dự Đại hội sản xuất Đông - Xuân tỉnh Thái Bình. 

Ông Nguyễn Văn Hạng (phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh là người may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ lúc sinh thời.  Ông kể: Sáng ngày 26/10/1958, trên 4 vạn đại biểu nhân dân đội ngũ chỉnh tề tại sân vận động thị xã Thái Bình để đón Bác nhân dịp Tỉnh ủy và UBND tỉnh tổ chức Đại hội sản xuất Đông - Xuân toàn tỉnh. Tôi vinh dự là đại biểu được dự Đại hội hôm đó. Bác của chúng ta mặc bộ đồ quần áo màu gụ, đầu đội mũ cát, chân đi dép cao su đen, nước da hồng hào, khỏe mạnh. Bác giơ tay vẫy tay chào, tiếng hoan hô vang lên không ngớt. Bác lên lễ đài và phát biểu. Người đánh giá cao những thành tích mà quân dân Thái Bình đã đạt được: Trong kháng chiến, đồng bào và cán bộ Thái Bình đã cố gắng và lập nhiều thành tích trong công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa. Bác chỉ rõ những ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ, nhân dân Thái Bình. Bác nêu 6 nhiệm vụ trước mắt: Củng cố tổ đổi công, hợp tác xã; việc phục vụ nông nghiệp của cán bộ các ngành, các giới; vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên; vấn đề đoàn kết và tiết kiệm. Cuối cùng, Bác kêu gọi “Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, ngoài đồng đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu ở miền Bắc”.  

Bà Đỗ Thị Xoa (xã Hiệp Hòa, Vũ Thư), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư) luôn tự hào nhiều lần được gặp Bác Hồ. Bà Xoa cho biết: Ngày Bác về thăm Thái Bình lần thứ ba, tôi là Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Hiệp Hòa may mắn được nghe Bác Hồ nói chuyện trong Đại hội phát động sản xuất nông nghiệp vụ Đông - Xuân 1958 - 1959 tại sân vận động thị xã Thái Bình. Qua cách nói chuyện, ai cũng cảm nhận được Bác dành những tình cảm rất đặc biệt cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình. Thế nên, Thái Bình vinh dự 5 lần được đón Bác về thăm. Người về động viên chia sẻ với người nông dân một nắng hai sương khi tin con đê xung yếu bị vỡ, nước ngập trắng đồng. Người về chung niềm náo nức của tỉnh nhà trong phong trào khai hoang lấn biển mở rộng diện tích đất canh tác và toàn tỉnh thi đua đạt thành tích cao trong sản xuất. Trong tôi giờ vẫn còn ký ức hân hoan Thái Bình đón Bác ngày 31/12/1966 tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa khi đất lúa đạt năng suất kỷ lục 5 tấn thóc/ha.

60 năm qua, từ khi Bác về thăm Thái Bình lần thứ ba, những tình cảm sâu nặng, lời chỉ bảo ân tình và mong muốn của Bác đã khắc sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thái Bình, trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị  trong các giai đoạn, thời kỳ cách mạng. Ngay trong khói lửa chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nam giới huy động cho chiến trường, lao động còn lại ở địa phương chiếm 70% là nữ nhưng Thái Bình luôn dẫn đầu năng suất lúa toàn miền Bắc, đạt 5 tấn thóc/ha năm 1966, 6 tấn/ha năm 1972, 7 tấn/ha năm 1974. Quê hương 5 tấn Thái Bình là niềm tự hào, là biểu tượng về tinh thần nỗ lực thi đua lao động sản xuất nông nghiệp của cả miền Bắc khi đó. Với tinh thần “Thái Bình dốc lòng chi viện cho tiền tuyến”, mặc dù chỉ chiếm 5% diện tích đất canh tác của miền Bắc nhưng Thái Bình luôn đóng góp cho Nhà nước từ 10 - 12% tổng lượng lương thực huy động của miền Bắc. Đến năm 1975, tổng sản lượng lương thực tăng gấp 2 lần, chăn nuôi tăng gần 3 lần so với năm 1954.

Khắc sâu lời Bác dạy, những năm qua, Thái Bình ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chú trọng phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhờ tích cực đầu tư hệ thống thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu giống, đưa những giống lúa năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy, đến nay năng suất lúa của Thái Bình đạt trên 13 tấn/ha. Mỗi năm, Thái Bình sản xuất trên 1 triệu tấn lương thực, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực trong tỉnh mà tạo ra một lượng lớn sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Thái Bình đẩy mạnh tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với tích tụ ruộng đất và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Toàn tỉnh đã tập trung, tích tụ ruộng đất với diện tích 14.929,28ha; xây dựng 146 cánh đồng lớn ở 133 xã với diện tích 12.296ha; trong đó diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm 9.766ha với công thức luân canh 3 vụ cho giá trị sản xuất trên 200 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trên 110 triệu đồng/ha/năm; với các vùng trồng rau màu, 4 - 5 vụ/năm giá trị sản xuất đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm. Thái Bình đã thu hút nhiều dự án lớn vào đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp diện tích 200ha tại huyện Quỳnh Phụ hứa hẹn tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Cùng với tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, Thái Bình đã huy động mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, điểm đột phá là thực hiện chương trình nước sạch nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 59 công trình cấp nước tập trung, 100% số xã trong tỉnh được cấp nước từ hệ thống công trình cấp nước sạch tập trung; đến nay, tỷ lệ hộ nông thôn đã đấu nối, sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là 94,2%. Tỉnh đã cấp hỗ trợ cho các địa phương 1.281.854 tấn xi măng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, hiện đại, phục vụ tốt đời sống dân sinh. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân đã đóng góp tiền mặt và hiện vật quy thành tiền 9.677,6 tỷ đồng (chiếm 26,3% tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới); góp trên 100 triệu ngày công lao động, tự nguyện hiến trên 2.200ha đất để dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi. Con em Thái Bình ở khắp mọi miền Tổ quốc hướng về quê hương ủng hộ 181,2 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Thái Bình đã vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới với 200 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn. Diện mạo các làng quê của Thái Bình “thay da đổi thịt” khoác lên mình “tấm áo mới” văn minh, hiện đại hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Đến hết năm 2017, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 37 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 4,01%.

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê hương lần thứ ba, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nguyện khắc ghi, biết ơn những tình cảm sâu nặng, ân tình và công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khắc ghi lời Bác dạy, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, thực hiện thành công lời căn dặn của Người “Làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

Mạnh Cường 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày