Học tập làm theo phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là lề lối, cung cách, cách thức làm việc của người lãnh đạo mà đối tượng của sự lãnh đạo đó là cấp dưới, là quần chúng nhân dân. Để đạt mục tiêu lãnh đạo, Hồ Chí Minh đã tác động vào quần chúng nhân dân bằng một tác phong rất sâu sát, với cách thức phù hợp để phát huy cao nhất vai trò của họ. Cách làm việc này bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm về mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân lãnh tụ và quần chúng nhân dân của chủ nghĩa Mác - Lênin và từ phẩm chất đạo đức cách mạng trọn đời vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”. Người nhấn mạnh: “Cách làm việc, cách tổ chức... của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”. Để có phong cách làm việc sát quần chúng, hợp quần chúng, Người yêu cầu cán bộ phải thường xuyên tiếp xúc làm việc với quần chúng, nắm tâm tư, nguyện vọng và thật sự quan tâm tới đời sống mọi mặt của họ. Đồng thời phải tin yêu tôn trọng quần chúng, lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình xây dựng của quần chúng; không chỉ giáo dục mà còn phải học hỏi quần chúng và nêu gương cho quần chúng noi theo. Người nhấn mạnh: “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”, “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”. Trong cách làm việc với quần chúng cần phải nắm vững tình hình chất lượng quần chúng, phân loại các mức hạng khác nhau để có biện pháp làm việc cho hiệu quả, mặt khác phải nắm rõ đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của dân chúng là “họ hay so sánh” và họ so sánh đúng vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Vì thế, “Người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh”. Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở cán bộ phải phê phán và đấu tranh khắc phục cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh. Người yêu cầu các đồng chí phụ trách ở các bộ, ban, ngành và trung ương phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít.
Hồ Chí Minh không chỉ nói, viết để giáo dục cán bộ về phong cách làm việc sát quần chúng, hợp quần chúng mà Người đã thể hiện phong cách đó một cách mẫu mực để mọi người học tập và làm theo. Thực tế cho thấy, nhờ phong cách làm việc sát hợp quần chúng mà Hồ Chí Minh đã “đưa chính trị vào giữa dân gian”, hòa mình với quần chúng để nghe được những điều quần chúng nói, thấu hiểu quần chúng để lãnh đạo họ.
Hồ Chí Minh có phong cách làm việc thật sự dân chủ, tôn trọng tập thể. Thực hiện dân chủ, tôn trọng tập thể là vấn đề có tính nguyên tắc xuất phát từ nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của đảng kiểu mới. Đây là điều mà Hồ Chí Minh đã nói nhiều và đã thực hành trong quá trình làm việc với quần chúng, với cấp dưới, với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể cách mạng. Theo Người, trong công tác lãnh đạo, quản lý mà thực hành được dân chủ, tôn trọng các quyết định của tập thể, biết lắng nghe ý kiến của mọi người thì sẽ phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo và quy tụ được sức mạnh, sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, tạo nên sức mạnh to lớn để giải quyết thắng lợi mọi nhiệm vụ. Trong suốt quá trình công tác, Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng về việc tôn trọng tập thể, phục tùng các quyết định của tổ chức, luôn tôn trọng ý kiến của mọi người, không phân biệt chức vụ cao thấp. Trước khi quyết định vấn đề gì, Người đều hỏi lại cẩn thận, chu đáo những người và cơ quan đã giúp mình chuẩn bị công việc. Người đã sớm cảnh báo về hiện tượng mất dân chủ, không tôn trọng tập thể trong công tác của cán bộ, nhất là những người có chức, có quyền cao. Phong cách làm việc dân chủ, tôn trọng tập thể của Hồ Chí Minh hoàn toàn đối lập với phong cách làm việc theo kiểu áp đặt mệnh lệnh hành chính, độc đoán chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, dân chủ hình thức hoặc dân chủ cực đoan, tùy tiện, tự do vô chính phủ. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, lối làm việc dân chủ, tôn trọng tập thể phải đi liền với sự quyết đoán và tinh thần dám chịu trách nhiệm cá nhân. Người chỉ rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ dẫn đến cái tệ bừa bãi lộn xộn, vô chính phủ”.
Một nét đặc sắc trong phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là làm việc có tính khoa học. Người làm việc tận tâm, tận lực, làm việc với lòng nhiệt tình cách mạng vì nước, vì dân và luôn làm việc có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực. Người cho rằng, muốn có kế hoạch khoa học thì người cán bộ phải “Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy”. Hết sức tránh chuyện vạch ra “Chương trình công tác thì quá rộng mà kém thiết thực” và căn bệnh “đánh trống bỏ dùi” gây lãng phí tiền của, nhân lực và thời gian của nhân dân. Ở đây có một sự thống nhất hài hòa trong con người Hồ Chí Minh với cả tư cách của nhà cách mạng và nhà khoa học. Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh đối lập hoàn toàn và xa lạ với lề lối, cách thức làm việc mang nặng cảm tính chủ quan, phất phơ cốt cho hết ngày không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc; làm việc một cách tự do, tùy tiện, gặp chăng hay chớ, thiếu điều tra nghiên cứu, thiếu kế hoạch; thiếu ngăn nắp, luộm thuộm, lề mề, chậm chạp, không coi trọng thời gian, lãng phí sức người sức của; làm việc thiếu cụ thể thiết thực; thiếu tầm nhìn xa trông rộng... Những biểu hiện như thế đã được Hồ Chí Minh chỉ ra và yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải kiên quyết khắc phục sửa chữa.
Để có phong cách làm việc khoa học, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy” và “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”. Khi ra các quyết định phải có thông tin đầy đủ và bảo đảm có phương án thực thi hiệu quả, không chủ quan duy ý chí, phải xây dựng thói quen tôn trọng thực tế khách quan, không bóp méo sự thật, làm việc với tầm nhìn xa trông rộng trên cơ sở dự báo khoa học về tình hình có liên quan để tránh bị động, bất ngờ và tránh sa vào công việc mang tính sự vụ thiển cận. Người đã phê phán gay gắt những cán bộ mắc “bệnh cận thị”. Không thấy xa trông rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ... Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi, hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi, hại to lớn”.
Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh còn được biểu hiện rõ ở chỗ khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại đều có tổng kết rút kinh nghiệm để tiến hành những công việc khác tốt hơn. Người lãnh đạo phải biết sử dụng bộ máy, những người cộng sự, những cơ quan giúp việc một cách khoa học, hiệu quả và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng.
Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển “phương pháp làm việc biện chứng” - vốn được Người xem là ưu điểm chủ yếu của chủ nghĩa Mác. Với tư cách là nhà khoa học chân chính, Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ “con mắt ta nhìn xã hội cũng phải khoa học” và trên thực tế, mọi cái nhìn của Người đối với các vấn đề đều ít nhiều mang tính khoa học. Người thường dùng phương pháp so sánh các sự việc, hiện tượng theo thời gian, không gian, tính chất để làm nổi bật vấn đề. Người đã đưa ra những nhận định sâu sắc về những điều ẩn chứa đằng sau các số liệu báo cáo qua những con số cụ thể. Trong bài viết Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “người tốt, việc tốt” (1968), Hồ Chí Minh có viết: “Các chú sẽ xem bản kê này, Bác đã ghi rõ mỗi ngành, mỗi giới, mỗi địa phương, già, trẻ, gái, trai, miền ngược, miền xuôi, Việt kiều mới về nước... có bao nhiêu người được khen thưởng. Những con số ghi trong này không có ý nghĩa là ngành này, giới này, tỉnh này anh hùng hơn ngành, giới, tỉnh kia. Nơi nào có ít người được khen là do khuyết điểm của cấp lãnh đạo ở đó”.
Nét đặc sắc nổi bật trong phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, nêu gương trước cấp dưới và quần chúng. Người sớm nhận thức sâu sắc rằng: sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nguyên tắc này đòi hỏi trong hoạt động của người cán bộ phải xuất phát từ thực tiễn để vận dụng lý luận một cách phù hợp, sáng tạo, qua thực tế mà bổ sung, phát triển lý luận. Phải phòng, chống bệnh giáo điều, xét lại và chủ nghĩa kinh nghiệm, xem thường lý luận. Hồ Chí Minh đã nêu một kiểu mẫu về sự gắn kết chặt chẽ, khoa học giữa lý luận và thực tiễn trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đồng thời thể hiện một tấm gương sáng về nói đi đôi với làm và nêu gương cho mọi người học tập, làm theo. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã đánh giá: “Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói là làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động”.
Hồ Chí Minh đã phê phán một số cán bộ chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được và yêu cầu cán bộ, đảng viên nói là phải làm, “nói ít, bắt đầu bằng hành động”, “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Muốn vậy phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm của mình, đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình, phải chống những bệnh hữu danh, vô thực, bệnh hình thức. Về phía tổ chức đảng, Người chỉ rõ “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.
Với cương vị, trọng trách của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh đã có ảnh hưởng to lớn đến nâng cao chất lượng lãnh đạo và uy tín của Đảng đến tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đến hoàn thiện nhân cách người cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể cách mạng.
Trong tình hình hiện nay, việc học tập, rèn luyện theo phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi tổ chức đảng, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt điều đó sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng - vấn đề cốt tử của Đảng ta trên cương vị cầm quyền.
Tin cùng chuyên mục
- Cựu thanh niên xung phong phường Đề Thám: Học và làm theo Bác, nhân lên những giá trị tốt đẹp 22.08.2024 | 09:16 AM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Trường Tiểu học Trần Lãm báo công dâng Bác tại Quảng trường Thái Bình 26.03.2024 | 06:56 AM
- Học Bác từ những điều bình dị 12.02.2024 | 23:07 PM
- Triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 trong toàn tỉnh 19.01.2024 | 09:04 AM
- Đoàn kết nhân lên sức mạnh 26.10.2023 | 08:44 AM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Thực hiện lời Bác dạy: Công an cách mạng vì nhân dân phục vụ 24.10.2023 | 09:01 AM
- Học Bác để lan tỏa yêu thương 06.06.2023 | 14:48 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng