Chủ nhật, 24/11/2024, 02:47[GMT+7]

Địa chỉ đỏ giữa Moscow

Thứ 4, 11/09/2019 | 15:43:58
2,730 lượt xem
Ngay giữa lòng thủ đô Moscow (CHLB Nga) tráng lệ, sừng sững tượng đài Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam tọa lạc trên quảng trường mang tên Người. Qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, nơi đây trở thành địa chỉ đỏ không chỉ đối với cộng đồng người Việt Nam, mà còn với những người bạn Nga yêu quý đất nước và con người Việt Nam.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường Hồ Chí Minh, thủ đô Moscow (CHLB Nga).

Tháng 8, trời Moscow nắng thu vàng trải nhẹ, qua những đại lộ thênh thang đưa chân chúng tôi đến thăm quảng trường Hồ Chí Minh trong công viên Akademicheskaya (Công viên Viện Hàn lâm), nằm giao nhau giữa phố Dmitri Ulianov và phố Provsouznaia. Giữa xứ bạch dương, niềm xúc động và tự hào dân tộc trong tôi trỗi dậy khi tận mắt ngắm nhìn hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam đang nở nụ cười hiền hậu.

Năm 1969, sau khi Bác mất, nhà nước Xô Viết đã quyết định chọn một vị trí rất đẹp tại thành phố Moscow xây dựng quảng trường Hồ Chí Minh để tưởng nhớ Người. Năm 1985, họa sĩ nhân dân, Viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ thuật Liên Xô (cũ) Vladimir Efimovich Tsigal được Chính phủ Liên Xô cử sang  Việt Nam để nghiên cứu, phác thảo và chỉ đạo việc xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh tại Moscow. 

Sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những hình ảnh ấn tượng về đất nước và con người Việt Nam đã tạo nên những cảm xúc nghệ thuật trong người nghệ sĩ tài hoa từng vinh dự nhận giải thưởng Lênin và nhiều giải thưởng quốc gia Liên Xô - Liên bang Nga. 

Qua quá trình sáng tạo và lao động nghệ thuật miệt mài, khối tượng đài Hồ Chí Minh ra đời, công trình bằng đồng cao 5m, đặt trên bệ đồng khối, có chiều dài 6m, dày 0,5m. 

Trung tâm tượng đài là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thần thái vừa oai nghiêm mà cũng rất gần gũi đang mỉm cười hiền hậu được khắc nổi trên tấm đồng lớn hình tròn biểu tượng cho mặt trời. Phía dưới là hình tượng chàng trai khỏe mạnh, tay chống đất, trong tư thế chuẩn bị xuất phát, ánh mắt cương nghị hướng theo vầng thái dương ẩn chứa khát vọng vươn tới tương lai tươi sáng của mỗi người dân Việt Nam dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới. Khối tượng đài được làm “mềm” bằng hình ảnh hoa và cây tre uốn cong, biểu tượng cho ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam kiên cường vượt qua gian khổ, khó khăn. Mặt trước bệ tượng đài là câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được khắc lớn bằng tiếng Nga.

Người dân Việt Nam đến đặt hoa viếng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường Hồ Chí Minh, thủ đô Moscow (CHLB Nga).

Không chỉ bức phù điêu bằng đồng mang ý nghĩa sâu sắc, trên diện tích khuôn viên 676m2 với bệ đá hoa cương, 8 bậc thang rộng dẫn lên bức phù điêu cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Theo tác giả V. Tsigal, con số 8 mang ý nghĩa tượng trưng cho cánh hoa sen, một loài hoa được người Việt Nam coi là biểu tượng của sự thanh tao, trong sáng. 

Qua bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, trong những đường hình khối điêu khắc khỏe khoắn, hiện đại vẫn đậm nét văn hóa Á Đông, thể hiện sự ngưỡng mộ của tác giả với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những cảm nhận sâu sắc về văn hóa, lịch sử đất nước và con người Việt Nam.

Tháng 5/1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, cũng là năm thế giới chọn là Năm Quốc tế Hồ Chí Minh, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên tại Liên Xô (cũ), nay là nước Nga được khánh thành. Thời điểm đó, những biến động chính trị trên đất bạn đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của cộng đồng người Việt Nam. Trong những thời khắc khó khăn, nơi đây như một địa chỉ đỏ, điểm tựa tinh thần của cộng đồng người Việt Nam.

“Chúng tôi đến đặt hoa viếng Bác, để nguôi đi nỗi nhớ quê nhà và thêm gắn kết, bó bện, cùng nhau vững niềm tin tìm hướng vượt qua gian khó”, anh Lê Văn Mười, quê Hải Phòng, Việt kiều tại Moscow tâm sự. 

Bên tượng đài Bác, tôi cũng gặp chị Nguyễn Thị Hoa (quê Hà Nội) cùng bạn bè vừa vượt gần 900km từ thành phố Ulyanovsk bên dòng Volga êm đềm lên Moscow, chị Hoa chia sẻ: Những năm 80 của thế kỷ 20, chúng tôi sang Nga lao động và định cư luôn từ đó. Mỗi lần lên Mát (Moscow), dù công việc bận mải thế nào vẫn cố thu xếp đến quảng trường đặt hoa viếng Bác, xin Người phù hộ cho cộng đồng bà con Việt kiều bên này sức khỏe, công việc thuận lợi.  

Màu xanh của những rặng cây tử đinh hương, cây lipa cùng những bồn hoa trang trí đầy màu sắc quanh khuôn viên càng tôn lên sự hoành tráng nhưng không mất đi những nét bình dị của tượng đài. Chếch bên trái tượng đài là 3 cây bạch dương xanh tốt, mùa đông năm 2004 do thời tiết khắc nghiệt, 1 trong 3 cây bạch dương trong quần thể tượng đài bị chết khô. Chính quyền đã trồng thay thế bằng một cây khác song cây không sống được. Với tình cảm kính yêu dành cho lãnh tụ, ông Trương Quang Giáo, Chủ tịch Hội người Việt Nam định cư tại Nga cùng người vợ Nga là bà Xveta đã kỳ công vận chuyển 1 cây bạch dương non về trồng trong quảng trường. Qua năm tháng, cây bạch dương non ngày nào đã bén rễ, vươn cành cao lớn, tỏa bóng xanh mát, như tình cảm của người con xa quê dù mưu sinh nơi xứ người nhưng vẫn trọn vẹn tấm lòng kính yêu Bác.

Xứ bạch dương, nơi in đậm dấu ấn những năm tháng hoạt động cách mạng của Bác, có nhiều quảng trường, đại lộ, công trình mang tên Hồ Chí Minh nhưng Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam giữa lòng thủ đô Moscow mãi mãi là một công trình vĩ đại, ngọn lửa của tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô hôm qua và Việt Nam – CHLB Nga ngày nay như tỏa sáng soi đường tới mai sau.

Trịnh Cường

  • Từ khóa