Thứ 6, 17/01/2025, 00:20[GMT+7]

Học tập suốt đời

Thứ 2, 06/01/2020 | 10:27:52
2,194 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra quan điểm học tập suốt đời. Người chủ trương xây dựng một nền giáo dục cho mọi người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, với mục đích, nội dung, phương pháp phong phú, linh hoạt. Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học đã chủ động phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài và cùng nhau xây dựng xã hội học tập.

Ông Tăng Gia Lộc (xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình) tìm hiểu thông tin trên mạng internet để bổ sung kiến thức phục vụ hoạt động báo cáo viên.

Cả nhà đều là “báo cáo viên”

Chăm lo đến học tập của các thành viên trong gia đình là một trong những công việc quan trọng nhất của nhiều gia đình hiện nay, nhất là khi nước ta đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, hòa nhập xu hướng phát triển của thế giới. 

Ông Tăng Gia Lộc, xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Suy ngẫm lời dạy của các bậc tiền nhân và của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, tôi nhận thấy thật triết lý, nhân sinh. Gia đình tôi gồm 3 thế hệ với 18 thành viên hiện sống cùng nhau, trong đó có 8 cháu nội, ngoại và 10 người lớn. Hiện nay, vợ chồng tôi và 8 người con đều đã phổ cập giáo dục đại học, trình độ tin học và ngoại ngữ từ B trở lên, 3 người có trình độ lý luận chính trị cao cấp, 4 người học xong trung cấp chính trị. Không dừng lại ở đấy, gia đình tôi luôn tự giác, chủ động học mọi lúc, mọi nơi, học ở thầy, học ở bạn, học trong sách, báo và trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Theo ông Tăng Gia Lộc, ngoài thời gian làm việc và trau dồi kiến thức, vợ chồng ông cùng 8 người con thường xuyên tư vấn cho các bậc phụ huynh trong thôn xóm việc học hành cũng như hướng nghiệp cho con em, đặc biệt trong dịp hè 3 năm từ 2012 - 2014, gia đình ông đã mở lớp luyện chữ đẹp miễn phí cho học sinh, sinh viên xã Vũ Lạc.

Mặc dù có lúc gia đình gặp khó khăn nhưng nhờ ý chí và sự nêu gương của những người trụ cột, gia đình ông đã xây nền ý thức, dựng nếp học tập, học tập suốt đời cho các thành viên trong gia đình. Hiện nay, gia đình ông có quỹ khuyến học riêng, có 6 tủ sách với hơn 300 đầu sách, 1 bảng viết phấn, 6 bộ bàn ghế và đồ dùng học tập, trang bị cả máy tính bàn, máy tính xách tay, đài, ti vi; đồng thời, bố trí 6 góc học tập cho các cháu, 4 bàn đọc người lớn. 

Ông Tăng Gia Lộc chia sẻ thêm: Vợ tôi thường theo dõi các chương trình như mẹo vặt gia đình, chăm sóc sức khỏe, những món ăn ngon... để làm “báo cáo viên” phổ biến kiến thức cho chị em phụ nữ thực hành. Còn tôi hay nghe đài, xem thời sự, nắm bắt thông tin về việc tử tế để làm “báo cáo viên” cho chính các thành viên trong gia đình. Các cháu của tôi thường xem các chương trình dạy tiếng Anh và các chương trình như Đường lên đỉnh Olympia, Đấu trường 100, Ai là triệu phú để củng cố kiến thức tự nhiên, xã hội, lịch sử và văn hóa Việt Nam. Từ đó, trở thành những “báo cáo viên” nhí của gia đình và tại chính trường học của các cháu. 

Nhờ vậy mà đến nay, gia đình ông Tăng Gia Lộc có 8/18 thành viên biết giao tiếp tối thiểu 1 trong 2 tiếng Anh, Nga; 1 thành viên thông thạo 2 thứ tiếng dân tộc Thái, Mông. Các thành viên đều duy trì nền nếp học tập và làm việc có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở

Thôn An Phú II, xã Quỳnh Hải là một trong những điểm sáng trong phong trào xây dựng xã hội học tập của huyện Quỳnh Phụ. Bà Nguyễn Thị Liên, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học thôn cho biết: Việc đầu tư cho con em học hành được các gia đình, dòng họ trong thôn hết sức quan tâm bởi giáo dục không chỉ là quốc sách mà trở thành gia sách với mỗi gia đình. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường THPT công lập luôn đạt khoảng 90%, số học sinh giỏi các cấp thường dẫn đầu trong 7 chi hội khuyến học của xã. Chỉ tính riêng năm học 2018 - 2019, thôn có 46 học sinh giỏi cấp huyện trở lên. Hàng năm, Chi hội Khuyến học đều dành từ 7 - 7,5 triệu đồng và vận động nhân dân ủng hộ từ 10 - 12 triệu đồng để khen thưởng các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập. Đăc biệt, tại thôn An Phú II có anh Phạm Bắc Cường là một trong những người đầu tiên xây dựng không gian đọc trong cả nước. Hiện nay, không gian đọc tại thôn có hàng nghìn đầu sách các loại, phục vụ nhu cầu đọc sách của các cháu thiếu niên, nhi đồng và người dân trong thôn. Nhờ đó, trong các buổi họp thôn, người dân đã có ý thức đến sớm, tìm đọc các tài liệu, sách, báo tại tủ sách.

Học sinh Trường Tiểu học An Bài (Quỳnh Phụ) đọc sách trong thư viện xanh nhà trường.

Từ phong trào xây dựng xã hội học tập, phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn thôn An Phú II, thời gian qua, công tác xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ. Chỉ tính riêng về văn hóa đọc, nhiều mô hình thư viện được xây dựng và phát triển như tủ sách dòng họ do các dòng họ có phong trào khuyến học mạnh thành lập; mô hình tủ sách gia đình phục vụ cộng đồng mang tên không gian đọc như các xã Đồng Tiến, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoa; mô hình tủ sách hậu phương quê hương chiến sĩ do các chiến sĩ đang công tác nơi biên giới, hải đảo và con em quê hương đóng góp; tủ sách của cộng đồng như tủ sách khuyến học, tủ sách thôn làng, các tủ sách pháp luật, thư viện ở các trung tâm học tập cộng đồng, qua đó giúp cho việc học tập ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lứa tuổi đúng với tinh thần xây dựng xã hội học tập suốt đời, góp phần xây dựng nông thôn mới. 

Theo Hội Khuyến học huyện Quỳnh Phụ, nòng cốt của xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời chính là yếu tố con người, vì vậy, những năm qua, Huyện hội luôn chú trọng đến công tác phát triển hội viên. Nếu như năm 2001, Hội Khuyến học huyện chỉ có 1,6% dân số là hội viên khuyến học thì đến năm 2019 số hội viên đã chiếm khoảng trên 30% dân số toàn huyện, là địa phương phát triển số lượng hội viên nhanh nhất tỉnh. Hệ thống tổ chức hội được phủ kín ở các xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, thôn làng và dòng họ.

“Việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học”

Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn là động lực to lớn khuyến khích mọi người, nhất là người lớn tuổi tham gia học tập. 

Ông Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Thái Bình cho biết: Tại Thái Bình, phong trào khuyến học, khuyến tài nhằm động viên, khuyến khích thế hệ trẻ ra sức học tập để xây dựng đất nước thời gian qua phát triển khá mạnh và toàn diện, mang lại hiệu quả to lớn. Bên cạnh đó, Tỉnh hội cũng quan tâm, chú trọng đến việc học của những người lớn tuổi. Hiện nay, việc học tập của người lớn tuổi chủ yếu thông qua hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng. Đặc biệt, nhờ mạng lưới các trung tâm học tập cộng đồng có mặt ở tất cả các xã, phường, thị trấn mà cơ hội học tập của người lớn tuổi ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu thực tế của từng địa phương. Trong thời gian qua, các trung tâm học tập cộng đồng đã mở nhiều khóa đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân trên địa bàn như: kỹ thuật chăn nuôi thú y, trồng rau sạch, nấu ăn... Trung bình hàng năm, mỗi trung tâm tổ chức được 2 lớp dạy nghề. Độ tuổi trung bình của lớp học là 45 tuổi, trong đó người lớn tuổi nhất đã hơn 70 tuổi. Ở những lớp này, ngoài học thầy, học từ sách vở, các học viên còn được trao đổi kinh nghiệm thực tế với nhau, từ việc trồng, chăm sóc đến tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, sau các khóa học, hầu hết các học viên đều ứng dụng tốt trong điều kiện sản xuất, chăn nuôi của gia đình.

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục hành trình đổi mới, xây dựng xã hội học tập, cùng với các cấp, các ngành, phong trào xây dựng dòng họ học tập, gia đình học tập đang tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh, trở thành một cuộc thi đua lớn thôi thúc mỗi cá nhân hăng hái, nhiệt tình tham gia để xây dựng tỉnh Thái Bình thành tỉnh học tập.

Đặng Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày