Thứ 2, 06/05/2024, 19:09[GMT+7]

Món ngon mùa nước nổi

Thứ 5, 08/11/2012 | 08:09:55
1,282 lượt xem
Mùa nước nổi Đồng Bằng sông Cửu Long thường bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 11 hàng năm. Đây cũng là lúc các sản vật rất dồi dào, phong phú đem lại cho cư dân nơi đây.

Gỏi bông súng

 

Những ai đã từng ưa thích món gỏi ngó sen hay gỏi bồn bồn, chắc chắn sẽ không khỏi bất ngờ khi chạm đũa vào đĩa gỏi bông súng; nhất là bông súng trộn với tôm, thịt và ăn kèm bánh phồng tôm, vừa lạ miệng, vừa mềm mại và quyến rũ làm sao.

 

Bông súng từ lâu nay được bà con miệt vườn coi là cây nhà lá vườn, là hương đồng cỏ nội rất rẻ tiền. Bông súng có nhiều loại: loại trồng trong ao hồ hoa nở quanh năm, hoa và lá rất to, giòn; loại mọc tự nhiên ngoài đồng trong mùa nước nổi thì nhỏ hơn nhưng mềm mại và ngọt dịu hơn. Chính vì vậy mà nhiều người đã gọi bông súng và bông điên điển là đặc sản của mùa nước nổi, phổ biến nhất là Đồng Tháp,  Long  An, U Minh và vùng Tứ giác Long Xuyên.

Đây là  món  ăn dân dã nhưng hương vị đậm đà nhờ độ giòn, hòa lẫn với vị chua, cay, nồng khiến cho thực khách dù chỉ thưởng thức một lần thôi cũng đủ nhớ đời

 

Bông Điên Điển

     

Chỉ cần ngâm bông điên điển đã lặt rửa sạch với giá sống trong nước muối có độ mặn vừa đủ, chừng ba ngày sau là đã có một dĩa dưa vừa  chua vừa giòn, chấm với nước tương giằm ớt đã ngon mà chấm với cá hoặc thịt kho lại càng ngon hơn.

     

Đến Châu Đốc (An Giang), trong những ngày mùa nước nổi, bạn sẽ được thưởng thức tô bún nước lèo độc đáo. Tô  bún ở đây cũng giống như tô bún nước lèo ở Sóc Trăng hoặc tô bún mắm ở Cần Thơ nhưng rau thì khác. Nếu như ở những địa phương trên người ta ăn bún với rau ghém được làm bằng giá, hẹ, bắp chuối xắt nhuyễn thì ở Châu Đốc bạn sẽ được thưởng thức hương vị lạ kỳ của chỉ độc một loại bông điên điển mà thôi.

     

Muốn  có  phong vị thời khẩn hoang, người ta nấu một nồi mắm kho, nhúng bông điên điển cùng một vài loại rau sống khác. Mùa  nước nổi cũng là mùa cá linh từ Biển Hồ (Campuchia) tràn về xuống sông Tiền, sông Hậu. Nấu một cái lẩu cá linh với me sống (hoặc nặn chanh) vừa chua, người địa  phương  chỉ nhúng độc một thứ hoa vàng rực này vào. Với bông điên điển, cả hai món ăn này sẽ cho bạn tận hưởng một bữa tiệc dân dã mà không phải nhà hàng nào ở thành phố cũng có được. Món ngon này sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn nếu có vài bạn “tâm đầu” bên ly rượu đế, chuyện mùa màng, chuyện làm ăn, chuyện thời sự quốc tế rôm rả trong những buổi chiều bảng lảng bóng hoàng hôn. Tình làng nghĩa xóm sao mà đậm đà đến vậy!

     

Bông điên điển cũng còn được dùng để nấu canh chua cá rô, xào tép, làm nhân bánh xèo,... cho ta những món ăn vừa ngon vừa ngọt vừa giòn giòn.

 

Cá linh non, món ăn ngon mùa nước nổi miền Tây

       

 

Ở vùng An Giang, Đồng Tháp còn lưu truyền ca dao về con cá linh:

“Nước không chân sao kêu nước đứng

Cá không thờ sao gọi cá linh”

      

Ấy là do tích vua Gia Long khi bôn tẩu ở vùng đầu nguồn sông Hậu, cá linh bay phóng vào thuyền, vua cho là điềm gở nên không đi theo hướng ấy và đã thoát nạn. Ông mới đặt tên cho loài cá này là “cá linh”.

      

Cá linh nhỏ bằng mút đũa, gọi là cá linh non. Cá linh non kho mẵn (lạt) là món ngon dân dã, dễ làm, ăn cơm rất "bắt”. Cá còn non ngọt thịt, hầu như không có xương, béo. Khi nấu, cá không cần đánh vảy, lấy mật, chỉ cần ngâm nước muối cho sạch nhớt là nấu được rồi. 

 

Nói là đơn giản nhưng cũng phải khéo nấu! Cá linh non ngâm rửa để vào rổ thưa cho ráo nước. Chặt một trái dừa tươi đổ vào nồi đất, nấu cho sôi riu lên dằn vài muỗng nước mắm biển ngon, sau đó trút nhẹ cá linh vào nồi, thêm ít tép mỡ, hành lá sắc hột lựu vô sau cùng. Nước sôi nhiều hớt bọt, nghe mùi cá thơm bốc lên phải bắc xuống hoặc giảm tối đa lửa, bởi cá linh thịt mềm rất mau chín.

        

Món rau kèm khoái khẩu thực khách thường là bông súng, bắp chuối bào trộn bông lục bình bóp giấm, chanh, đường hoặc có thể ăn với rau lang, rau trai luộc, đọt lá vông non, đọt nhãn lồng, rau thuốc giòi, đọt lá cách… Món này đúng là “thực phẩm chức năng” rất rẻ tiền và hợp tự nhiên.

 

Cá rô mề

       

Cá  rô  là loài cá rất phổ biến trên ruộng đồng nam bộ, có khá nhiều trong các kinh rạch, đầm lung, ruộng cỏ ngập nước. Mùa nước nổi, cá rô lên ruộng để kiếm thức ăn là những bông lúa rụng, hoặc những hạt lúa chét tái sinh sau vụ gặt trước mùa nước. Cá rô lớn rất nhanh và mập béo vì lúc nầy thức ăn trong thiên nhiên rất phong phú.

        

Những con cá rô bí (còn gọi là rô bi, rô non, rô dăm) nhỏ xíu ngày nào, chỉ độ vài tháng sau có con to cỡ 3 - 4 ngón tay, trọng lượng khoảng 150 - 250 gam trở lên. Cá rô to độ hai, ba ngón tay, người ta gọi cá “rô mề”, nhỏ bé hơn gọi là cá rô “mén”. Cá “rô biển” mình bầu, dẹt có màu đen sáng. Thịt cá rô dẻ dặt, thơm ngon. Cá  rô mề là loại ngon nhất và có giá trị thương phẩm cao.

      

Chỉ với vài tay lưới, người ta giăng ở những đường nước nhỏ trong rừng hoặc ở những bờ kinh, mé ruộng, mương vườn, ao, đìa. Vài giờ sau khi giăng, có thể thu hoạch một vài ký cá là chuyện thường.

     

Thịt cá rô mề ngọt, béo, thơm ngon chế biến món ăn nào cũng tuyệt. Khi nhắc tới cá rô mề, ta thường nghĩ tới những món như cá rô mề nướng giầm nước mắm chanh tỏi ớt, cá rô mề chiên xù (chấm nước mắm me ăn kèm với rau sống), cá rô mề kho tộ, cá rô mề kho rau răm, cá rô mề nấu chua hay quấn nướng lá lốt...

 

Cá rô kho bầu non là một món ngon dân dã. Cá rô  bắt được, lựa rô mề, mổ ruột đánh vẩy, rửa sạch rồi để cho ráo.Có thể đi chợ mua hoặc ra vườn hái một trái bầu hơi non để làm bổi kho. Bầu gọt vỏ, rửa sạch, cắt khoanh tròn dầy độ 1cm để ráo.

     

Uớp cá rô với nước màu dừa, nước mắm hòn và một số gia vị như tiêu, tỏi, bột ngọt, đường cho thấm; kế tiếp là bắc lên bếp kho với lửa liu riu. Cá được sắp đều cho gọn và phải ngập sem sép nước. Bầu non xắt khoanh cũng được cho vào sắp xen kẻ với cá theo tỉ lệ 5/5.

      

 Cá  rô kho bầu thì dùng ơ (mẻ) đất để kho là hay nhất. Ta cho một tí mỡ heo hoặc dầu ăn và bỏ một chút hành lá xắt nhỏ cùng tiêu đâm dập vào ơ cá. Rải  vài cọng hành gốc lên trên mặt. Hành gốc sẽ giòn rất ngon. Kho độ mười lăm phút khi thấy thịt cá rô da nhăn díu lại thì cá đã chín, bớt lửa thật nhỏ để giữ nóng và múc ra dĩa ăn kèm với ít rau thơm và cơm nóng.

    

Giẽ một miếng thịt cá rô thơm phức, chấm với nước tương ngon giầm ớt sừng trâu. Cắn một miếng bầu non mềm, dẻ dặt, ngon ngót, bạn sẽ thấy thấm đẳm hương vị tuyệt vời đến chân răng, đầu lưỡi.  Đây là món đặc sản dân dã dễ làm, mang đặc trưng của vùng đất  ngập nước. Có đến đồng bằng sông Cửu Long, các bạn hãy tìm, thưởng thức một lần cho biết… Hầu hết các nhà hàng, các quán ăn  ở miền Tây đều có.

Theo dulichvietnam.vn

 

 

 

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày