Thứ 7, 23/11/2024, 03:20[GMT+7]

Nước vối đồng quê

Thứ 6, 27/08/2010 | 16:37:43
4,386 lượt xem
 Lá vối tầm thường vậy thôi chứ hái đúng giờ Ngọ ngày mồng 5 tháng 5 rồi đem phơi khô uống dần đố thứ thuốc Tàu, thuốc Tây nào tốt bằng. Tôi “nghiện” nó bởi nhờ nó mà cả đời “lương y bất đáo gia”.

Lá vối

Cụ H đã ngoại “bát tuần” nhưng vẫn có tiếng là lực điền. Bây giờ chẳng thiếu máy nọ máy kia không phải “vai vác cày tay giong trâu” như xưa liền thấy cụ bám riết trên đồng giúp con giúp cháu vạc bờ cuốc góc, đánh luống trồng trỉa rau màu.

Thấy cụ sức vóc vậy ai nhìn cũng thèm. Ngoài sức khỏe trời phú cụ H còn có thêm biệt danh: “Người yêu nước”. Những người từ nơi xa đến kể cả bọn trẻ trong làng trong xã nghe thế cứ ngớ ra chẳng rõ ẩn ý gì. Chỉ riêng tầm luống tuổi mới hiểu đặc tính “yêu nước” rất riêng ở cụ. Chả là sáu chục năm lại đây cụ tịnh không mua bất cứ thứ trà lá nào ở phố, ở chợ mà chỉ một phép thu hái cây lá trong vườn để nấu nước uống hàng ngày.

Mảnh vườn sau nhà cụ đáng gọi là quần thể hội tụ đủ mặt các lọai cây cho lá cho hoa nấu nước uống suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông: Chè, hòe, vối, ngâu... Lại thấy một góc được mệnh danh “vườn cổ” lúc nào cũng xanh ngằn ngặt nào đinh lăng, cam thảo nam nào tía tô, ngải cứu, kiềm sữa... Chỉ vào đám “tạp thảo” cụ nói vui:

Trong nhà cụ có hẳn một chiếc tủ chứa nhiều loại lọ, bình tàng trữ đủ thứ chè khô tự chế từ hoa lá vườn nhà. Hàng ngày nếu dư dật thì giờ sẵn sàng có ngay đồ uống tươi là chè xánh hái từ vườn. Phải khi bận rộn hoặc gặp khách đột xuất, các món khô được pha hãm tức khắc, rất chi tiện lợi.

Một tối trăng tròn có khá đông khách hàng xóm ngồi quây quần trên mấy chiếc chiếu giữa mảnh sân thoáng mát, sau khi rót mời những chén trà cây nhà lá vườn, cụ H vui vẻ “phát vấn”:

- Các anh có biết ở tỉnh mình đồ uống nào đáng gọi “đặc sản”? Người nói “Chè xanh Phụ Dực”, người lại bảo “Chè hoa ngâu Thuận Vi” cũng có ai đó chắc phát hiện tác dụng của hoa hòe nên vội lên tiếng “Nước hoa hòe Diêm Điền”...

Nghe xong cụ H cười sảng khoái:

- Không sai nhưng nếu gọi là “đặc sản” thì chưa đúng! Đã nói đến Thái Bình xin đừng quên đây là “tỉnh nông dân”. Mà đã nông dân xưa kia chẳng ai lỡ lơ đãng với một loại cây từng thủy chung sắt son: “Cây vối”. Nước vối chính là “đặc sản” của tỉnh lúa đấy! Vui câu chuyện, cụ H chậm rãi “ký sự” đôi chút về loại nước uống vừa dân dã vừa đặc hữu này:

Xưa kia “áo tơi nón lá” là biểu tượng của nông dân. Vào thời Pháp thuộc chúng còn khinh miệt gọi mình là “nông phu” mới tệ chứ. Nông phu quanh năm cơm ăn còn chẳng đủ nói gì đến chè Tàu chè mạn. May sao cây vối dễ tính có mặt khắp chòm xóm thôn hương cùng chia ngọt sẻ bùi ăn đời ở kiếp với lớp người chân lấm tay bùn hai sương một nắng.

Khắp đất Thái Bình vào mảnh vườn nào, ra bờ ao nhà nào cũng gặp vài ba cây vối xanh um. Đã có một thời hễ đặt chân đến thế giới vườn tược ở huyện Thái Ninh người ta dễ cảm thấy “trên trời dưới vối”. Người Thái Ninh trồng nhiều vối do hai nguyên nhân: Thứ nhất, đất rộng. Thứ hai, một chuỗi làng chài, làng muối ven biển Thụy Anh do không có đất trồng thế là người dân đổ xô sang chợ Cầu, chợ Lục, chợ Bái... lùng mua vối về dùng. Có thêm được nguồn tiêu thụ là ngư dân, diêm dân, cây vối Thái Ninh thả sức sinh sôi nảy nở.

Trồng vối chẳng kén kỹ thuật cứ đặt xuống bờ ao, góc vườn là thả sức lên tự nhiên rồi thành “cổ thụ” từ lúc nào không hay. Thu hoạch vối không kép công như hái chè. Thấp dùng tay mà với. Cao thì bắc thang, dùng cù lèo bẻ cả cành. Cần bán cứ việc buộc thành bó gánh ra chợ. Muốn có vối khô dùng cần chỉ mỗi động tác lấy dây túm thành từng túm treo ở dây phơi hoặc ném lên mái nhà.

Thời vối thịnh hành vào bếp nhà nào cũng thấy lủng lẳng những bó lá vối khô nhìn ấm cúng đáo để. Bảo quản theo kinh nghiệm cổ điển của nông dân thế này thật đỡ phiền hà lại không sợ nấm mốc đặc biệt lúc cần chỉ với tay là có ngay cứ hơn đứt cái khoản bao bì đơn bao bì kép ở thời đương đại. Xưa kia về Thái Bình mới đặt chân bộ hành trên những nẻo đường hương lộ đã nhận ngay ra chỗ đứng của nước vối.

Tại ngã ba, ngã tư, núp dưới bóng đa, bóng gạo ấy là những quán tre liêu xiêu. Trên chõng hàng thể nào cũng thấy úp dăm bảy chiếc bát. Bát uống nước vối đấy. Đưa vài ba xu chủ quán sẽ đon đả rót mời bạn bát nước vối nóng hoặc mát tùy thích. Còn như chịu khó ngó vào chốn bếp núc chắc khỏi phải nói rồi. Sau nồi cơm, nồi khoai, nồi canh thể nào ba ông đầu rau lại còn phải chụm nhau còng lưng cõng nốt chiếc ấm tố lô nước vối mới được coi trọn vẹn “phận sự hậu cần”. Buông bát đũa: nước vối. Lúc khát: nước vối.

Ra đồng cày, bừa, cấy, gặt hễ con người có mặt chỗ nào là chỗ đó có ngay ấm nước vối, thùng nước vối. Ngay khách quý đến nhà vẫn thân tình rót bát nước vối mời tận tay. Thói quen nước vối, văn hóa nước vối theo sát con người suốt đời nọ qua đời kia như một lẽ tự nhiên. Say chuyện nước vối, cụ H kể cho mọi người nghe một kỷ niệm khó quên mãi thời trai trẻ:

Mùa hè năm 1948 một đơn vị bộ đội Hải Kiến (Hải Phòng - Kiến An) sang Thái Bình bắn bia. Các xã quanh khu vực trường bắn nô nức giúp đỡ bộ đội hoàn thành nhiệm vụ. Riêng làng cụ H bà con nảy ra sáng kiến bẻ vối mang ra ủng hộ bộ đội. Chỉ loáng cái đã thấy dân làng vác bó lớn bó bé vối tươi chất đống tú lụ bên thao trường. Chương trình bắn bia gói gọn nửa ngày kịp để bộ đội cấp tốc lên đường.

 Không dùng hết, phải bỏ lại những bó lá vối nặng tình quân dân thế này, anh Tiểu đoàn trưởng hết sức áy náy. Giữa lúc ấy một người dân lên tiếng: “Lá vối vừa dai vừa lâu héo. Các anh buộc hết vào vòng ngụy trang cứ khô đến đâu nấu nước uống đến đấy, một công biết đâu lại được đôi ba việc cho mà xem....” Sáng kiến được áp dụng ngay lập tức. Đoàn bộ đội mang trên lưng màu ngụy trang ngát xanh lá vối lưu luyến chia tay bà con Thái Bình hăm hở quay về mảnh đất Hải Kiến đang mịt mù khói lửa.

Một thời gian Bộ đội nhắn tin sang: Ngụy trang lá vôi rất bền, đẫy tuần mới phải thay. Vui nhất là, hễ dừng chân thể nào anh nuôi cũng đến “hái” lá vối khô trên lưng các chiến sĩ để nấu nước uống. Nước vối vừa thơm vừa ngọt mãi nơi đầu lưỡi góp phần tăng sức chiến đấu của bộ đội trong những trận chống càn diệt viện. Xin cảm ơn bà con Thái Bình!... Kể xong cụ H nheo mắt cười rồi buông giọng:

- Cũng như người nông dân, cây vối quê mình đã đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ như vậy đó.

Bây giờ đâu riêng Thành phố mà ngay nông thôn đời sống đã hơn xưa một trời một vực. Thời nay uống chè có vẻ ít người đắn đo tiền bạc mà quay sang quan tâm độ an toàn. Nói đến an toàn ở đồ uống chắc chắn ai cũng giật thót khi nhắc tới dư chất phân bón hóa học, dư chất thuốc trừ sâu.

Về khoản này thì rành rành cứ phải xếp cây vối vào diện “thoát tục” số một bởi từ cổ chí kim nào có ai phải phí công bón phân hay trừ sâu cho họ hàng nhà vối đâu. Dân mình nhạy bén thật đấy, sau đằng đẵng những năm tháng “ly hôn”, nhiều người đang tự tìm về chắp lại tình xưa với vị nước vối dân dã thuở nào. Mà thế là phải bởi chẳng thể có thứ đồ uống nào tinh khiết vừa nặng tình sâu bằng bát nước vối từng lung linh nét đẹp giữa dòng văn hóa ẩm thực làng quê Thái Bình.

Hoàng Ngọc Khuyến

(Diêm Điền - Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày