Thứ 3, 23/07/2024, 16:31[GMT+7]

Nhớ lắm canh bánh đa thủa ấy

Thứ 2, 30/08/2010 | 08:15:00
2,565 lượt xem
Từ lâu lắm ở quê tôi từng có một món ăn phổ thông nhưng đã gây nghiện cho hết thảy nam, phụ, lão, ấu đó chính là món canh độc đáo ra đời từ con rạm: Canh bánh đa.

Thơm ngậy canh bánh đa.

Xưa kia ở vùng trũng đôi bờ sông Diêm Hộ quê tôi sao mà sẵn rạm đến vậy. Rạm thân dẹt, đôi càng nhỏ hơn càng cua đồng thường thấy. Rạm chỉ sinh sôi nảy nở ở môi trường nước lợ ven biển. Rạm có quanh năm nhưng sẵn nhất là vào mùa mưa từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch.

Con rạm và bánh đa là hai nguyên liệu chính tạo ra món canh khoái khẩu vùng cận biển.

Ngày xưa bánh đa ra đời từ hạt gạo mộc mạc hương đồng gió nội chả cần tẩy rửa qua chất nọ chất kia. Gạo Dong, gạo Hin hạt tròn với màu nâu đặc trưng. Gạo Tép, gạo Dâu, gạo Dự lại khoe sắc trắng đến mát mắt. Có loại bánh đa màu trắng cũng có loại bánh đa màu nâu nhác nhìn đủ biết ngay xuất xứ đến là thích. Bánh đa nấu canh chẳng kén chọn màu chỉ cần lựa loại bánh không rắc vừng là được. Nấu canh bánh đa hiếm người dùng bánh thái sợi mà phải bẻ rối tự nhiên.

Xưa kia về những chợ vùng biển như chợ Bàng, chợ Quang Lang, chợ Gú, chợ Hộ rồi chợ Hồi, chợ Dành, chợ Cầu... Nếu quên rẽ đến dãy hàng canh bánh đa chắc chắn không cảm nhận hết không khí đông vui của chợ vùng biển.

Một đôi quang gánh với chiếc lò than xách tay bà hàng vừa đặt xuống tức khắc có ngay bữa tiệc canh bánh đa thu hút kẻ trong người ngoài vui đáo để.

Nhiều người “nghiền” canh bánh đa đến mức ra chợ chưa kịp mua bán gì đã tăng tả sà vào ngồi cạnh mẹt canh bánh đa nghi ngút tỏa khói. Bát canh bánh đa đầu tiên mẹ tôi mua cho ở chợ Hộ đã xa gần 60 năm giờ đây nhớ lại vẫn thơm phức vị ẩm thực đầu đời.

Miệng loe rộng nhưng cái trôn thu lại nhỏ xíu ấy là loại bát chuyên đơm canh bánh đa ở chợ. Mẫu bát này giờ đây không thấy ai dùng chỉ còn thấp thoáng ở các bảo tàng gốm sứ. Chẳng hiểu các nơi khác đặt tên là gì riêng ở quê tôi thường gọi “bát loa”.

Lần đầu bưng bát canh bánh đa ở chợ tôi không khỏi ngạc nhiên: Họ nấu thế nào mà nước canh cứ trong vắt, còn thịt rạm lại kết thành tảng ngon mắt thế này? Hấp dẫn nhất là gạch rạm chiên cà chua, mỡ tạo thành thứ màu vàng ươm mới nhác qua đã đủ thèm.

Thứ bánh đã bẻ rối vừa dẻo lại vừa giòn. Chất ngọt thuần khiết của nước canh pha vị béo ngậy gạch rạm. Màu đỏ lựng, vị cay cay của những lát ớt tươi cộng hưởng cùng hương thơm tự thân từ hành củ, từ mùi tàu. Bát canh bánh đa, nét ẩm thực độc đáo từ con rạm từng tươi rói thương hiệu đặc hữu của miền đất tiếp biển.

Ăn một lại muốn ăn hai.
Ăn ba ăn bốn lại nài ăn năm.

Ấy là câu ca cửa miệng ra đời từ món canh rạm nấu bánh đa ở quê tôi đấy!

Cuộc sống đang đà khởi sắc. Xã hội dần dà hướng tới mặc đẹp ăn ngon vậy mà người dân vùng biển quê tôi an cũng muốn gắn bó với vị canh bánh đa. Thế nhưng hình như muộn mất rồi. Bước chân hiện đại vô tình làm mất tích bát canh bánh đa dân dã tự lúc nào không hay.

Đánh bắt hủy diệt bằng xung điện rồi thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc đánh chuột và vô số loại phân hóa học, tất cả cùng dăng bẫy, cùng hợp lực “tru di” vĩnh viễn mầm sống con rạm. Mất rạm là mất nguồn thực phẩm đáng quý thế là tự nhiên vắng luôn món bánh đa truyền đời.

Nhớ lắm chứ! Tiếc lắm chứ!

Hoàng Ngọc Khuyến

(Khu 3 thị trấn Diêm Điền - Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày