Thứ 3, 19/11/2024, 06:40[GMT+7]

Độc đáo bánh rắn Đô Kỳ

Thứ 6, 09/06/2023 | 08:33:14
7,244 lượt xem
Bánh rắn Đô Kỳ không chỉ là món quà dân dã, giản dị, mang hương vị của trời, của đất, của tình người mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân ở thôn Hữu Đô Kỳ, xã Đông Đô (Hưng Hà). Với mùi thơm đặc trưng, sự kết hợp hài hòa giữa gạo tẻ, thịt, hành, vị giòn, ngon tạo nên hương vị rất khác biệt khiến ai đã từng thưởng thức bánh rắn nơi đây không thể quên được.

Toàn thôn hiện có 10 hộ làm bánh, trung bình mỗi ngày sản xuất 300 - 500 chiếc bánh.

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất bánh rắn của gia đình bà Bùi Thị Hường đúng lúc bà đang chuẩn bị cho ra lò mẻ bánh mới, mùi thơm thanh mát của lá dong quyện với mùi bột gạo chín, có vị đậm, vị béo của nhân tỏa ra khắp sân nhà. Được biết, gia đình bà Hường có thâm niên làm bánh hàng chục năm nay, hiện mỗi ngày bà Hường làm 200 - 300 chiếc bánh. 

“Để làm ra một chiếc bánh rắn, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên là khâu chọn gạo làm bánh phải là loại gạo tẻ, ngâm nước 4 - 5 tiếng cho mềm rồi đem xay mịn thành bột và cho vào lọc khô, nhào nhuyễn đến khi bột không dính tay. Nhân bánh cũng không cầu kỳ, thịt nửa nạc nửa mỡ rửa sạch, luộc qua và thái dài khoảng 3cm, hành khô bóc lớp vỏ ngoài đập dập cho vào chảo mỡ nóng già phi vàng trong 2 giờ đồng hồ với lửa nhỏ. Khi gói bánh phải chắc tay, không cứng, không nhão. Bánh gói xong được giữ bằng những sợi dây tước nhỏ, quấn quanh thân, sau đó thả bánh vào nồi nước sôi, đun vừa lửa khoảng 3 - 4 tiếng mới vớt ra” - bà Hường chia sẻ.

Rời nhà bà Hường, chúng tôi đến gia đình bà Đỗ Thị Huyền. 17 giờ, cái nắng mùa hè đã giảm nhiệt nhưng bên góc sân  rộn ràng tiếng nói cười của mọi người đang nhanh tay gói bánh, nấu bánh để chuẩn bị mẻ bánh xuất bán vào sáng hôm sau. 

Bà Huyền cho biết: Cứ khoảng 3, 4 giờ sáng là vớt bánh ra rổ cho ráo nước rồi ủ nóng cho buổi chợ sớm tinh sương. Hiện nay, trung bình một ngày gia đình tôi xuất bán gần 500 chiếc bánh với giá bán từ 5.000 - 10.000 đồng/chiếc. Mỗi tháng thu nhập trên 10 triệu đồng từ nghề gói bánh. Nhờ đó, đời sống của chúng tôi ổn định và khấm khá nhưng vui nhất là chúng tôi đã gìn giữ và phát triển được nghề của cha ông truyền lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau để bánh rắn Đô Kỳ mãi được lưu truyền.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang, xã Hợp Tiến (Đông Hưng) là khách quen của bà Huyền cho biết: Nét đặc trưng của bánh rắn Đô Kỳ là rắn chứ không nhão như bánh giò, bánh vừa có độ giòn lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, nồng nàn của mùi lá. Mỗi ngày tôi thu mua hàng trăm chiếc bánh để mang đến các chợ đổ buôn. Bánh rắn phù hợp với hàng ăn sáng nên chúng tôi rất dễ tiêu thụ.

Hiện nay, toàn thôn có trên 10 hộ duy trì nghề làm bánh. Trước đây bánh rắn chủ yếu làm để biếu tặng trong các ngày lễ hội, tết, cưới xin, giỗ chạp... nhưng ngày nay, khi sản phẩm bánh rắn đã nổi tiếng, khách hàng từ khắp nơi tìm về mua ngày càng đông. Điều này đã giúp người dân làng nghề có công việc ổn định, cuộc sống được nâng cao. 

Mỗi gia đình trong thôn đều ý thức cho con cháu lưu giữ tinh hoa ẩm thực của cha ông để lại.

Ông Đinh Trọng Thanh, công chức văn hóa xã Đông Đô cho biết: Trung bình một ngày, mỗi cơ sở làm bánh ở đây thường gói từ 300 - 500 chiếc, khi có nhiều đơn đặt hàng gói đến hàng nghìn chiếc, xuất bán đi Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội...  Hiện nay, xã cũng quy hoạch 170ha đất cấy giống lúa V10 để cung ứng cho bà con làm bánh, từng bước xây dựng thương hiệu bánh rắn Đô Kỳ trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Người dân thôn Hữu Đô Kỳ ngày nay đều ý thức cho con cháu lưu giữ tinh hoa ẩm thực của cha ông để lại. Việc truyền nghề không chỉ là định hướng kinh tế mà còn là cách người dân thôn Hữu Đô Kỳ thể hiện tình yêu, niềm tự hào về văn hóa ẩm thực đặc sắc của quê hương.

Mùi thơm thanh mát của lá dong quyện với mùi bột gạo chín, có vị đậm, vị béo.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày