Thứ 2, 25/11/2024, 13:41[GMT+7]

Nét độc đáo của cà phê cát Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ 7, 23/09/2023 | 08:16:57
2,530 lượt xem
Năm 2013, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận văn hóa và truyền thống cà phê Thổ Nhĩ Kỳ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Cách chế biến, thưởng thức cà phê ở đất nước này có nhiều nét độc đáo, khác biệt với phần còn lại của thế giới.

Cà phê cát là một trong những nét độc đáo ấy. Khi pha, bột cà phê và nước được đổ chung vào một loại bình kim loại gọi là "cezve" có tay cầm dài chuyên dụng. Người pha cà phê đặt bình cezve vào chảo cát nóng, trên ngọn lửa hoặc bếp điện. Nhiệt độ từ cát bao bọc quanh chiếc bình khiến cà phê sủi bọt nhanh chóng.

Khi nước sủi, người ta sẽ rót cà phê ra một chiếc cốc nhỏ để phục vụ khách rồi sau đó lại tiếp tục vùi cezve vào trong cát 3-4 lần nữa mà không cần chế thêm nước. Bã cà phê lắng xuống đáy nên cách pha này giúp cà phê truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ đặc sánh và đậm đà. Nhiệt độ pha cà phê cũng có thể được điều chỉnh, phụ thuộc vào độ sâu của bình cezve có đáy bằng đồng trong cát.

Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ được pha theo cách truyền thống là đun sôi nước trong cát nóng. Ảnh: Adobe Stock

Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ được pha theo cách truyền thống là đun sôi nước bằng cát nóng. Ảnh: Adobe Stock

Tách cà phê nhỏ được rót ra từ cezve có tên là demitasse, kích cỡ tương tự tách cà phê espresso. Demitasse, tiếng Pháp, có nghĩa "nửa tách", là loại nhỏ nhất trong các loại tách uống cà phê. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, người dân thường nhâm nhi cà phê cùng món tráng miệng.

Cà phê cát nóng Thổ Nhĩ Kỳ có nguồn gốc lâu đời và đến nay vẫn chưa ai xác định chính xác phương pháp pha chế này bắt nguồn từ đâu. Các học giả trong nước tin rằng nó bắt nguồn từ nền văn hóa Ottoman, đế quốc trải rộng suốt Nam Âu, Trung Đông và Bắc Phi, tồn tại từ thế kỷ 14 cho tới đầu thế kỷ 20. Đế quốc này khởi phát từ vùng Sogut ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ và trong suốt hơn 7 thế kỷ tồn tại, kinh đô của Ottoman luôn nằm trong phần lãnh thổ nay là Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ thời Ottoman, các vị vua và giới quý tộc đã yêu cầu người hầu pha cà phê trong cát nóng. Phương pháp này giúp truyền nhiệt đều và kỹ hơn so với làm nóng cà phê trực tiếp trên lửa. Cà phê cũng sánh và mịn hơn bình thường.

Bói bã cà phê cũng là một nét văn hóa được người dân địa phương yêu thích. Sau khi uống xong tách cà phê, người uống úp tách để bã cà phê chảy xuống tạo ra các hình thù trên đĩa. Người coi bói xem hình thù đó và dự đoán vận mệnh "khách hàng".

Văn hóa cà phê của Thổ Nhĩ Kỳ cũng hiện diện trong chuyện cưới hỏi. Theo thông lệ, chàng rể tương lai sẽ đưa gia đình đến ra mắt nhà gái và cầu xin sự chúc phúc từ họ. Cô dâu tương lai sẽ pha cà phê mời nhà trai và có thể thêm muối thay vì đường vào cốc của chú rể. Chú rể không thể phàn nàn chuyện bị "chơi khăm" vì điều này bị coi là thô lỗ. Việc chàng trai uống hết cốc cà phê mặn mà không khó chịu được coi là bằng chứng cho thấy cô gái tìm được anh chồng tốt bụng.

Người Thổ Nhĩ Kỳ có câu nói "Ký ức về một tách cà phê kéo dài suốt 40 năm" để nói về văn hóa uống cà phê của họ.

Video: Cà_phê_cát_Thổ_Nhĩ_Kỳ_-_VnExpress_Du_lịch.mp4

Cà phê cát Thổ Nhĩ Kỳ không giống cà phê thông thường, dù có chung nguyên liệu. Phương pháp pha cà phê khác nhau tạo ra mùi vị và độ đậm đặc khác nhau. Nhiều người cho rằng việc dùng chất liệu bằng đồng làm nóng trong cát giúp cà phê thơm ngon, vị đậm đà hơn.

Dù pha bằng phương pháp nào, tách cà phê Thổ Nhĩ Kỳ nhìn chung có đặc điểm thơm, đậm đà, sủi đầy bọt và ấm nóng.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày